Thừa Thiên Huế: Khởi nghiệp với mô hình nuôi cá mú

31/01/2020
Xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế là một xã miền núi, bãi ngang đặc biệt khó khăn, mật độ dân cư thưa thớt sống rải rác trên tuyến đường Quốc lộ 49B. Ở đây, ngư nghiệp là một thế mạnh của địa phương, nhiều hộ phát triển kinh tế nhờ nghề ngư, trong đó có gia đình chị Huỳnh Thị Kim Ánh thôn Hòa An.
Chị Huỳnh Thị Kim Ánh khởi nghiệp với mô hình nuôi cá mú

Hai vợ chồng chị Ánh trước kia làm nghề may tại Sài Gòn. Tuy nhiên, cuộc sống mưu sinh hết sức khó khăn, vất vả nên vợ chồng chị quyết định trở về quê lập nghiệp với nghề nuôi cá lồng, tận dụng lợi thế vị trí gia đình ở gần sông.

Ngỡ rằng việc nuôi cá đơn giản nhưng khởi đầu, gia đình chị lại gặp không ít khó khăn: Vốn không có, kinh nghiệm, kiến thức cũng không, chưa được đào tạo nuôi trồng thuỷ sản, không biết chọn loại cá giống nuôi nào cho năng suất cao và đạt kết quả kinh tế...      

Quyết tâm khởi nghiệp, anh chị đã dành thời gian khảo sát thị trường, học hỏi kinh nghiệm, và chọn nuôi cá mú.

Chị Ánh cho biết, cá mú tuy khó nuôi nhưng giá trị kinh tế lớn, mang lại lợi nhuận cao. Anh chị đã mạnh dạn vay ngân hàng, gia đình hai bên cộng với tổng số vốn có của anh chị để đầu tư cho 4 lồng cá mú với tổng kinh phí 100 triệu đồng.

Năm đầu tiên, do nuôi cá theo hướng tự phát nên anh chị chưa biết cách kiểm soát môi trường nuôi, khiến dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho gia đình chị. “Những ngày đó, vợ chồng tôi thức trắng đêm, chạy ngược chạy xuôi tìm cách cứu chữa đàn cá bị bệnh nhưng cũng chỉ cứu được một phần. Tuy nhiên, chính từ đó, anh chị lại học hỏi được thêm rất nhiều kinh nghiệm quý giá của nghề nuôi cá”.

Tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của những chủ nuôi cá thành công, chồng chị còn cất công lặn lội vào tận Nha Trang để học hỏi thêm cách nuôi cá lồng của người dân ở đó.

Tuy nhiên, thành công vẫn chưa đến với anh chị khi thời tiết diễn biến phức tạp, cá phát triển không tốt hoặc cho năng suất, chất lượng thấp, đồng thời ở địa phương, việc nuôi cá Mú phát triển, người dân ở xã đua nhau nuôi làm cho giá của cá bị hạ xuống. Việc nuôi cá chẳng những không đem lại lợi nhuận mà còn làm anh chị bị thua lỗ nặng.

Không vì thua lỗ mà từ bỏ, chị động viên chồng “thất bại là mẹ của thành công”, vợ chồng cùng cố gắng và tìm cách khắc phục để tiếp tục thực hiện giấc mơ làm giàu.

Theo chị Ánh, muốn việc nuôi cá Mú đem lại nguồn kinh tế thì điều quan trọng là phải có kỹ thuật chăm sóc cũng như kinh nghiệm để cá Mú phát triển đúng tốc độ, đạt đủ trọng lượng, giảm thiểu tối đa sự hao hụt. Đặc biệt, phải làm sao giữ ổn định được đàn cá trong khoảng 2 tháng đầu tiên, đây là thời điểm cá dễ nhiễm bệnh và có tỷ lệ chết cao nhất.

Trải qua bao thăng trầm, “có công mài sắt, có ngày nên kim”, với sự lao động cần cù, tâm huyết và sự nhiệt tình đối với con cá Mú, chị Ánh đã vượt qua được những thử thách để đạt kết quả. Với phương pháp sử dụng thức ăn sạch cho cá, nuôi theo phương pháp tự nhiên, tận dụng dòng nước thoáng nên cá nuôi của gia đình chị có chất lượng ngon và giá thành tốt hơn hơn.

Hiện nay, gia đình chị đã mở rộng thêm 2 lồng cá, mỗi lồng nuôi 200.000 con cá. Bên cạnh đó, chị còn nuôi thêm các loại cá khác như: cá Vẩu, cá Hồng... đem lại thu nhập cao cho gia đình chị mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng.

Nhờ con cá Mú mà cuộc sống của gia đình chị những hộ gia đình khác trong xã nay đã thay đổi. Năm 2017 được xem là năm thành công nhất đối với đìn chị khi giá bán cá mú đạt từ 280.000 – 290.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến trên 310.000 đồng/kg, mang lại doanh thu cho gia đình chị 300 triệu đồng từ nuôi cá Mú và các loại cá khác.

Hiện nay, chị đang chuẩn bị xuất bán vụ cá Mú đầu tiên trong năm 2019 cho khách hàng, bình quân trọng lượng đạt từ  1,5- 2 kg/con.         

Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video