Thanh Hóa: Phụ nữ Như Xuân đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế

18/04/2022
Đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, gắn với mô hình cụ thể, hiệu quả, Hội LHPN huyện Như Xuân đã thực sự trở thành chỗ dựa cho hàng nghìn lượt hội viên phụ nữ vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Sản phẩm mật ong rừng lên men của mô hình “Vườn rừng bản Thổ” được thị trường trong và ngoài tỉnh tin dùng.

Đến thăm mô hình “Vườn rừng bản Thổ” của chị Nguyễn Lê Ngọc Linh, 32 tuổi, dân tộc Thổ, hội viên chi hội phụ nữ thôn Thanh Xuân (xã Hóa Quỳ), được biết, năm 2018, chị đã từ bỏ một công việc tốt, thu nhập ổn định ở Hà Nội để về quê lập nghiệp.

Sẵn gia đình có nhiều diện tích đồi rừng, Linh đã đầu tư xây dựng mô hình “Vườn rừng bản Thổ”, với diện tích 3 ha. Đây là mô hình mô phỏng hệ sinh thái rừng tự nhiên, đa tầng tán, đa loài cây trồng trên cùng một diện tích canh tác. Lúc đầu, chị gặp cũng không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức, song được sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và qua tổ chức tín dụng của hội phụ nữ xã, ngay sau khi có vốn, Linh tìm những giống cây bản địa như: keo, lát, lim, trám, mắc khén, dổi về trồng; đồng thời trồng thêm các loài cây ăn quả như bưởi, cam, ổi, mít. Dưới tán rừng, trồng thêm các loài cây dược liệu, chăn nuôi thêm gà, ong mật.

Đến nay, “Vườn rừng bản Thổ” đã có gần 60 loài cây rừng bản địa. Ngoài ra, Linh cũng xây dựng hệ sinh thái thực phẩm với chuỗi giá trị nông sản và dược liệu theo hướng nông nghiệp sinh thái để mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm chăm sóc sức khỏe được canh tác từ rừng. Đó là sản phẩm mật ong lên men, các dược liệu lên men như: gừng, tỏi, nghệ, chùm ngây, sâm bố chính... Năm 2021, mô hình “Vườn rừng bản Thổ” đã mang lại nguồn thu trên 700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 hội viên phụ nữ, 15 lao động thời vụ với mức thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Xuân Vi Thanh Hương cho biết: Để hỗ trợ hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội phụ nữ huyện đã tập trung tuyên truyền đến chị em nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, Hội cũng phối hợp với các phòng, ban trong huyện mở các lớp dạy nghề, lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; phối hợp với các Ngân hàng trong huyện tạo điều kiện cho 4.601 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng số tiền 235,717 triệu đồng; phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ 814 con giống cho gia đình phụ nữ nghèo ở xã Thanh Lâm, Thượng Ninh; tiếp tục duy trì hiệu quả chương trình “Ngân hàng bò”; phối hợp với Ủy ban MTTQ huyện hỗ trợ và trao các suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ nghèo, các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Qua đó, tạo điều kiện để chị em mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ban TG-CSLP (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video