Tỉ lệ sinh con thứ 3 tăng mạnh - "Vỡ kế hoạch" từ giới trí thức?

05/11/2004
Hơn 50% trường hợp sinh con thứ 3 hiện nay chủ yếu rơi vào các thành phố lớn và đa phần là giới trí thức, công chức nhà nước. Đó là ghi nhận của Vụ Truyền thông - Giáo dục (Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em - DSGĐ&TE).

"Vỡ kế hoạch" từ giới trí thức

 

Một gia đình nông dân nọ ở vùng quê miền Trung có đến 5 đứa con, 3 đứa sau được đặt tên là Yến, Tạ, Tấn. Hỏi ra mới biết, đó là những lần họ vỡ kế hoạch", bị phạt bằng thóc. "Vỡ" lần thứ nhất phạt thóc tính bằng "yến", những lần sau tính tăng dần thành "tạ" và "tấn". Đó là một chuyện vui có thật xảy ra quãng những năm 1995-1996. Lúc ấy, cụm từ "sinh con thứ 3" thường chỉ có ở những gia đình lao động tự do, nông dân... Nói nôm na là tình trạng đông con rơi vào nhà nghèo nhiều hơn là nhà giàu.

 

Có thể thấy, công tác dân số của Việt Nam thời gian trước năm 2000 đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, tỉ lệ tăng dân số giảm từ xấp xỉ 2% xuống 1,2%/ năm từ 1994. Song 4 năm trở lại đây, tình hình đã có chiều hướng ngược lại. Đối tượng sinh con thứ 3 hiện là công chức nhà nước, những gia đình khá giả, có điều kiện về kinh tế và nguy cơ tăng dân số đang ngày càng thể hiện rõ qua các báo cáo số trẻ sơ sinh ngày càng gia tăng tại các bệnh viện phụ sản. Đặc biệt, riêng năm 2003, tốc độ dân số phát triển nhanh một cách khác thường. Có nhiều ý kiến cho rằng do yếu tố tâm linh quan niệm năm 2003 là năm tốt (Quý Mùi) nên "nhà nhà thi nhau tăng dân số". Song sâu xa hơn chính là do mức sống của mỗi gia đình thoải mái và dư dả hơn. Đặc biệt, sau khi Pháp lệnh Dân số (PLDS) ra đời, ở mức độ nhất định, thái độ "lách luật" và hiểu sai luật ngày càng hình thành rõ nét.

 

Theo thống kê của Uỷ ban DSGĐ&TE, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2004, số trẻ sơ sinh chào đời trên toàn quốc là 514.319, tăng 7.434 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó trẻ là con thứ 3 trở lên tăng 1.989 trẻ. Số người sinh con thứ 3 rơi vào đối tượng là cán bộ - công nhân viên chức cũng tăng gấp 2 lần so với năm trước. Được biết, tỉ lệ sinh đã tăng ở 42/64 tỉnh, thành trong cả nước. Và một câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có giới trí thức và cán bộ công nhân viên chức là chiếm đại đa số trong tỉ lệ gia đình sinh con thứ 3 tại thời điểm này mà không phải giới nào khác? Câu trả lời thường thấy, đó là: Quy định mới cho phép rồi, không có chuyện trừ lương, phạt thi đua nữa thì... cứ đẻ thôi!


Loay hoay với mỗi "cách hiểu" đúng

 

Điều 10-PLDS do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/5/2004 quy định mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: Quyết định về thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh phù hợp lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, công tác, thu nhập... Còn nhớ, ngay sau khi PLDS có hiệu lực, trong các đợt tập huấn của cán bộ Uỷ ban DSGĐ&TE tại một số địa phương đều đã nhấn mạnh sự gắn kết hữu cơ giữa quyền và nghĩa vụ của mỗi gia đình trong việc thực hiện kế hoạch hoá. Tuyệt đối tránh hiểu cắt xén "Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền quyết định về thời gian sinh con, số con, khoảng cách giữa các lần sinh...", dẫn đến là sai bản chất của quy định này. Và ngay trong giới trí thức đã hiểu theo kiểu "cắt xén" như thế thì những người lao động chân tay sẽ hiểu về PLDS như thế nào?

 

Theo Chánh Văn phòng Uỷ ban DSGĐ&TE thì việc hiểu sai PLDS là nguyên nhân cơ bản góp phần tăng dân số, nhưng đồng chí này cũng thừa nhận chưa có kinh nghiệm trong quá trình xây dựng pháp lệnh và cho rằng đấy là "lỗi của rất nhiều người" (!). Có thể nói, việc xây dựng được PLDS đã chứng tỏ nỗ lực của các nhà làm luật trong chiến lược phát triển chung của toàn đất nước. Tuy nhiên chỉ sau mấy tháng được ban hành mà PLDS đã thể hiện những bất cập giữa "người viết" và "người đọc". Trước tình trạng gia tăng dân số đang ở hồi báo động, rất cần thiết có buổi "cùng ngồi lại" để các chuyên gia, nhà nghiên cứu về dân số xem xét, bàn bạc, có cái nhìn mang "tầm hơn" chứ không nên đổ tại cho hiện tượng người dân hiểu sai hay hiểu "cắt xén" nội dung PLDS nữa.

Theo báo Pháp luật

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video