Tiết kiệm để xóa nghèo của phụ nữ Quang Huy

08/09/2009
Vừa rồi, nhà chị Cầm Thị Xuyên và anh Đinh Văn Nền, bản Mo Nghè 3, xã Quang Huy (Phù Yên) đông vui hẳn lên. Vợ chồng chị đon đả rót nước mời khách, tiếng cười, tiếng nói rôm rả... Chả là anh chị được cán bộ phụ nữ xã, bản tới nhà trao tiền và gạo hỗ trợ gia đình hội viên phụ nữ nghèo trích từ nguồn quỹ hội viên tiết kiệm được khi hưởng ứng cuộc vận động thực hành tiết kiệm theo tấm gương Bác Hồ...
“Góp gió thành bão”

“Làm gì để từng bước giúp hội viên nghèo có cơ hội thoát nghèo“, “đã giúp phải là những việc làm thiết thực, có tên”... Đó là một trong những chủ đề bàn luận sôi nổi trong mỗi buổi sinh hoạt triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Hội phụ nữ xã Quang Huy.

Với những nội dung thiết thực, Hội LHPN xã đã tập trung chủ yếu vào vấn đề đoàn kết, thực hành tiết kiệm theo lời Bác dạy, giúp đỡ những hội viên nghèo, khó khăn có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm giàu chính đáng...

Ý tưởng “góp gió thành bão” được giao cho, chi hội phụ nữ bản Mo Nghè 3 làm điểm. Bà Vì Thị Châu, Chủ tịch Hội LHPN xã Quang Huy, tâm sự: Thật đơn giản và thiết thực, chi hội có 42 hội viên, một tháng, mỗi hội viên tiết kiệm 10.000 đồng và mỗi ngày bỏ ra ít nhất một nắm gạo. Cứ như vậy, sau một tháng, số tiền và gạo tiết kiệm được sẽ ưu tiên hỗ trợ và cho vay đối với gia đình hội viên khó khăn của chi hội. Việc làm nhận được sự ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong xã. Nói thật, ngày đầu triển khai cách làm này, một số chị em chưa mặn mà lắm, nhưng khi được giải thích vận động, họ hưởng ứng nhiệ tình. Hội đã chỉ đạo chi hội Mo Nghè 3 bình bầu danh sách, những hội viên khó khăn và ưu tiên hỗ trợ lần lượt. Gạo Hội hỗ trợ, còn tiền thì giao cho chi hội bàn bạc cùng gia đình tìm hướng đầu tư phát triển sản xuất và quy định rõ thời gian hoàn trả để cho hội viên khác vay. Sau 1 năm làm điểm, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm và nhân rộng ra toàn xã...
Chị Cầm Thị Xuyên, xúc động: Cùng với số tiền 420.000 đồng được vay không lãi cộng thêm tiền của gia đình tiết kiệm được, tôi đã đầu tư vào mua máy dệt thổ cẩm và nuôi lợn nái. Đây là động lực giúp gia đình tôi quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Được biết, bản Mo Nghè 3, còn gần 20 gia đình hội viên nghèo. Do vậy, với cách làm này, tin rằng thời gian không xa nơi đây sẽ không còn hộ nghèo.

Quỹ tiết kiệm xoá nghèo

Học đức tính thực hành tiết kiệm của Bác, Hội LHPN xã Quang Huy đã thành lập Trung tâm tín dụng phụ nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ nghèo có vốn vay phát triển sản xuất. Hội đã vận động phụ nữ, hội viên trong xã gửi tiền tiết kiệm có lãi suất vào Trung tâm. Với số tiền này, Hội tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, khó khăn về vốn vay với lãi suất ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt và làm dịch vụ.
Chị Cầm Thị Ngân, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã, nói: Khi đề xuất ý tưởng hàng tháng, mỗi hội viên, phụ nữ trong xã tiết kiệm từ 5.000 đồng trở lên gửi vào Trung tâm tín dụng để tạo nguồn quỹ cho hội viên nghèo, khó khăn vay với lãi suất ưu đãi phát triển sản xuất, chị em đồng tình, ủng hộ cao. Có chị, mỗi tháng còn tiết kiệm được mấy chục lần con số 5.000 đồng để gửi vào Trung tâm. Việc thực hành tiết kiệm còn có sự tham gia của cả nhân dân trong xã. Có nhiều hộ vận động tất cả các thành viên trong gia đình mỗi người tiết kiệm từ 5.000 đồng trở lên/tháng gửi vào Trung tâm.

Để tránh tình trạng tiền không đến tay người thực sự có nhu cầu, Hội LHPN xã đã có quy định cho vay vốn xoá đói giảm nghèo rõ ràng. Các chi hội lập danh sách hội viên khó khăn, có nhu cầu về vốn đưa lên Hội. Sau đó, Hội cử cán bộ xuống kiểm tra và cùng với chi hội cơ sở tư vấn giúp hội viên vay vốn đầu tư vào loại hình kinh tế mang lại hiệu quả. Số tiền vay cũng có mức quy định, không cho vay quá nhiều khi người vay chưa có đề án phát triển sản xuất rõ ràng...

Dẫn chúng tôi tới thăm gia đình chị Lò Thị Khướng, hội viên chi hội bản Búc, trong ngôi nhà xây, lợp Fi prô xi măng còn phảng phất mùi sơn, Chị Khướng đang miệt mài dệt vải, chị tâm sự: Ngày trước gia đình tôi khó khăn. Năm 2004 được Trung tâm tín dụng phụ nữ xã cho vay gần 2 triệu đồng với lãi suất ưu đãi, đầu tư vào nghề dệt vải, làm chăn, đệm, gối. Sau 2 năm, trả được tiền gốc, lãi, tôi lại tiếp tục vay 3 triệu đồng mua máy khâu và khung cửi để mở rộng sản xuất. Với nghề này đến nay, mỗi tháng gia đình tôi đã có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng.

Như vậy, từ năm 2003 đến nay, số tiền gốc của Trung tâm tín dụng phụ nữ xã Quang Huy đã có 243 triệu đồng, tạo điều kiện cho 270 lượt hội viên vay phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Trong đó, có hơn 50% số lượt phụ nữ, hội viên nghèo vay vốn và đã thoát nghèo, trở thành những điển hình trong phát triển kinh tế hộ gia đình…

“Học đi đôi với hành” theo nội dung cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, là cách làm hay “tiết kiệm để xóa nghèo” của Hội phụ nữ xã Quang Huy. Trên đường về, tôi cứ tâm đắc, ở nhiều nơi, số hộ hội viên nghèo còn nhiều hội phụ nữ các cấp cần tìm hiểu, áp dụng mô hình của Hội phụ nữ xã Quang Huy để chung sức cùng các chương trình, dự án của tỉnh xóa nghèo cho dân thì hiệu quả sẽ rất đáng khích lệ.
    
Theo Quốc Tuấn (Báo điện tử Sơn La)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video