Thực trạng về bệnh lao

24/03/2006
Bốn thách đố chủ yếu trong công tác phòng chống lao trên thế giới hiện nay

Bệnh lao ngày nay được Tổ Chức Y Tế Thế Giới xem là vấn đề khẩn cấp tòan cầu, bởi vì không có một bệnh nhiễm trùng nào lại có số người nhiễm cao đến thế (hơn 2 tỷ dân), cũng không có một bệnh nhiễm trùng nào có thể gây chết người liên tục – dai dẳng – thầm lặng và nguy hiểm đến thế ( cứ mỗi 10 giây trôi qua lại có một người chết vì lao).

Thế nhưng việc phòng chống lao trên thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức mà các chuyên gia và các nhà chiến lược đã tóm gọn thành bốn thách đố như sau:

I Sự cam kết chính trị của các Quốc Gia trong công tác phòng chống lao chưa cao

Tại một số Quốc Gia, không có sự cam kết của Chính Phủ  hoặc có nhưng không mạnh mẻ, trong việc hổ trợ công tác phòng chống Lao của chính những Quốc Gia đó, thể hiện qua một số khía cạnh sau:

1.Không đủ nhân viên chống Lao các cấp, nhất là cấp cơ sở.

2.Không đủ kinh phí cho các hoạt động huấn luyện đào tạo, kiểm tra giám sát và lượng giá chương trình.

3.Không có nguồn ngân sách ổn định dành cho thuốc đặc trị Lao, thiếu một hệ thống phân phối miễn phí và có chất lượng cho bệnh nhân.

II Hệ thống Y tế công yếu kém và không đồng bộ:

Sự yếu kém này, không chỉ liên quan đến cấu trúc mà còn liên quan đến cung cách tổ chức- điều hành toàn hệ thống, sao cho có hiệu quả trong điều kiện riêng của từng Quốc Gia, dễ thấy qua:

1-Cơ sở dịch vụ Y tế nghèo nàn

2-Mạng lưới Xét nghiệm vừa thiếu vừa yếu.

3-Mạng lưới chống Lao không tích hợp vào hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hoặc có tích hợp nhưng không hiệu quả

4-Không có sự liên kết giữa các cơ sở dịch vụ Y tế công với nhau

III Khủng hỏang nhân sự đối với mạng lưới chống lao

Cụm từ “ khủng hoảng nhân sự” được dùng để nói đến một hiện tượng khá phổ biến trên toàn thế giới, nhất là tại các Quốc Gia đang phát triển, đó là tỷ lệ cán bộ chống lao bỏ việc hàng năm luôn cao hơn tỷ lệ cán bộ mới được tuyển dụng.

Cùng với số cán bộ chống lao đến tuổi nghỉ hưu và số cán bộ thuyên chuyển qua các chuyên khoa khác, ước tính hàng năm  số nhân viên chống lao các cấp giảm bình quân 5-10% tùy Quốc Gia hoặc vùng lãnh thổ ( IUATLD).

Nếu hiện tượng này vẫn tiếp diễn theo tốc độ hiện nay, dự báo trong 15 năm nữa, mô hình “kim tự tháp” mạng lưới chống lao chỉ còn phần đỉnh( các nhà quản lý) mà mất đi phần đáy( các nhà chuyên môn và cán bộ chống lao tuyến dưới).

IV Đại dịch HIV

Tác động của đại dịch HIV trên tình hình lao tại một số Quốc Gia, đã gây ra:

1-Sự quá tải trong việc chăm sóc sức khoẻ người bệnh tại các cơ sở Y Tế nói chung, khoa lao hoặc bệnh viện lao nói riêng.

2-Gia tăng tỷ lệ tử vong trong số những người mắc lao.

3-Gây khó khăn hơn nữa trong việc chẩn đoán xác định lao, làm tăng nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang mắc lao gấp 6 lần so với bình thường .

4-Phân tán nguồn ngân sách dành cho Y tế, vốn đã ít ỏi tại các nước đang phát triển.

5-Chỉ với chiến lược DOTS, các Quốc Gia có tỷ lệ nhiễm HIV cao sẽ không thể kiểm soát được bệnh lao.

Việt Nam là một trong rất ít Quốc Gia trên thế giới đã đạt mục tiêu kiểm sóat bênh lao của WHO từ năm 2003 và được cộng đồng Quốc Tế đánh giá rất cao về sự cam kết mạnh mẽ của Chính Phủ trong việc phòng chống lao cho cộng đồng. Nhưng Việt Nam cũng là 1 trong 22 Quốc Gia có tình hình mắc lao nặng nề nhất trên thế giới, đang chịu tác động từng ngày của đại dịch HIV. Điều đó có nghĩa là, Chương Trình Chống Lao còn rất nhiều điều phải làm, cán bộ chống lao các cấp còn phải nổ lực rất nhiều để phục vụ cho công tác khám phát hiện và điều trị cho bệnh nhân lao.

BS Đỗ Châu Giang
BV.Phạm Ngọc Thạch - TP HCM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video