Thiết kế cho ai? Vì ai mà thiết kế?

18/05/2006
Đó là câu hỏi, cũng là trăn trở suốt cuộc đời làm công tác nghiên cứu khoa học của Tiến sỹ Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng nghiên cứu cơ giới hoá chăn nuôi, Đảng uỷ viên, Chủ tịch Công đoàn Viện cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch Bộ Nông nghiệp & PTNT.

Cũng vì câu hỏi này mà chị đã làm việc không ngưng nghỉ, cho “ra lò” những công trình, sản phẩm mang tính ứng dụng cao, được các “lão nông tri điền” đồng tình, chấp thuận.

 

Vạn sự khởi đầu nan

 

Tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí phục vụ chăn nuôi tại Hungary, năm 1975 khi nước nhà vừa thống nhất, ngành cơ khí nông nghiệp còn đang “phôi thai”, cô kỹ sư trẻ Nguyễn Thị Hồng trở về nước nhận nhiệm vụ: Cơ giới hoá dây chuyền chăn nuôi với bao dự định, ước mơ.

 

Được giao đề tài “Thiết kế hệ thống cung cấp nước uống cho gà theo mô hình dây chuyền chăn nuôi gia súc của Hungary, những tưởng sau bao năm dùi mài kinh sử với những chuyến đi thực tập còng lưng bên những cỗ máy bên nước bạn sẽ giúp chị nhanh chóng “nhập cuộc” và phát huy “lợi thế” của mình. Nào ngờ, dây chuyền chăn nuôi gia súc tập trung của Hungary viện trợ cho Việt Nam lúc đó sau một thời gian đi vào hoạt động lại không phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, khí hậu của nước ta, hơn nữa giá chi phí quá cao đã không thể tiếp tục vận hành.

 

Thất bại đầu tiên đó đã làm chị trăn trở rất nhiều và cũng từ đây, mọi nghiên cứu về thiết kế, chế tạo của chị đều khởi nguồn từ câu hỏi: Mình làm gì? Làm để phục vụ ai? Người sử dụng thiết bị mong muốn gì ở mình?

 

Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, thâm nhập thực tế, chị đã tìm ra “căn nguyên, ngọn nguồn” cũng như “chân lý” trong cuộc đời nghiên cứu của chị: Đối tượng phục vụ của chị chính là những người nông dân tần tảo, một nắng hai sương rất cần những thiết bị đơn giản, dễ coi, bền, rẻ, dễ sử dụng và ít phải thay thế. Nhưng để đảm bảo những yếu tố tưởng chừng như là đối trọng đó lại là bài toán không dễ gì có lời giải đối với những người nghiên cứu, thiết kế. Trả lời câu hỏi đó, chị cười vui: Chỉ có lòng đam mê sáng tạo, thực sự tâm huyết, yêu nghề mới có thể dẫn đến thành công.

 

Luôn đi tắt đón đầu

 

Học chuyên ngành cơ khí phục vụ chăn nuôi nhưng đề tài bảo vệ luận án tiến sỹ của chị lại là nghiên cứu về thiết kế, chế tạo thiết bị xử lý hạt giống. Bên cạnh đó là những công trình “ngoại đạo” khác như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế biến phân vi sinh, chế tạo máy ép mía…Đặc biệt là khi dịch cúm gia cầm bùng nổ vào cuối năm 2005, đầu năm 2006, nhu cầu giết mổ gia cầm theo hướng tập trung trở lên cấp thiết, chị được giao đảm nhiệm đề tài: Nghiên cứu, chế tạo dây chuyền giết mổ gà tập trung. Chỉ trong vòng một tháng, chị và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành trước sự nể phục của đồng nghiệp. Chị tâm sự: Sở dĩ chị và các đồng nghiệp sống được, trụ được với nghề không mấy dễ dàng, nhất là đối với phái nữ bằng sức lao động sáng tạo của mình cũng như hoàn thành các đề tài nghiên cứu nhanh như vậy không thể “nước đến chân mới nhảy” mà thực sự qua thực tế đã nắm bắt, thai nghén từ lâu và điều quan trọng là làm gì cũng phải nhạy bén, luôn đi trước một bước, dám nghĩ dám làm, không ngừng học hỏi, kể cả những lĩnh vực mới không nằm trong chuyên môn và khi đã quyết phải theo đuổi đến cùng.

