Thông cáo báo chí Diễn đàn phụ nữ tiểu vùng Mêkông nhằm tăng cường hoạt động phòng chống buôn bán người, bất bình đẳng giới, bóc lột lao động và tình dục

13/07/2007
Hà Nội (Tin của ILO)

 

Các nhà hoạt động xã hội cho phụ nữ, các diễn giả am hiểu tình hình buôn bán người và phân biệt giới hôm nay đã kêu gọi sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương trong cuộc chiến chống buôn bán người tiểu vùng Mêkông.

 

Trong khi việc tổ chức và tiến hành các biện pháp phòng chống buôn bán người có xu hướng trút trách nhiệm vào Chính phủ, thì các đại biểu tại Diễn đàn phụ nữ tiểu vùng Mêkông đến từ 5 nước trong khu vực đề xuất các nhóm xã hội, đặc biệt những nhóm dễ bị tổn thương do nạn buôn bán người cần phải có vai trò to lớn hơn trong hoạt động ứng phó cấp quốc gia và tiểu khu vực trước vấn đề này - bởi vì chính họ là những nhóm người đầu tiên đã trải nghiệm việc đấu tranh chống buôn bán người.

 

“Công việc phóng chống buôn bán người và phân biệt đối xử không thể chỉ trông chờ vào Chính phủ” – Bà Sachiko Yamamoto, Giám đốc khu vực của Tổ chức Lao động quốc tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói.

 

Nam giới, phụ nữ và trẻ em cần đứng lên khẳng định quyền của mình và yêu cầu Chính phủ, các tổ chức và công dân phải hành động. Phụ nữ và các tổ chức phụ nữ đang đóng vai trò then chốt”- Bà Yamamoto đã phát biểu trong buổi khai mạc của sự kiện 2 ngày diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

 

Diễn đàn Phụ nữ tiểu vùng Mêkông do Hội LHPN Việt Nam đăng cai đã thu hút các diễn giả, đại biểu từ Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Họ là những người rất có kinh nghiệm trong đấu tranh chống nạn buôn bán người ở các nước.

 

“Tại Việt Nam, phần lớn phụ nữ và trẻ em bị buôn bán đều nghèo khổ, thiếu việc làm, trình độ văn hoá thấp, gia đình bất hạnh, phải di cư từ nông thôn ra thành thị hoặc các khu vực có kinh doanh buôn bán” – Bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đã phát biểu.

 

Bà Khiết cho biết tổ chức của bà “không ngừng đổi mới phương thức giáo dục cộng đồng” để nâng cao sự hiểu biết về buôn bán phụ nữ ở cấp cơ sở, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc tổ chức di cư trái phép – khi mà mọi người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của việc buôn bán người, bóc lột lao động và tình dục.

 

“Với tư cách là các nhóm và các tổ chức của phụ nữ, chúng ta có thể hỗ trợ nhiều trong quá trình tổ chức các hoạt động phòng chống buôn bán người. Nhiều người trong số chúng ta cũng đã tiến hành các dự án quan trọng” - Tiến sĩ Saisuree Chutikul - diễn giả chính và là một trong những chuyên gia hàng đầu về phòng chống phân biệt đối xử và các nỗ lực phối kết hợpqua biên giới phòng chống buôn bán người phát biểu.

 

Trong khi vấn đề đói nghèo và các mức độ khác nhau về tạo quyền năng về giới là các chủ đề phổ biến ở tất cả 5 nước, thì Diễn đàn phụ nữ tiểu vùng Mêkông đã trình bày các kinh nghiệm thành công được thực hiện nhằm ngăn chặn và bảo vệ phụ nữ không bị xâm hại do nạn buôn bán người.

 

Tiến sĩ Saisuree đề xuất các nhóm và các tổ chức phụ nữ tiểu vùng Mêkôngcần tiến hành hoặc xác định hoạt động cùng chính phủ trong 4 lĩnh vực then chốt: phát triển và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp chính sách quốc gia, trong việc điều tra, truy tổ, xét xử; trong lĩnh vực hợp tác bảo vệ, hồi hương, phát hiện và hoà nhập cộng đồng của các nạn nhân bị buôn bán và cuối cùng là trong lĩnh vực phòng chống - một lĩnh vực mà các tổ chức xã hội đã đóng một vai trò rất tích cực.

 

Diễn đàn cũng sẽ đưa ra một loạt các khuyến nghị cụ thể để phối hợp hoạt động trong tương lai./.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video