Thúc đẩy chính sách, giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu sau ảnh hưởng dịch Covid-19

28/02/2022
Đó là chủ đề của Chương trình đối thoại chính sách do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Hội LHPN Việt Nam phối hợp tổ chức vào chiều 28/2/2022 tại Hà Nội và 63 điểm cầu trên toàn quốc. Đây cũng là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ ngày 8/3/2022 với chủ đề toàn cầu là “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững”; chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương (giữa ảnh), ông Lê Khánh Lương, quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động TB và XH tham gia đối thoại

Tham gia Chương trình đối thoại có bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Ann Margareta Mawe, Đại sứ toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam; bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cùng các khách mời từ nhiều bộ ngành chính phủ như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ngân hàng chính sách và hơn 100 đại biểu tham dự trực tuyến.

Khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ “Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng trong gia đình, cộng đồng, có khả năng tạo ra nguồn lực để thích ứng và giảm nhẹ thiên tai. Tuy nhiên, vẫn còn những định kiến giới đối với vai trò, năng lực và đóng góp trong lĩnh vực này của phụ nữ. Chính vì vậy, việc trao quyền cho phụ nữ nhằm đáp ứng nhu cầu riêng của họ, giúp bản thân họ, gia đình và cộng đồng đối phó với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra là hết sức cần thiết”.

Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Minh Hương phát biểu khai mạc Chương trình

Phó Chủ tịch Hội cho biết, những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực, chủ động trong công tác phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, được sự hỗ trợ rất tích cực và hiệu quả về kỹ thuật và tài chính của UN Women, Hội đã triển khai được nhiều dự án về lồng ghép giới trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy nhiều kinh nghiệm bản địa, sáng kiến của phụ nữ ở cơ sở, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế của họ về nhà ở, tín dụng, sinh kế và dịch vụ cơ bản, những yếu tố nằm ở điểm giao thoa giữa khả năng phục hồi và phát triển.

Theo bà Ann Margareta Mawe, Đại sứ toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam, nỗ lực của Việt Nam trong mục tiêu hướng tới một đất nước phát triển xanh, bền vững, bảo đảm bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái là rất đáng ghi nhận. Bà Ann Mawe cho rằng, cần phải có cách tiếp cận bao trùm trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như hiện nay, hướng tới phụ nữ, trẻ em gái, không ai bị bỏ rơi lại phía sau. Đây sẽ là những nội dung quan trọng để cùng nhau phối hợp, cùng nhau hợp tác và có những hành động để giải quyết vấn đề, lấp đầy những khoảng cách giới đang tồn tại.

Bà Ann Margareta Mawe, Đại sứ toàn quyền Thụy Điển tại Việt Nam

Phát biểu tại Chương trình đối thoại, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam cũng nhấn mạnh quan điểm cần phải đặt phụ nữ và trẻ em gái vào trung tâm của việc ra quyết định trong các chính sách và chương trình về khí hậu, môi trường và rủi ro thiên tai. Đó là cách hiệu quả nhất để thực hiện phương pháp tiếp cận toàn chính phủ, có sự tham gia của các bộ quản lý ngành, bộ máy bình đẳng giới quốc gia, lãnh đạo các thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức và đầu mối kỹ thuật chịu trách nhiệm về biến đổi khí hậu, môi trường và giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực này.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam

Sự kiện là cơ hội để hội viên, phụ nữ, cán bộ Hội LHPN các cấp và các tổ chức phi chính phủ cùng đối thoại và trao đổi với đại biểu của các bộ, ban, ngành của Chính phủ về các khó khăn, thách thức mà phụ nữ đang gặp phải trong quá trình phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là thời kỳ hậu Covid-19, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn này.

Các phiên đối thoại tại Chương trình đã diễn ra sôi nổi với sự tham gia đặt nhiều câu hỏi của hội viên, phụ nữ, đại diện Hội LHPN một số tỉnh, thành, đại diện mô hình sinh kế của phụ nữ… cho các khách mời, tập trung vào các nội dung như: vấn đề tiếp cận kỹ thuật và công nghệ, tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tiếp cận vốn để đầu tư công nghệ máy móc cho các doanh nghiệp và hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, các chương trình đào tạo nghề và tạo việc làm xanh cho phụ nữ, các chính sách và chương trình về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ưu tiên cho phụ nữ….

Đại diện Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia đối thoại

Những vấn đề đặt ra đã được các khách mời trao đổi thông tin, chia sẻ về chính sách hiện có hoặc gợi mở về các đề xuất, giải pháp, ý tưởng nhằm góp phần thúc đẩy đề xuất các chính sách/chương trình góp phần đảm bảo bình đẳng giới và hỗ trợ sự tham gia, lãnh đạo của phụ nữ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cũng như các mô hình sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu do phụ nữ tham gia thực hiện hoặc làm chủ.

Các đại biểu tham gia Chương trình từ các điểm cầu trực tuyến

 

Việt Nam là một trong 6 nước trên thế giới ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030. Việc thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 phù hợp với chiến lược phát triển đất nước đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đó là chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể hoá đường lối đó của Đảng, Hội LHPN Việt Nam xác định trong dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu là nội dung quan trọng cần tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video