 

Tính ứng dụng - thước đo giá trị các đề tài nghiên cứu

 

Điều mà tôi tâm đắc nhất ở chị chính là câu nói: Sản phẩm làm để trưng bày tủ kính thì không khó nhưng cái khó nhất chính là làm thế nào để sản phẩm đi vào cuộc sống, được người dân chấp nhận.

 

Gần 30 năm công tác, chị đã chủ trì 12 đề tài nghiên cứu về thiết kế, chế tạo các thiết bị phục vụ sản xuất, xử lý sản phẩm sau thu hoạch, trong đó có các công trình tiêu biểu như: Thiết bị xử lý nhuộm màu hạt ngô giống XL-1,5 nhằm bảo quản theo tiêu chuẩn quốc gia thay thế các thiết bị nhập ngoại từ Mỹ, Thái Lan; máy ép thức ăn chăn nuôi liên hoàn EV – 200 với năng suất 200kg/h thuộc hệ thống thiết bị chế biến thức ăn chăn nuôi; máy ép mía EM – 0,5 phục vụ cho các nhà máy đường. Bên cạnh đó, chị còn chủ trì các đề tài khác như: Nghiên cứu cơ giới hoá chuồng trại chăn nuôi gà công nghiệp, thiết bị chế biến thức ăn gia súc, chế biến sợi lương thực, hệ thống máy chế biến hạt giống ngô lai; nghiên cứu thiết kế máy nghiền không sàng, nâng cao chất lượng phun phủ hoá chất của thiết bị xử lý hạt giống ngô; nghiên cứu quy trình công nghệ hệ thống thiết bị chế biến thức ăn cho bò quy mô vừa và nhỏ, hệ thống xử lý hạt giống lúa lai, đậu đỗ; nghiên cứu thiết kế máy đóng bánh cỏ, rơm năng suất 1015 kiện/h. Ngoài ra, chị còn chế tạo 9 mẫu máy thiết bị và quy trình công nghệ, được các cơ quan chủ quản công nhận, cho phép ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; chủ trì thiết kế hệ thống cấp nước và máng uống nước động, máy trộn thức ăn, máy nhào bột ướt, thiết kế quy trình công nghệ và các thiết bị thái cỏ.

 

Do thường xuyên bám sát thực tế nên nhiều kết quả nghiên cứu, thực hiện hợp đồng đã được chuyển giao, ứng dụng rộng rãi trong sản xuấttại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một số tỉnh của nước bạn Lào. Ngoài việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu, chị và các đồng nghiệp còn ký kết các hợp đồng KTKT thiết kế, chế tạo mẫu máy, thiết bị mới phục vụ kịp thời và đón trước nhu cầu sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.

 

Tiếng lành đồn xa, các sản phẩm của chị và đồng nghiệp đã tạo được uy tín, chỗ đứng trên thị trường. Ngày càng có nhiều khách hàng đến ký hợp đồng, xác định làm ăn lâu dài với chị bằng các hợp đồng trị giá hàng tỷ đồng.

 

Với những thành tích đã đạt được, từ năm 1982 đến nay, chị đã được trao tặng 6 bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Huy chương vàng về mẫu máy trộn TK 1A, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN & PTNT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Bộ năm 2000, Huy chương Vì sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2004 và giải thưởng Kovalepxkai 2005 do Uỷ ban Giải thưởng Kovalepxkai Việt Nam trao tặng.

 

Bên cạnh những phần thưởng cao quý đó, niềm vui, niềm vinh hạnh gấp bội là chị có một gia đình êm ấm, hạnh phúc, một người chồng - người bạn tâm đầu ý hợp cùng là tiến sỹ chuyên ngành cơ khí nông nghiệp luôn sẵn sàng động viên, chia sẻ, đồng hành với chị trong mọi công việc cũng như trong cả cuộc đời.

 

 

 

 

 

 

Đỗ hoa - Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video