Thành nhà Hồ trong hành trình đến Di sản Văn hóa Thế giới

27/06/2006
Thành nhà Hồ - công trình kiến trúc bằng đá kỳ vỹ nhất ở thế kỷ XIV, là thành cổ duy nhất ở nước ta, đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia (năm 1962) và đưa vào danh mục đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Thành nhà Hồ được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm nhấn du lịch quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.

Từ thành phố Thanh Hóa, theo quốc lộ 45, chừng 50km, du khách được đặt chân đến huyện Vĩnh Lộc, nơi có Thành nhà Hồ. Thành được xây dựng năm 1397, dưới thời nhà Hồ. Sau khi xây thành, Hồ Quý Ly tiến hành cuộc thiên đô từ Thăng Long về Tây Đô và tồn tại cùng nhà Hồtrong vòng 7 năm (1400-1407).

Thành nhà Hồ giữ vai trò kinh đô vào đời nhà Hồ nên dân gian gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long). Thành được xây dựng ở nơi hội tụ của sông Mã chảy từ phía tây về, sông Bưởi chảy từ phía bắc tới và 3 bề là núi (Thổ Tương, Ngưu Ngọa, Hắc Khuyển). Giống như kiến trúc Đại La và Hoàng Thành, Thành nhà Hồ xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, hai mặt nam, bắc dài hơn 900m và đông, tây dài hơn 700m, tường thành cao trung bình từ 7-8m, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu rộng 50m, có hệ thống 4 cửa ở các mặt thành xây cuốn vòm, cổng phía nam lớn nhất: rộng tới 38m, cao 10m với 3 mái vòm lớn. Dấu ấn đậm nét, đặc sắc của tường thành là những tảng đá xanh đẽo vuông vức, vốn là “đặc sản” của xứ Thanh. Không ít những phiến đá to được tạo từ 4 đến 5 mặt phẳng, nặng tới 30 tấn. Đá được xếp chồng khít lên nhau thành hình chữ CÔNG, có chu vi 3.200m, tạo cho tòa thành sự uy nghiêm và bền vững.

Thành là công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá rất độc đáo, có thể nói là có một không hai ở nước ta, là bằng chứng về công sức lao động và tài năng của nhân dân xứ Thanh.

Trải qua hơn 600 năm, do thời gian và những thăng trầm của lịch sử và một phần do công tác bảo quản di tích một thời chưa được chú trọng, nên nhiều đoạn thành đã bị xuống cấp, rạn nứt. Quanh thành, nhiều cây mọc rậm rạp, các viên đá tường thành bị xô lệch, rơi vỡ khá nhiều. Trong một thời gian dài không ít người dân đã cậy phá lấy đá làm hư hại di tích, thậm chí nhiều nhà dân xây lấn vào khu di tích.

Mặc dù đổ nát nhiều chỗ, nhưng sự hoành tráng của Hoàng Thành xây bằng đá xanh cơ bản còn nguyên vẹn hình dáng, người ta vẫn có thể chiêm ngưỡng một cách dễ dàng, giản dị nhất. Ngay từ rất sớm, trước khi Chính phủ đưa vào danh mục đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, những dự án bảo tồn di tích Thành nhà Hồ đã được triển khai. Hiện các nhà quản lý, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu, xem xét phương án tu bổ di tích này nhưng còn liên quan nhiều đến kỹ thuật lẫn kinh phí, bởi phục dựng toàn bộ thành đá thôi cũng mất một khoản kinh phí rất lớn.

Trước mắt Sở Văn hóa- Thông tinh Thanh Hóa sẽ chọn từng hạng mục để chống xuống cấp. Còn việc phục dựng một số đoạn thành đã bị đổ nát phải trên cơ sở có hội thảo khoa học và nghiên cứu kỹ lưỡng. Từ cuối tháng 8-2004, các chuyên gia khảo cổ Nhật Bản cùng các nhà khoa học thuộc Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển tiến hành khai quật bước đầu tại khu vực trung tâm của Thành nhà Hồ, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết kiến trúc của cung điện nhà Hồ tai nơi mà dân gian vẫn truyền tụng là vị trí của Đền Vua và cho thấy được bảo tồn rất tốt. Qua đợt khiểm tra, khảo sát gần đây nhất, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thiết mới về việc xây dựng Thành nhà Hồ.

Các nhà khoa học Nhật Bản nhần xét: đá ở núi Kim Ngọ, xã Vĩnh Yên(Vĩnh Lộc) và đá ở Thành nhà Hồ tương đối giống nhau và nếu điều này đúng thì công việc trùng tu Thành nhà Hồ những giai đoạn sau sẽ giải quyết được khâu quan trọng là vật liệu. Việc khai quật và nghiên cứu Thành nhà Hồ một cách tổng thể nhằm đưa một phương án bảo tồn và tôn tạo cơ bản cho di tích. Và, cùng những văn hóa vật thể là những giá trị văn hóa phi vật thể có niên đại thế kỷ 15, cũng được các cấp, các ngành khôi phục, gìn giữ trong bối cảnh của một không gian văn hóa, lịch sử hết sức quan trọng của tỉnh Thanh Hóa.

Cùng với lập đề án quy hoạch Khu Di tích Thành nhà Hồ, UBND tỉnh đã ký quyết định phê duyệt lập Dự án Quy họach chi tiết Khu Di tích Thành nhà Hồ và các danh thắng phụ cận (Đàn Tế nam Giao, Đền thờ Trần Khát Chân, Động Vĩnh An, suối cả Cẩm Lương…) do Sở Du lịch tỉnh làm chủ đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, phát triển các sản phẩm du lịch, làm cơ sở xây dựng các dự án đầu tư vào khu du lịch Thành nhà Hồ, tạo nên tour du lịch theo một hành trình khép kín.

Để đưa Thành nhà Hồ vào lộ trình trở thành Di sản Văn hóa Thế giới các cấp, các ngành hữu quan cần phối hợp đồng bộ cùng với nâng cao ý thức của mỗi người dân địa phương để mọi người có cách nhìn toàn diện trong việc giữ gìn, tôn tạo làm nổi bật giá trị của Thành nhà Hồ.

Trung tâm Thông tin st
Theo báo Thanh Hóa.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video