Thư của Ngài Cao uỷ Thương mại Uỷ ban châu Âu gửi Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

11/05/2006
LTS: Sự việc EC tiến hành điều tra chống bán phá giá giầy mũ da vào thị trường EU và thông báo là có bằng chứng Việt Nam bán phá giá đã gây hậu quả nặng nề cho ngành giày dép Việt Nam, tác động nghiêm trọng đến đời sống của 500.000 lao động trong ngành, trong đó 80% là lao động nữ. Ngày 28/2/2006 Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết đã có Thư gửi Ngài Peter Mandelson, Cao uỷ Thương mại Uỷ ban châu Âu bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của Hội LHPN Việt Nam đối với những tác động tiêu cực đó và hy vọng Ngài Cao uỷ đồng cảm, ủng hộ trong vụ kiện cũng như ủng hộ các nỗ lực vì sự phát triển bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam. Ngày 27/4/2006 Ngài Cao uỷ Thương mại Uỷ ban châu Âu đã gửi thư phúc đáp lại Thư của Chủ tịch Hà Thị Khiết, toàn văn thư như sau:

 

Kính gửi Bà Chủ tịch,

 

Cảm ơn bà về bức thư mà Bà đã gửi cho chúng tôi bày tỏ về sự quan ngại về việc chống bán phá giá giày da của Việt Nam ngày 28 tháng 2.

 

Tôi cũng rất cảm thông với sự quan ngại đó của Bà và tôi cũng nhận thức được tầm quan trọng của sự việc này đối với Việt Nam và đối với số lao động mà ngành giày dép Việt Nam đang sử dụng, đặc biệt là lao động nữ.

 

Về những vấn đề mà Bà đề cập trong thư, tôi xin được làm rõ rằng việc chống bán phá giá mà Uỷ ban Châu Âu đã tiến hành không nên xem như là một vụ kiện. Trong thực tế, đây là những thủ tục được tuân theo những quy định đã được quốc tế thống nhất dưới sự bảo trợ của WTO ở Geneva và những thủ tục này được thiết kế để giải quyết cạnh tranh tiêu cực trong thương mại quốc tế.

 

Vì thế, trong trường hợp này ngành Công nghiệp giày da của EU đã cho rằng họ bị thiệt hại về kinh tế do giá nhập khẩu bất công bằng từ Trung Quốc và Việt Nam. Kể từ khi tiến hành điều tra để xác minh rõ nguyên nhân và tìm ra mối quan tâm chung ở Châu âu để áp dụng các biện pháp chống phá giá, về mặt pháp lý thì chưa có cách nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp đó.

 

Xét về lợi ích chung, tôi muốn nhấn mạnh rằng có tới 200.000 lao động trong ngành công nghiệp giày da Châu Âu đang thực sự có nguy cơ bị thiệt hại do giá cả bất công bằng. Hơn nữa, ngành Giày dép Châu Âu thường tuyển dụng lao động ở những vùng sâu, vùng xa của Châu Âu, nơi mà người lao động không thể kiếm được việc làm gì khác.

 

Trên cơ sở những kết quả điều tra thì Uỷ ban Châu Âu không có sự lựa chọn nào khác là phải áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 16,8% đối với các mặt hàng giày da có xuất xứ từ Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các nhà sản xuất Việt Nam sẽ phải đương đầu với các loại thuế gia tăng ngày một ngày hai, điều này sẽ ảnh hưởng đột ngột đến sự lưu thông thương mại, Uỷ ban Châu Âu cũng đã quyết định rằng loại thuế này sẽ được thực hiện từng bước một trong khoảng thời gian 6 tháng. Hơn nữa, các biện pháp tạm thời này sẽ không áp dụng cho các loại giày trẻ em và giày thể thao đặc biệt, đây là những sản phẩm chiếm một phần đáng kể trong tổng số giày da Việt Nam xuất khẩu sang EU. Trên cơ sở này, tôi tin rằng đây là một giải pháp cân bằng tạm thời trong chừng mực cao nhất có thể mà đã tính đến những tình hình cụ thể của các nước xuất khẩu.

 

Với các biện pháp đó, tôi mong rằng các chương trình phát triển mà EU đưa ra cho Việt Nam sẽ không bị cản trở.

 

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh rằng những biện pháp đưa ra là tạm thời và cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Tất cả các bên quan tâm đều có thể đưa ra những ý kiến về kết quả điều tra trước khi đi đến quyết định cuối cùng về các biện pháp cụ thể. Với sự kính trọng của mình tôi mong muốn rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có liên hệ thường xuyên với các tổ chức của chúng tôi để nhằm tìm ra một giải pháp công bằng cho tương lai mà sẽ có lợi cho cả EU và Việt Nam cũng như ngành lao động giày da của cả hai nước.

 

Kính thư,

 

 

 

Peter Mandelson

(Đã ký)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video