Thanh Hóa: Triển khai mô hình Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em

14/05/2019
Thực hiện chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa đã triển khai xây dựng Mô hình Làng quê an toàn trên địa bàn tỉnh, qua đó nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, nhất là tổ chức Hội, cán bộ, hội viên phụ nữ về an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

Cùng với đó, mô hình được triển khai góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động xã hội tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, các chương trình về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa xâm hại cho phụ nữ và trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em cho cha mẹ, các thành viên gia đình; Giảm thiểu tình trạng bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em; Tham gia xử lý nghiêm các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan.

10 mô hình Làng quê an toàn được thực hiện tại các Huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh, Như Thanh, Hà Trung, Nga Sơn, Triệu Sơn, Thiệu Hóa, Yên Định và Thành phố Thanh Hóa với các nội dung “an toàn” được xác định gồm: không bị bạo lực, không bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại; không bạo lực học đường; An toàn khi di chuyển, khi tham gia giao thông, an toàn không bị tai nạn thương tích; An toàn trong hôn nhân và cuộc sống gia đình; An toàn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Từ yêu cầu, mục tiêu của mô hình, các yếu tố, hoạt động cần triển khai tại các địa phương thực hiện mô hình như: lắp đặt và duy trì hệ thống đèn chiếu sáng tại các tuyến đường chính của thôn bản, mở rộng phạm vi chiếu sáng tới tất cả các ngõ ngách, khu dân cư; huy động sự hỗ trợ của cộng đồng khi có bạo lực, xâm hại xảy ra; tổ chức các buổi họp với hội viên, phụ nữ và nhân dân để khuyến khích sự chia sẻ về các tình huống không an toàn; hỗ trợ để phụ nữ và trẻ em có kiến thức tự bảo vệ mình; tập trung nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành tại địa phương để chung tay xây dựng Mô hình Làng quê an toàn tại cộng đồng…

Đồng hành cùng cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức truyền thông bằng hình thức kịch tương tác, giao lưu với khán giả về xây dựng gia đình hạnh phúc với thông điệp “Xây dựng gia đình hạnh phúc vì một tương lai tốt đẹp hơn”, “Nói không với xâm hại trẻ em và bạo lực học đường” cho học sinh các trường trung học cơ sở, các thầy cô giáo, và phụ huynh tại 10 mô hình điểm; Đồng thời biên soạn và phát hành 2000 cuốn sổ tay tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại trẻ em; 15000 tờ rơi về phòng chống bạo lực gia đình; 7000 cuốn thông tin Phụ nữ Thanh Hóa với chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí xây dựng các phóng sự, chuyên trang về an toàn thực phẩm, về gương người tốt việc tốt, về nhũng nội dung an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Sau khi tổ chức ra mắt mô hình, Hội Phụ nữ cơ sở cũng tập trung tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông cung cấp kiến thức liên quan đến các nội dung an toàn tại cộng đồng; tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề phù hợp với nội dung an toàn tại địa phương. Với cách làm sáng tạo, Hội LHPN cơ sở đã xây dựng hòm thư góp ý để tiếp nhận những ý kiến, thông tin phản hồi của hội viên, phụ nữ và nhân dân để giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến nội dung an toàn tại thôn bản; đồng thời tiến hành giám sát, đánh giá kết quả thực hiện mô hình.

Tuyết Mai, Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video