Thu hút nữ lao động giúp việc gia đình đến với tổ chức Hội

14/12/2021
Hà Nội có 15 mô hình "CLB lao động giúp việc gia đình" với khoảng 600 thành viên tại các quận trên địa bàn; tạo nơi sinh hoạt, chia sẻ của các lao động nữ về pháp luật lao động việc làm, hôn nhân, gia đình, qua đó góp phần thu hút lao động nữ đến với tổ chức Hội.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có đóng góp tích cực trong việc thực hiện dự án. Ảnh: HH

Hội LHPN Hà Nội vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng - GFCD tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả 05 năm thực hiện dự án "Hỗ trợ lao động giúp việc gia đình tiếp cận chính sách an sinh xã hội, lao động và việc làm", với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam Novib.

Trong 5 năm qua, Hà Nội đã thành lập và duy trì tổng số 15 mô hình "CLB lao động giúp việc gia đình (LĐGVGĐ)" với khoảng 600 thành viên tại các quận trên địa bàn. Cùng với đó, Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp với GFCD tổ chức 9 buổi tập huấn cho cán bộ Hội, ban chủ nhiệm các CLB, cán bộ phòng Lao động Thương binh & Xã hội của các Quận, Phường có dự án. Qua đó, nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong việc ký kết hợp đồng lao động với lao động giúp việc; Chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm…

Các CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 quý/lần, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình di biến động của các thành viên. Đồng thời tạo nơi sinh hoạt, chia sẻ của các lao động nữ về pháp luật lao động việc làm, hôn nhân, gia đình; các vấn đề về bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; sự khác biệt giữa nghề LĐGVGĐ và các ngành nghề khác; kỹ năng giao tiếp, ứng xử giữa người giúp việc với các thành viên trong gia đình gia chủ…

Đánh giá kết quả, bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội, cho rằng: Các CLB đã thật sự trở thành ngôi nhà thứ hai của LĐGVGĐ.Trong đó cũng tạo được sự gắn kết, tình cảm giữa người sử dụng lao động và người lao động. Qua các buổi sinh hoạt, tập huấn, nâng cao nhận thức, LĐGVG đã có sự chuyển biến trong nhận thức. Họ thực sự coi đây là một nghề gắn bó lâu dài, và là công việc có tiềm năng phát triển, trong đó, người lao động được bảo vệ bởi các chính sách pháp luật.

Đồng thời, bà Lê Kim Anh cũng bày tỏ mong muốn Hội LHPN 3 quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng tiếp tục duy trì hoạt động các CLB gắn với sinh hoạt hội viên theo quy định của điều lệ Hội, quan tâm, hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên và các thành viên. Qua đó cũng góp phần thu hút lao động nữ nói chung và LĐGVG nói riêng đến với tổ chức Hội.

Bà Lê Kim Anh (thứ 3 từ trái sang), Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội và TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc GFCD (bìa phải), trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân

Đơn vị đồng quản lý dự án, theo TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc GFCD, nữ LĐGVG sinh hoạt trong các CLB đã có được sự chuyển biến tích cực. Chị em đã có niềm tự hào với công việc của mình; đặc biệt, hiểu biết chính sách, pháp luật liên quan cũng rõ nét hơn.

Những năm trước đây, tỷ lệ ký hợp đồng lao động bằng văn bản giữa lao động giúp việc và gia chủ rất thấp; tạo khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả 2 bên khi có tranh chấp xảy ra.

Đến nay, qua các hoạt động của Dự án, đã có 385 hợp đồng lao động bằng văn bản được ký kết giữa lao động giúp việc với chủ sử dụng lao động (chiếm khoảng 64,2% số lao động trong các CLB giúp việc gia đình).

Cùng với đó, các thành viên CLB cũng hiểu rõ hơn các chính sách về an sinh xã hội, lợi ích của việc tham gia BHYT, BHXH tự nguyện; qua đó có được việc làm, cuộc sống bền vững hơn…

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video