Tiền Giang: nhiều mô hình hoạt động hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập

15/12/2015
Được Hội LHPN xã định hướng, hỗ trợ, nhiều hội viên phụ nữ đã nỗ lực vươn lên làm kinh tế, vừa phát triển kinh tế gia đình vừa hỗ trợ việc làm, thu nhập cho phụ nữ

Tổ hợp may bao bì, túi xách tạo việc làm cho gần 200 lao động nữ nông nhàn

Sau 5 năm đi vào hoạt động (từ 2010), Tổ hợp may bao bì, ba lô, túi xách của chị Lê Thị Thái Trinh, hội viên phụ nữ ấp Tân Thuận, xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo đã trở thành địa chỉ tin cậy, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều lao động nông nhàn tại địa phương, giúp nhiều chị em ổn định cuộc sống.

Từng là công nhân may túi xách tại Cụm công nghiệp Trung An, thành phố Mỹ Tho, chị Trinh nhận thấy công việc này đem lại nguồn thu nhập khá, nên quyết định chọn làm kế sinh nhai. Thấy chị em trong xóm thích công việc này, nhưng ngại phải đi xa, vì bận chăm sóc gia đình, đưa rước con đi học, nên chị nhận nhiều sản phẩm may bao bì, ba lô, túi xách của công ty tại cụm công nghiệp đem về hướng dẫn và giao cho chị em may gia công, để có thêm thu nhập. Năm 2010, chị thành lập Tổ hợp may bao bì, ba lô, túi xách và hoạt động cho đến ngày nay.

Sản phẩm hoàn chỉnh của tổ hợp là may các mẫu túi xách, ba lô theo yêu cầu của công ty, để xuất khẩu đi các nước và tiêu thụ tại thị trường nội địa. Ngoài nhận gia công sản phẩm cho công ty tại Cụm công nghiệp Trung An, chị Trinh còn gia công cho các công ty tại Long An và thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, Tổ hợp may của chị có khoảng 30 lao động làm việc thường xuyên, chủ yếu là phụ nữ, với gần 40 máy may công nghiệp.

Được biết, thu nhập bình quân của chị em làm việc xuyên suốt tại tổ hợp là 3,5 triệu đồng/tháng. Chị em lãnh hàng gia công về nhà làm, vừa chăm sóc gia đình, tiện đưa rước con đi học, thì Tổ hợp may cho mượn máy về nhà, tùy theo từng công đoạn như đi quay, chạy miệng, vô đáy,... mỗi ngày, các chị có thêm thu nhập từ 50.000 - 60.000 đồng, góp phần trang trải các khoản chi phí gia đình. Bên cạnh, Tổ hợp may của chị Trinh còn nhận đào tạo may công nghiệp cho chị em có nhu cầu, để vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài huyện.

Chị Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Xuân Đông cho biết, hiện  nay, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã đã tạo việc làm cho gần 200 lao động nông nhàn, nhất là phụ nữ, trong đó có Tổ hợp may bao bì, ba lô, túi xách của chị Lê Thị Thái Trinh.

 

Mô hình "Dịch vụ gia đình" cho thu nhập 100 triệu đồng/năm

Mô hình "Dịch vụ gia đình" của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Gò Công Đông đã hoạt động có hiệu quả. Mô hình đã thu hút nhiều hội viên tham gia.

Chị Nguyễn Thị Phượng, hội viên phụ nữ ấp Lò Gạch 2, thị trấn Tân Hòa có khiếu nấu ăn, lại được đào tạo qua lớp nấu ăn do Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức, nên chị thường xuyên được người dân trong khu phố, ấp thuê phục vụ nấu nướng khi có tiệc cưới, hỏi, liên hoan,... Năm 2013, chị Phượng thành lập dịch vụ nấu ăn gia đình chuyên phục vụ các bữa tiệc, liên hoan, cưới, hỏi,... Khi mới thành lập, chị chỉ nhận những đơn đặt hàng phục vụ dưới 200 khách, đến nay, chị đã nhận phục vụ những bữa tiệc lên đến hàng ngàn khách, không chỉ phục vụ tại địa phương mà còn "mở rộng" sang các xã khác trên địa bàn huyện. Với mô hình này, mỗi năm, gia đình chị thu nhập trên dưới 100 triệu đồng.

Bên cạnh, chị giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức lương từ 2-3 triệu đồng/tháng và giải quyết việc làm thời vụ cho trên 15 lao động, với thu nhập 150.000 đồng/người/ngày. Điển hình như chị Nguyễn Thị Thùy, ngụ cùng địa phương, trước đây không có việc làm, cuộc sống gia đình đều nhờ vào công việc phụ hồ của chồng với thu nhập bấp bênh, từ khi tham gia vào đội nấu ăn của chị Phượng, chị Thùy có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Hiện nay, chị còn mở rộng thêm dịch vụ cho thuê rạp, bàn ghế, chén đĩa,...

 

Kết cườm góp phần ổn định đời sống cho phụ nữ

Thời gian qua, mô hình kết cườm của chị Bùi Thị Tuyết Nga (sinh năm 1980), ở khu phố 4, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây đã mang lại nguồn thu nhập khá, góp phần ổn định cuộc sống cho phụ nữ.

Chị Nga là hội viên Hội Phụ nữ thị trấn, luôn đi đầu trong các phong trào của Hội đề ra, tích cực tuyên truyền, vận động chị em thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chị Nga cho biết, trong một lần tới nhà bà con chơi, chị thấy mô hình kết cườm vào các sản phẩm may mặc cho thu nhập ổn định, về nhà, chị Nga cùng các hội viên tìm hiểu và phát triển mô hình này tại địa phương. Chị tìm mối nhận hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, ban đầu chỉ một vài mối nhận bỏ đồ cho chị, đến nay, hơn 10 năm theo nghề kết cườm, chị có hơn 10 mối quen ở thành phố nhận bỏ hàng. Chị Nga nhận mẫu hàng, xem kỹ cách gia công kết cườm theo đúng yêu cầu của chủ hàng, rồi liên hệ các chị em đến nhận hàng mang về nhà gia công.

Theo chị Nga, hiện giá gia công kết cườm của 1 chiếc áo sau khi thành phẩm là 60 ngàn đồng, chị được nhận hoa hồng của tuyến trên từ 5 - 10 ngàn đồng/sản phẩm. Hiện tại, Tổ kết cườm của chị có trên dưới 60 chị, trung bình mỗi ngày, các chị kiếm được 60 ngàn đồng, giúp trang trải cuộc sống gia đình.

tiengiang.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video