Tiếng nói của đại biểu nữ vùng sâu, vùng xa

13/03/2012
Từ vùng núi xa xôi, đại biểu dân tộc thiểu số về dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI với niềm tin vào Đảng, Chính phủ và Hội LHPN Việt Nam. Thay mặt chị em phụ nữ dân tộc thiểu số, các chị nói lên tiếng nói của mình với mong muốn góp phần vào sự thành công của Đại hội.

* Chị Trương Thanh Hường, tổ trưởng tổ Đèn, công ty Than Mông Dương Quảng Ninh.

 Ảnh minh họa
Tôi vô cùng vui mừng, phấn khởi và tự hào được đại diện cho nữ công nhân tỉnh Quảng Ninh được về Thủ đô dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước và Hội LHPN Việt Nam và công ty đã tạo điều kiện cho tôi tiến bộ để được vinh dự tham dự Đại hội này.

Tôi là công nhân làm việc tại Tổ đèn, công ty Than Mông Dương tỉnh Quảng Ninh - một đơn vị khai thác hầm lò có khá đông nữ giới. Tổ đèn của tôi có 50 nữ công nhân làm nhiệm vụ sửa chữa, vận hành, cấp phát trang thiết bị đi lò. Công việc vất vả, đòi hỏi phải nắm bắt và đảm bảo kĩ thuật. Đặc biệt là khâu sửa chữa đèn điện tử, đảm bảo nguồn ánh sáng cho thợ đi lò. Mặc dù được sự quan tâm của Lãnh đạo công ty, nhưng nữ công nhân ở đây gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống: công việc nặng nhọc; trình độ chưa đáp ứng được với yêu cầu công việc; chồng con là thợ lò nên cuộc sống vất vả, điều kiện chăm sóc gia đình, con cái hạn chế. Ngoài ra, do là vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn cũng là trở ngại đối với phụ nữ trong học tập, giao lưu...

Tôi mong rằng Hội LHPN các cấp quan tâm hơn nữa đến việc tuyên truyền hoạt động của Hội tới chị em công nhân; tạo môi trường, xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp để tập hợp, thu hút nữ công nhân tham gia sinh hoạt Hội. Nữ công nhân mong muốn có tổ chức phụ nữ trong doanh nghiệp để được nói lên tiếng nói, nguyện vọng với tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của mình.

 

* Cô Mang Thị Điền (dân tộc Rắclây), hội viên tiêu biểu, xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Quảng Ngãi

 Ảnh minh họa
Phụ nữ dân tộc nơi đây (xã miền núi vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi) ít được học hành, công việc chủ yếu là làm nương, rẫy trồng hành, tỏi, khoai sắn, diện tích cấy lúa hầu như không có, con cái đông đúc. Dưới sự hỗ trợ, chỉ đạo của Hội phụ nữ, chúng tôi đã thành lập, tổ chức các “CLB không sinh con thứ 3”, “CLB nhóm phụ nữ lồng ghép”, nhằm giúp đỡ nhau, vận động chị em trong CLB và vận động các chị em khác thực hiện các chương trình lồng ghép “nuôi con bằng sữa mẹ”, “không sinh con thứ 3”, “phụ nữ phát triển kinh tế”. Tuy nhiên các CLB hoạt động không đạt được hiệu quả như mong muốn do chị em còn đói nghèo, làm việc nương rẫy rất vất vả lại không có thời gian tham gia sinh hoạt, việc tiếp xúc với tài liệu hạn chế… Tôi mong rằng Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI sẽ quan tâm hơn đến đời sống của phụ nữ vùng nông thôn nghèo, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, phổ biến nhiều tài liệu tuyên truyền, thông tin giúp chị em nâng cao nhận thức cũng như giúp chị em biết cách xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả hơn nữa, ngoài tài liệu bằng tiếng Kinh thì có thêm nhiều tài liệu tiếng dân tộc để chị em hội viên dễ tiếp cận với kiến thức và dễ dàng trao đổi với các chị em ở các dân tộc khác.

 

* Chị Lò Mai Cương (dân tộc Thái), Trưởng phòng bồi dưỡng Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Sơn La

 Ảnh minh họa
Đến với Đại hội, chị Cương rất vui mừng, phấn khởi cho biết phụ nữ Sơn La đang ngày càng ý thức hơn về việc học tập, nâng cao kiến thức cho bản thân. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên nơi chị công tác là một trong những địa chỉ tin cậy nâng cao trình độ cho phụ nữ nói riêng và người dân trong tỉnh nói chung. Với tỷ lệ gần 70% tham gia học tập tại Trung tâm, học viên nữ ở đây đều nỗ lực học tập với ý thức tự mình tạo dựng một cuộc sống ấm no hơn.

Tuy nhiên, việc thi vào các trường chuyên nghiệp như Cao đẳng, Trung cấp vẫn còn là một vấn đề khó đối với chị em, đặc biệt là với chị em phụ nữ dân tộc. Đa số chị em dân tộc đều được khuyên rằng “phụ nữ học ít thôi”, “con gái học nhiều cũng chẳng để làm gì”… cũng không được gia đình tạo điều kiện đi học nên trình độ của các chị còn thấp. Vì thế, ngoài việc có chính sách quan tâm, hỗ trợ phụ nữ nâng cao trình độ thì Hội PN cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để phụ nữ được bình đẳng hơn trong học hành. Qua diễn đàn này, chị Cương muốn nhắn nhủ với chị em phụ nữ rằng: chị em cần phải chủ động tìm cơ hội cho mình hơn, không nên thụ động, ngồi chờ. Có như vậy mới vươn lên và mới có 1 cuộc sống tốt hơn.

Phạm Hồng ghi

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video