Tiếp cận đa tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em và HIV/AIDS

13/12/2010
Đây là một dự án do Quỹ ủy thác của LHQ tài trợ thông qua UNIFEM với 4 đối tác là Viện sức khỏe sinh sản& gia đình (RaFH), TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Lào Cai và Hội LHPN Lạng Sơn nhằm góp phần phòng chống buôn bán phụ nữ - trẻ em, bạo lực gia đình và ngăn chặn lây nhiễm HIV/AIDS.

Dự án được triển khai trong khoảng thời gian 3 năm từ tháng 11/2008 đến 10/2011 trên địa bàn 8 xã, phường của thành phố Lào Cai và 8 xã của huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn – vùng giáp biên giới Việt Nam- Trung quốc. Mục tiêu của dự án là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống buôn bán phụ nữ- trẻ em, giảm bạo lực tình dục và lây nhiễm HIV/AIDS, lồng ghép các nội dung nói trên vào chính sách và kế hoạch hành động của địa phương đồng thời đẩy mạnh phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng nhằm giải quyết 2 vấn nạn song hành là buôn bán phụ nữ- trẻ em và HIV/AIDS.

Các tổ chức đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động như truyền thông về bình đẳng giới, phòng chống buôn bán PN-TE, phòng chống bạo lực gia đình, thành lập và duy trì trung tâm tư vấn để cung cấp các dịch vụ tư vấn, kiểm tra sức khỏe và tư vấn xét nghiệm HIV cho nhóm phụ nữ có nguy cơ cao, thành lập đội can thiệp ở các xã, tổ chức thảo luận nhóm dành cho các đối tượng là chủ và nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán karaokê…

Qua hai năm thực hiện dự án, nhận thức về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, phòng chống buôn bán PN-TE… trong cộng đồng, nhất là chính quyền địa phương ở các địa bàn này đã từng bước được nâng cao, hiểu rõ cơ chế liên hệ giữa buôn bán PN-TE, Bạo lực gia đình và HIV/AIDS, từ đó chủ động đưa các chủ đề này vào kế hoạch hành động của địa phương như hỗ trợ các nạn nhân bị buôn bán trở về, phòng chống HIV/AIDS…

Đặc biệt, ở tỉnh Lào Cai, Ban điều hành dự án còn tham mưu với Tỉnh ủy giao cho Hội LHPN tỉnh chủ trì làm việc với các ngành liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống buôn bán PN-TE, phụ nữ đi khỏi địa phương, xuất cảnh lấy chồng người nước ngoài trái pháp luật, tham mưu với HĐND tỉnh tổ chức kiểm tra việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, rà soát hệ thống văn bản pháp quy liên quan đến thực hiện Bình đẳng giới…

Bộ máy điều hành dự án được thành lập ở cả 3 cấp, Hội LHPN là đầu mối ở tất cả các cấp hoạt động. Trong quá trình hoạt động có sự tham gia của chính quyền, các ngành, đoàn thể như UBND, Hội nông dân, Đoàn thanh niên, công an, bộ đội biên phòng, chủ khách sạn, trung tâm sức khỏe cộng đồng…

Hàng loạt các hoạt động truyền thông cộng đồng, họp nhóm, sinh hoạt CLB “Phụ nữ quyền năng”, CLB “Đàn ông thân thiện”…được tổ chức. Đặc biệt, ở 16 xã đã thành lập được 16 đội can thiệp với 112 thành viên, 16 CLB “Nâng cao quyền năng cho phụ nữ”, 16 CLB “Đàn ông thân thiện” tạo nên một mạng lưới hoạt động hiệu quả. Điển hình như Đội can thiệp cộng đồng của phường Phố Mới, TP Lào Cai hay CLB “Nâng cao quyền năng phụ nữ” của xã Chi Lăng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn…đã thu hút đông đảo người dân và các nhóm đối tượng nhạy cảm như người có H, nam giới gây bạo lực gia đình, phụ nữ bị bạo lực GĐ, phụ nữ bị buôn bán trở về tham gia sinh hoạt. Thông qua các Trung tâm tư vấn, hơn 1.000 phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao đã được khám sức khỏe và tư vấn.

Sau 2 năm triển khai, dự án “Xúc tiến đa tổ chức tiếp cận dựa vào cộng đồng để giải quyết 2 vấn nạn song hành: buôn bán PN-TE và HIV/AIDS” đã đạt được những kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, huy động được nhiều tổ chức, nhiều đối tượng cùng tham gia, góp phần tạo ra sự thay đổi thực sự về nhận thức và hành vi trong phòng chống buôn bán PN-TE, bạo lực gia đình và HIV/AIDS trên địa bàn.

M.T

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video