Thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư

23/04/2014
Sáng ngày 21/4/2014, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức hội thảo khu vực về Thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa, bà Ali-xi-a Ba-la – Phó Tổng thư ký ASEAN, ông Vũ Anh Sơn – Trưởng đại diện UNHCR tại Việt Nam đồng chủ tọa. Tham dự còn có Trung ương hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; các doanh nhân và thành viên mạng lưới ASEAN.

Hội thảo nhằm hướng tới hiện thực hóa Tuyên bố của các Nhà lãnh đạo ASEAN về Phúc lợi xã hội và Phát triển liên quan đến các quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN trong đó có phụ nữ di cư; xác định thực trạng, nguy cơ, thách thức của phụ nữ di cư và các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư; chia sẻ và thảo luận về các điển hình tốt trong thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư; xây dựng mạng lưới kết nối tăng cường các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư trong ASEAN.

Vấn đề di cư trong nước và quốc tế là một hiện tượng phổ biến đối với nhiều quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ hiện nay. Thông qua di cư quốc tế, người dân giữa các quốc gia được trao đổi, giao lưu văn hóa, hiểu rõ hơn về phong tục tập quán giữa các nước. Đặc biệt, trong lĩnh vực lao động, theo báo cáo của Tổ chức di cư quốc tế (IOM), năm 2011, tổng thu nhập của người lao động di cư toàn cầu đạt 440 tỷ USD và một lượng kiều hối ước tính 350 tỷ USD đã được gửi về các nước đang phát triển. Như vậy, hoạt động di cư đã mang đến rất nhiều lợi thế cho quá trình phát triển cũng như mang lại các kiến thức, kỹ năng, thu nhập cho người di cư. Tuy nhiên, hoạt động di cư cũng có mặt trái và những thách thức, rủi ro lớn cho người di cư nếu không được quản lý tốt, bao gồm tình trạng không có quốc tịch, nguy cơ về buôn bán người, bị bóc lột, xâm hại v.v...

Trong những rủi ro nói trên, phụ nữ di cư là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn cả trong khi phụ nữ hiện đang chiếm gần một nủa dân số di cư quốc tế trên thế giới. Điều này không có nghĩa rằng không có các thách thức đối với nam giới di cư. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy phụ nữ di cư luôn gặp nhiều bất lợi hơn nam giới do những rào cản về xã hội và bất bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa cho biết, Việt Nam là quốc gia có số người đi làm việc tại nước ngoài ngày càng tăng, trong đó, tỷ lệ lao động nữ di cư đi làm việc ở nước ngoài chiếm con số khá lớn. Ngoài ra, rất nhiều phụ nữ Việt Nam cũng di cư vì các lý do hôn nhân, học tập... Trong nước, quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa đất nước cũng tạo những luồng di cư từ nông thôn ra thành thị, di cư đến các khu công nghiệp với rất nhiều lao động trong số đó là phụ nữ.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi và các dịch vụ xã hội cho người di cư, đặc biệt là di cư đi nước ngoài. Điều này được thể hiện ở việc ban hành Luật Người lao Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Tích cực cùng các nước ASEAN tham gia vào việc soạn thảo Văn kiện ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư, trong đó có phụ nữ; Sửa đổi Luật Quốc tịch nhằm hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi về quốc tịch và công dân cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài; Tăng cường thông tin và truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết, phòng trách rủi ro liên quan cho người di cư trong nước và ngoài nước.v.v...

Tiếp đó, các đại biểu đã có 2 phiên thảo luận về vấn đề "Phụ nữ di cư trong khu vực – Thực trạng, các nguy cơ, thách thức và các dịch vụ xã hội" và "Thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư trong nước".
Theo Tiến sỹ Jobst Koehler – Trưởng Bộ phận chương trình của IOM, Phụ nữ châu Á đang ngày càng di cư độc lập và hiện tượng "chảy máu chất xám" thường gắn với phụ nữ hơn là nam giới. Mặc dù các lao động nữ di cư thường làm việc trong các lĩnh vực rủi ro, ví dụ như giúp việc gia đình, sản xuất, chăm sóc... nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ di cư vì mục đích giáo dục và tìm kiếm các công việc có trình độ trung bình hoặc cao. Các hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, không dễ tiếp cận cho những người di cư, đặc biệt là những người làm việc trong các khu vực có tay nghề thấp.

Liên quan đến vấn đề di cư và phụ nữ ở Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Thúy – Trung tâm Nghiên cứu Lao động nữ và Giới Viện Khoa học LĐXH đưa ra khuyến nghị: Nhà nước cần tiếp tục sửa đổi và tăng cường tính thực thi của các chính sách xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người lao động làm việc ở KCN; Từng bước xóa bỏ rào cản chính sách đối với người di cư trong thụ hưởng các dịch vụ xã hội công (y tế, giáo dục...); Các dịch vụ hỗ trợ di cư cần quan tâm đến nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế, đảm bảo họ có thể tiếp cận được; Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về giới.

Bên cạnh những báo cáo tham luận như: Thách thức đối với vấn đề không quốc tịch của phụ nữ di cư trong ASEAN và kinh nghiệm trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu phụ nữ không quốc tịch tại Việt Nam; Lao động di cư nữ: Kinh nghiệm quản lý của Việt Nam; Những nỗ lực trong việc thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư tại các khu công nghiệp của Việt Namv.v.., Hội thảo còn được nghe những ý kiến đóng góp của các nước ASEAN xoay quanh vấn đề thúc đẩy các dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư.
 
 

 

 

 

Văn phòng Ủy ban quốc gia VSTBPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video