Thúc đẩy dân chủ và hòa bình

27/11/2008
“Bình đẳng giới không chỉ được xem là một mục tiêu sát sườn mà còn là một nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ và hòa bình, xóa bỏ đói nghèo và bạo lực, bảo đảm giáo dục cho tất cả mọi người, cải thiện sức khỏe người mẹ, giảm tử vong ở trẻ sơ sinh và chiến đấu với HIV/AIDS. Như vậy thúc đẩy bình đẳng giới trong Khối Thịnh vượng chung sẽ đóng góp vào sự phát triển, dân chủ và hòa bình”. Đó là lời tựa của Chương trình hành động vì sự bình đẳng giới giai đoạn 2005-2015 của Nhóm Nữ nghị sỹ Khối Thịnh vượng chung (CWP).

Sự ra đời và phát triển

Theo sáng kiến của nữ Thượng nghị sỹ Norma Cox Astwood (Bermuda), Nhóm Nữ nghị sỹ Khối Thịnh vượng chung (CWP) đã manh nha ra đời từ một cuộc họp không chính thức của các nữ nghị sỹ tổ chức ngay tại Hội nghị Nghị viện Khối Thịnh vượng chung lần thứ 35 diễn ra ở Barbados năm 1989. Tuy nhiên, phải chờ tới cuộc họp Ủy ban Điều hành của Hiệp hội Nghị viện Khối Thịnh vượng chung (CPA) ngày 8.10.1992, CWP mới được Đại hội đồng chính thức công nhận. Và cuộc họp lần thứ 6 của CWP được tổ chức tại Banff (Canada) mới là cuộc họp đầu tiên được thông tin chính thức tại Hội nghị Nghị viện Khối Thịnh vượng chung. Khi ấy, CWP mới bảo đảm rằng những mối quan tâm của mình đến được mọi đại biểu tham dự Hội nghị. (CPA được thành lập năm 1948, bao gồm trên 170 nghị viện của các bang, liên bang từ 53 quốc gia hợp thành Khối Thịnh vượng chung). 

Bắt đầu từ năm 1995, những cuộc họp của CWP đã trở thành một phần trong chương trình của Hội nghị Nghị viện Khối Thịnh vượng chung và Hội nghị dành 3 giờ đồng hồ cho cuộc họp của CWP trong thời gian biểu của mình để không trùng với các sự kiện chính thức khác.
Năm 1997 là bước ngoặt trong lịch sử của CWP. Tại cuộc họp ở Mauritius tháng 9 năm đó, Ủy ban Điều hành CPA đã phê chuẩn ngân sách hoạt động cho các thành viên Ban lãnh đạo CWP để tham dự Hội nghị hàng năm và họp trước các Hội nghị chính thức. Ủy ban Điều hành CPA cũng dành một khoản ngân sách cho việc thúc đẩy thông tin liên lạc giữa các thành viên Ban lãnh đạo của CWP với các nữ nghị sỹ khác trong khu vực.

CWP tiến xa hơn nữa năm 1998 khi Đại hội đồng CPA thông qua việc sửa đổi Hiến chương, lưu tâm đến vấn đề về bình đẳng giới. Trong cuộc họp của CPA ở Bangladesh năm 2003, Ủy ban Điều hành CPA còn ra thông cáo khuyến khích các nhóm nữ nghị sỹ khu vực bổ nhiệm nữ đại biểu vào Ủy ban Điều hành CPA và đề cử phụ nữ làm đại biểu tham dự các hội nghị và tất cả các cuộc họp của CPA. Cuộc họp này cũng nhất trí với những đề xuất thay đổi cơ cấu của CWP nhằm giúp CWP đóng vai trò ý nghĩa hơn trong CPA. Theo đó, Ban Lãnh đạo CWP sẽ giảm xuống còn 10 thành viên, bao gồm Chủ tịch do Ban chủ tọa Hội nghị thường niên của CPA đề cử và 9 thành viên được đề cử từ 9 khu vực của CPA. Mỗi thành viên của Ban này đều có nhiệm kỳ 3 năm, ngoại trừ chức Chủ tịch chỉ giữ nhiệm kỳ 1 năm. 

Tại cuộc họp ở Canada năm 2004, CWP một lần nữa thắng lợi khi Đại hội đồng đồng ý với những thay đổi Hiến chương liên quan tới vị thế của CWP, công nhận sự cần thiết phải đưa CWP tham gia chính thức hơn nữa vào cơ cấu của CPA. Theo đó, Hiến chương sẽ được bổ sung điều khoản xác định mục đích của CWP, quyền lợi của Chủ tọa khi đắc cử sẽ là một thành viên trong Ủy ban Điều hành CPA. Chủ tọa CWP được các thành viên tham dự cuộc họp của CWP tại các Hội nghị hàng năm của CPA bầu ra với nhiệm kỳ 3 năm. Chủ tọa đầu tiên của CWP là ông Lindiwe Maseko, đại biểu Hội đồng lập pháp tỉnh Gauteng (Nam Phi), được bầu năm 2004. Điều này phản ánh Hiến chương của CPA và những cam kết hành động chiến lược đều nhằm tăng cường sự hiện diện của phụ nữ trong các Nghị viện và cơ quan lập pháp của Khối Thịnh vượng chung, tăng cường sự tham gia của các nữ nghị sỹ vào mọi vấn đề của CPA và thúc đẩy sự thảo luận về các vấn đề giới trong các Nghị viện và trong CPA. 

Mục tiêu

Theo Hiến chương của CPA, các mục tiêu của CWP được xác định là tăng cường đại diện cho phụ nữ trong các Nghị viện khắp Khối Thịnh vượng chung; Bảo đảm rằng những vấn đề quan tâm đặc biệt đối vớái phụ nữ sẽ được đặt ra trong chương trình nghị sự của CPA và chuyển tới các Nghị viện từng nước; Đưa các mối quan tâm về giới vào mọi hoạt động và chương trình của CPA; Tạo điều kiện thuận tiện cho sự liên kết giữa các Nữ nghị sỹ của Khối Thịnh vượng chung với phụ nữ ở các tổ chức quốc tế; Tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong CPA; Và đề xuất các chủ đề thích hợp mà các nhóm nghiên cứu của CPA hay các hội nghị đặc biệt quan tâm.

Theo số liệu của Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), tỷ lệ nữ trong chính trường đã tăng từ 12,8% năm 1999 lên 15,9% năm 2005. Phân tích của Nghị viện quốc gia Khối Thịnh vượng chung cũng cho thấy kể từ năm 1999, 24 quốc gia đã được ghi nhận tăng tỷ lệ nữ tham gia Nghị trường. Tại cuộc họp lần thứ 7 về Trách nhiệm của Bộ trưởng Khối Thịnh vượng chung đối với các vấn đề phụ nữ họp tại Fiji năm 2003, các Bộ trưởng đã tái khẳng định mục tiêu 30% nữ tham gia chính trường và các lĩnh vực công cộng cũng như tư nhân vào năm 2015. Tuy nhiên, theo những con số này, phần lớn các nước Khối Thịnh vượng chung sẽ phải tiến hành những thay đổi đáng kể trong vài năm tới nếu họ muốn đáp ứng mục tiêu trên. 

 

 

 


 

Theo Người đại biểu nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video