Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi

17/08/2017
Với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, các cấp Hội PN Hà Nội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, phòng ngừa và đẩy lùi tệ nạn mua bán người.
Với chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ, các cấp Hội PN Hà Nội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền tới cán bộ, hội viên, góp phần cùng với các cơ quan chức năng phòng ngừa và đẩy lùi tệ nạn mua bán người trên địa bàn TP.
 
Đối tượng buôn bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị đưa ra xét xử
 
Tích cực Phòng ngừa
 
Phường Phúc Xá (quận Ba Đình) là một trong 13 địa bàn trọng điểm phức tạp về tệ nạn mua bán người của Hà Nội. Chị Nguyễn Thu Giang, Chủ tịch Hội LHPN phường cho biết: “Nữ lao động nhập cư hạn chế trong việc tiếp cận thông tin nên các cấp hội PN trong phường đã tăng cường trang bị thông tin, kỹ năng phòng chống thông qua những buổi sinh hoạt CLB “Phụ nữ nhập cư”. Chúng tôi sưu tầm những tài liệu dễ hiểu, dễ nhớ để cung cấp cho chị em. Đối với hội viên trong phường, Hội xây dựng bản tin truyền thanh trên Đài phát thanh phường, các buổi sinh hoạt của 2 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” ở cụm 2 và cụm 7”.
 
CLB “Phòng chống mua bán người” xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm thành lập từ năm 2007 sau khi trên địa bàn xã xảy ra nhiều vụ mua bán người. Gần 50 thành viên của CLB, có chị đã từng là nạn nhân của mua bán người. Vượt qua mặc cảm, tự ti, từ câu chuyện của bản thân mình, chị em đã tích cực tuyên truyền nâng cao tinh thần cảnh giác trước những chiêu bài dụ dỗ của bọn tội phạm như đi mua sắm, đi làm lương cao, đi du lịch…; kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn có biện pháp giúp đỡ, tư vấn, giảm thiểu tối đa tình trạng bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa gạt. Đối với những nạn nhân bị lừa bán may mắn trở về, Hội và CLB thường xuyên tới thăm, động viên, hỗ trợ các chị nhập khẩu, khai sinh cho con, xây nhà mái ấm tình thương…
 
Hội LHPN Hà Nội là một trong những đơn vị phối hợp tốt với Phòng cảnh sát hình sự, CA TP và các sở, ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền tới người dân, đặc biệt với phụ nữ, trẻ em. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, số vụ mua bán người xảy ra trên địa bàn TP rất thấp. Trong tổng số 14 nạn nhân của 7 vụ mua bán người được CATP khám phá trong 3 năm qua, có 2 nạn nhân là người Hà Nội, 12 nạn nhân còn lại là người ngoại tỉnh.

Cảnh giá với thủ đoạn mới
 
Mặc dù đã đạt những kết quả khả quan trong đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người nhưng theo Thiếu tá Lê Khắc Sơn, loại tội phạm này vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhiều trường hợp có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia. Các đối tượng chủ yếu lợi dụng sự kém hiểu biết của bị hại ở những vùng nông thôn, những người không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn... để làm quen với nạn nhân rồi dùng những lời nói “đường mật”, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các “động mại dâm trá hình” tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc) để làm gái mại dâm.
 
Thiếu tá Lê Khắc Sơn nhấn mạnh: Nhiều trường hợp đối tượng trước đây là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc nay quay trở lại Việt Nam dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, đặc biệt có vụ đối tượng quay lại lừa cả người thân, bạn bè. Các đối tượng còn sử dụng mạng Internet, điện thoại... để lừa gạt học sinh, sinh viên, hay thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức “gái gọi” qua mạng và tổ chức các chuyến “du lịch tình dục” xuyên quốc gia với mục đích để bán các nạn nhân hoặc công khai rao bán phụ nữ trên mạng...”.
 
“Trong khi các đối tượng ngày càng tinh vi, xảo quyệt thì công tác đấu tranh của cơ quan CA đang gặp một số khó khăn do điều kiện khách quan và chủ quan”. Theo Thiếu tá Lê Khắc Sơn, phần lớn đối tượng mua bán người là người tỉnh ngoài về địa bàn Hà Nội hoạt động lưu động, không đăng ký tạm trú hoặc không có nơi ở cố định, gây khó khăn cho việc quản lý. Đối tượng mua bán người có sự câu kết chặt chẽ với các đối tượng người nước ngoài hoặc đối tượng người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài để phạm tội và tránh sự phát hiện, điều tra của cơ quan công an. Đối tượng khi tiếp xúc với nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khuyến mại khác nhau để làm quen và lừa gạt, gây khó khăn cho việc xác minh, điều tra của cơ quan CA. Còn với các nạn nhân, khi sang địa phận Trung Quốc bị đối tượng quản lý, thu hết điện thoại, không biết tiếng Trung Quốc và đường đi lối lại nên không biết mình ở đâu, không có phương tiện thông tin để liên lạc với gia đình thông báo tình hình.
 
Thực trạng trên tiếp tục đòi hỏi CATP và các cơ quan có liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa, vạch rõ thủ đoạn, phương thức hoạt động của loại tội phạm này. Trong đó, Thiếu tá Lê Khắc Sơn nhấn mạnh đến vai trò của gia đình. Trong hoàn cảnh xã hội phức tạp như hiện nay, rất cần sự che chở, yêu thương, quan tâm và dạy dỗ của bố mẹ.
 
Từ ngày 25 – 29/7, các quận, huyện Ba Đình, Hoàng Mai, Gia Lâm, Thanh Oai đã tổ chức truyền thông hưởng ứng Ngày toàn dân phòng chống mua bán người. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: các cấp Hội tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền cho 80 báo cáo viên pháp luật, 720 tuyên truyền viên pháp luật tại cơ sở; duy trì 119 CLB “Phụ nữ và pháp luật”, 15 CLB “Phòng chống mua bán người”, 1.706 “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”, các nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật; hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân bị buôn bán trở về…
 
 
Theo: Đức Hạnh - Việt Linh, http://baophunuthudo.vn/(HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video