Thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ nhằm cải thiện đời sống cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam

10/05/2007
Cải thiện thu nhập, sức khoẻ của các nhóm thiệt thòi (người cao tuổi, phụ nữ, người dân tộc thiểu số) thông qua việc thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ tại 60 cộng đồng tại tỉnh Thái Nguyên –

đó là mục tiêu hướng tới của Dự án Thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ nhằm cải thiện đời sống cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam (VIE 014) do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Người cao tuổi Việt Nam, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu trợ giúp người cao tuổi và Văn phòng Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc SKSS thuộc Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên thực hiện với sự tài trợ của Uỷ ban châu Âu, thông qua Tổ chức Hỗ trợ người cao tuổi quốc tế (HAI).

 

Điều tra tổng dân số năm 1999 cho thấy, cả nước có 6.136.399 người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 8,04% dân số, trong đó phụ nữ chiếm 58,88% tổng số người cao tuổi. Dự tính đến năm 2024 tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam sẽ là 12,7%. Tuổi thọ tăng cao, kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi từng bước được nâng lên, cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một bộ phận người cao tuổi, đặc biệt ở nông thôn, dân tộc thiểu số sống khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khoẻ thiếu thốn.  Vì thế, vấn đề chăm sóc, nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường sống cho nhóm thiệt thòi nói chung và người cao tuổi nói riêng cần được quan tâm và được xã hội hoá sâu rộng. Dự án Thúc đẩy cách tiếp cận liên thế hệ nhằm cải thiện đời sống cho các nhóm thiệt thòi ở Việt Nam được thực hiện sẽ đáp ứng nhu cầu xây dựng một mô hình xã hội hoá công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi một cách bền vững.

 

Dự án sẽ được thực hiện tại 60 xã của tỉnh Thái Nguyên thuộc 2 huyện Phú Bình và Phú Lương với 41.280 người dân được thụ hưởng và 120.000 người thụ hưởng khác trong toàn tỉnh. Trọng tâm chính của Dự án là cải thiện sức khoẻ và đời sống của cộng đồng Dự án. Các thành viên câu lạc bộ liên thế hệ sẽ được hỗ trợ tập huấn và hỗ trợ về vật chất để phát triển các hoạt động tăng thu nhập. Dự án sẽ thúc đẩy các hoạt động tự chăm sóc của cộng đồng, chăm sóc tại nhà, các hành vi tích cực trong phòng bệnh và nâng cao nhận thức phòng chống HIV/AIDS. Dự án cũng sẽ tiến hành các hoạt động nhằm tăng cường sự tiếp cận với BHYT của Nhà nước và các nguồn tín dụng, trong đó người cao tuổi sẽ là lực lượng đi đầu và nòng cốt.

 

Phát biểu tại Lễ công bố Dự án sáng 9/5/2007 tại trụ sở T.W Hội LHPNVN, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Kim Thuý đã nêu bật tầm quan trọng của Dự án, góp phần đẩy mạnh công cuộc xoá đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhóm người thiệt thòi tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa các tổ chức xã hội và chính phủ nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề của người cao tuổi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và bản sắc văn hoá Việt Nam. Đồng chí cảm ơn sự hợp tác, phối hợp, hỗ trợ tích cực của Uỷ ban châu Âu, Tổ chức hỗ trợ người cao tuổi quốc tế và các tổ chức đối tác dành cho Hội LHPNVN nhằm thực hiện thành công Dự án.

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video