Thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm, xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ

06/11/2010
Tạo việc làm và xoá đói giảm nghèo cholao động nữ là nội dung quan trọng, thiết thực đảm bảo thực hiện mục tiêu bìnhđẳng giới trong xung thế hội nhập.

Nhận thức tầm quan trọng đó và trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVI, thời gian qua, cùng với sự phối hợp chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội nói chung, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành Nghệ An đã thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ. Từ tỉnh đến cơ sở đều có chương trình, kế hoạch cụ thể, đặc biệt là cơ quan Hội LHPN các cấp.

Ngành Lao động – TB và XH Nghệ An với tư cách là thành viên của Ban VSTBPN tỉnh đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tiến tới thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo..., góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị của tỉnh nhà. Ngành đã tham mưu đề xuất Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành nhiều Đề án, Chương trình phát triển kinh tế xã hội, trong đó quan tâm tập trung ưu tiên chính sách tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ, như: Chương trình giải quyết việc làm; xoá đói giảm nghèo; Đề án xuất khẩu lao động; Chính sách phát triển đào tạo nghề; hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở, xoá nhà tạm bợ. Trên cơ sở các đề án, chính sách tỉnh ban hành, ngành đã chủ động và tập trung chỉ đạo theo hướng tạo điều kiện thuận lợi và mạnh dạn giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho các huyện, thành, thị và các đơn vị trong ngành. Trong thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt việc cho người lao động vay vốn từ các chương trình mục tiêuquốc gia về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, trong đó ưu tiên cho khoảng 45 - 50% phụ nữ trong tổng số người được vay vốn tín dụng giải quyết việc làm; trên 80% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ vay vốn từ chương trình mục tiêu về xoá đói giảm nghèo.

Các chính sách đối với lao động nữ như: Đào tạo nghề, bồi dưỡng nâng cao kiến thức áp dụng KHKT (khuyến nông, khuyến ngư, định canh, định cư...), khả năng tiếp cận các nguồn lực phát triển kinh tế được ưu tiên, các chính sách về tiền lương, BHXH, chế độ thai sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định pháp luật.

Kết quả từ năm 2006 – tháng 6/2010:

+ Bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 3,1 – 3,2vạn lao động, trong đó lao động nữ được giải quyết việc làm chiếm 55 - 56%; Xuất khẩu lao động hàng năm 8.000- 10.000 người, trong đó có khoảng 45% lao động là nữ; Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở khu vực thành, thị giảm xuống còn 5,6%; Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ khu vực nông thôn tăng lên 77%.

+ Thông qua việc kết hợp nhiều biện pháp phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, hồ sơ cách làm ăn... Từ năm 2006 đến nay toàn tỉnh đã giảm trên 60.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 13% (tháng 6/2010).

+ Bình quân hàng năm đào tạo nghề cho trên 40.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 31,2% so với tổng nguồn lao động của tỉnh. Trong đó bình quân hàng năm đào tạo nghề cho 30-35% lao động nữ; nâng tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề hiện nay lên 25%, chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, yêu cầu phát triển công nghệ và thị trường lao động...

Có thể nói rằng, thời gian qua công tác giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, chính quyền các cấp và phong trào của toàn dân. Việc làm cho người lao động nói chung, phụ nữ nói riêng cơ bản được đảm bảo, tăng thu nhập; xoá đói giảm nghèo; các chính sách đối với lao động nữ được thực hiện nghiêm túc... góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu chiến lược vì sự tiến bộ và bình đẳng giới của phụ nữ tỉnh nhà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít những khó khăn đó là:

+ Lực lượng lao động nói chung, lao động nữ nói riêng bổ sung vào nguồn lớn, do vậy áp lực về vấn đề giải quyết việc làm vẫn lớn; Tỷ lệ hộ đói nghèo theo tiêu chí mới còn cao, đặc biệt là ở một số huyện miền núi, khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo rất lớn. Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề vẫn còn thấp so với nhu cầu về khối lượng và chất lượng của thị trường; việc triển khai dạy nghề tại các huyện miền núi cao, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn...

+ Mức độ xã hội hoá về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, dạy nghề chưa cao, chưa thực sự phát huy tối đa năng lực từ các thành phần kinh tế - xã hội, các tổ chức trong nhân dân.

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu KHHĐ VSTBPN Nghệ An đến năm 2010 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XVI cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với các cấp, các ngành, các đoàn thể về giải quyết việc làm cho lao động nữ. Từ kế hoạch chương trình chung của tỉnh, các ngành, các cấp tiếp tục cụ thể hoá thành kế hoạch hành động gắn với đặc điểm của đơn vị, địa phương theo từng quý, 6 tháng và hàng năm trong đó cần có chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả.

2. Tập trung ưu tiên, tạo các điều kiện và chỉ đạo tăng cường cơ hội cho lao động nữ được thụ hưởng các chương trình, dự án mục tiêu về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề... bằng cơ chế khuyến khích hỗ trợ từng đối tượng, từng vùng, ngành, nghề, đặc biệt là đối với người nghèo, chủ hộ gia đình là phụ nữ, lao động thuộc diện thu hồi đất sản xuất; nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số chính sách đối với lao động nữ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đi xuất khẩu lao động, được làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

3. Tăng cường thúc đẩy thực hiện nghiêm túc các chính sách đối với lao động nữ. Kiểm tra, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Bộ Luật lao động, trong đó chú ý những chính sách riêng đối với lao động nữ như: Tuyển dụng, sắp xếp bố trí công việc; chế độ thai sản, hưu trí, bảo hộ lao động, bồi dưỡng, đào tạo...

4. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo có hiệu quả chương trình đào tạo nghề, chú ý đến lao động nữ nông nghiệp, nông thôn, lao động thuộc vùng miền núi, dân tộc, vùng sâu, vùng xa trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành nghề, phát triển các khu công nghiệp tập trung; ban hành chính sách dạy nghề đối với lao động nữ, xác định tiêu chí giới trong kế hoạch đào tạo nghề của các cấp các ngành, địa phương trong tỉnh.

5. Động viên, khuyến khích chị em phụ nữ vươn lên trong mọi mặt, nhất là tham gia lao động sản xuất, học nghề nâng cao trình độ để tự vươn lên làm giàu chính đáng.

6. Nâng cao hơn nữa năng lực, vị trí, vai trò và hiệu quả hoạt động của hệ thống bộ máy Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành. Tăng cường lồng ghép thực hiện đạt hiệu quả cao các mục tiêu, chỉ tiêu của KHHĐ VSTBPN vào việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh nhà đề ra./.

Bùi Nguyên Lân
Trang WEB của Sở LĐTB & tỉnh Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video