Tiết kiệm điện - Một chủ trương lớn

04/02/2009
Tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng luôn luôn là vấn đề hàng đầu của tất cả các quốc gia và cần được coi trọng hơn đối với những nước nghèo và các nước đang phát triển.

Tình hình năng lượng trên thế giới cũng như ở nước ta đang ở trong giai đoạn thiếu hụt, đặc biệt trong thời gian gần đây giá dầu và khí đốt trên thị trường thế giới tăng liên tục, giá xăng, dầu và khí đốt trong nước cũng tăng theo gây ảnh hưởng đáng kể đến giá cả thị trường và đời sống xã hội. Theo tính toán của Chương trình Tiết kiệm Năng lượng - Bộ Khoa học, công nghệ & môi trường và EDP (Hà Lan) thì ở Việt Nam hiện nay lãng phí năng lượng ước tính khoảng 1 triệu USD mỗi ngày.

Từ những vấn đề trên, việc tiết kiệm năng lượng nói chung và tiết kiệm điện nói riêng ở nước ta hiện nay là một trong những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước cần được quán triệt, vận động và tổ chức thực hiện có kết quả ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức và công dân, trong đó có lãnh đạo các ngành giáo dục. Trong phạm vi giới hạn của bài báo này tôi xin phép trình bày một số chủ trương chính sách về chủ đề tiết kiệm điện.

Tình hình cung ứng điện giai đoạn 2006-2010

Trong thời gian vừa qua, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, hệ thống điện của đất nước đã có bước phát triển đáng kể, tổng công suất các nguồn điện ở nước ta vào thời điểm hiện nay đạt xấp xỉ 10.000MW, điện thương phẩm bình quân đầu người ở nước ta đạt khoảng 550 kWh/người/năm (So với các nước trng khu vực thì nguồn điện ở nước ta còn rất khiêm tốn, ví dụ sản lượng điện bình quân đầu người của Thái Lan hiện nay đạt khoảng 1.600 kWh/người/năm, Malaysia đạt khoảng 2.800 kWh/người/năm). Nếu so với các nước phát triển trên thế giới thì nguồn điện và sản lượng điện bình quân đầu người của ta còn rất nhỏ bé, ví dụ sản lượng điện bình quân đầu người của một số nước Châu Âu đạt vào khoảng từ 10.000 đến 15.000 kWh/người/năm…

Theo tổng sơ đồ phát triển điện lực giai đoạn 6 kế hoạch 5 năm 2006-2010, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm 7,5-8%. Trong những năm qua, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã cập nhật liên tục các thông tin về tình hình sử dụng điện (giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng phụ tải 14,7%) và dự báo nhu cầu điện trong thời gian tới. Với nhu cầu phụ tải tăng cao đột biến trong những năm gần đây, EVN đã tính toán với phương án dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện ở mức 16 - 17%/năm. Mỗi năm nhu cầu điện tăng thêm 1500÷ 2000MW, tương đương công suất nhà máy thuỷ điện Hoà Bình hoặc 20 nhà máy điện Uông Bí hoặc 12 nhà máy điện Đa Nhim.

Từ năm 2006 - 2010, để đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh, cần xây dựng 47 nhà máy điện với tổng vốn đầu tư 341.000 tỷ đồng. Riêng EVN phải huy động 242.000 tỷ đồng và qua tính toán cho thấy giai đoạn tới có thể xảy ra thiếu điện, điều này sẽ có tác động mạnh đến các ngành kinh tế và sinh hoạt của nhân dân. Trong những năm qua, Chính phủ đã tập trung mọi nỗ lực tăng tốc độ đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện, ban hành một số cơ chế đặc biệt để  xây dựng nhanh các nhà máy điện (như cơ chế 797/CP), rút ngắn tiến độ từ 1,5 năm trở lên. Tuy vậy với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn kéo dài đã dẫn đến tình trạng thiếu điện, tình hình này cũng giống một số nước trong khu vực và trên thế giới (Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ...)

Chính phủ đã có chính sách khuyến khích đầu tư, EVN cũng đã tạo điều kiện hợp tác nhưng các nhà đầu tư trong và ngoài nước chưa thấy hấp dẫn vì giá điện Việt Nam còn thấp, không có lãi.

Trước nguy cơ thiếu điện, Chính phủ đã có 2 chỉ đạo quyết liệt, tìm mọi biện pháp khắc phục thiếu điện. Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo cụ thể trong đó đồng ý với những nhóm giải pháp mà EVN đề xuất như:

Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống điện hiện có; Huy động Diesel dự phòng của khách hàng; Mua điện Trung Quốc; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện theo tinh thần khẩn trương nhất; Đẩy mạnh cổ phần hoá để huy động vốn; Khuyến khích và liên doanh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng nhanh các nhà máy điện; Xây dựng khẩn cấp một số nhà máy điện để sớm bổ sung công suất cho hệ thống điện. Ngoài việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện (than và khí đốt thiên nhiên) các nhà máy thủy điện lớn và có thể phát triển nhà máy điện nguyên tử ở nước ta. Ngoài ra cần quan tâm đó là đầu tư nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học của các nước phát triển trong việc xây dựng các cơ sở phát điện bằng sức gió, điện mặt trời, địa nhiệt và các nguồn thủy điện vừa và nhỏ, cực nhỏ… phù hợp với điều kiện nước ta nằm ở vùng nhiệt đới gió mùa, đầy là lợi thế rất lớn của nước ta cho phát triển nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, phát triển bền vững đất nước và góp phần bảo vệ môi trường trái đất của chúng ta, cái nôi của sự tồn tại và phát triển của loài người. Khẩn trương triển khai các biện pháp tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng.

Trong các giải pháp chống nguy cơ thiếu điện thì giải pháp tiết kiệm điện có nhiều tiềm năng, đầu tư ít, thời gian thực hiện ngắn và phát huy ngay hiệu quả là dành điện cho sản xuất và nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của nhân dân.

Chủ trương và chính sách tiết kiệm điện:

Phát triển kinh tế - xã hội có chất lượng và bền vững, quản lý nhu cầu sử dụng điện hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, mọi tổ chức và công dân.

Tiết kiệm điện năng ở nước ta không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn ý nghĩa lâu dài.

Luật Điện lực đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Khóa XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03/12/2004, Chương III của Luật này đã quy định về tiết kiệm trong phát điện, truyền tải, phân phối và sử dụng điện, trong đó Điều 13 quy định về chính sách và biện pháp khuyến khích, thúc đẩy tiết kiệm điện, cụ thể:

Điều 13 của Luật Điện lực đã ghi:

“1. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích tiết kiệm điện bằng các chính sách sau đây:

a) Khuyến khích sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu, áp dụng ưu đãi về thuế đối với sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm tiết kiệm điện và trang thiết bị, vật tư, dây chuyền công nghệ nhập khẩu để sản xuất sản phẩm tiết kiệm điện;

b) Dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm tiết kiệm điện hoặc dự án đầu tư nhằm mục đích tiết kiệm điện được vay vốn ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển và Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;

2. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng các chương trình, dự án thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bố trí kinh phí thích đáng cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ phục vụ mục tiêu tiết kiệm điện.

3. Căn cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công nghiệp phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định".

Về tiết kiệm điện trong sử dụng điện, Điều 16 của Luật điện lực quy định:

"Tổ chức, cá nhân sử dụng điện cho sản xuất có trách nhiệm: Thực hiện chương trình quản lý nhu cầu điện để giảm chênh lệch công suất giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện; Cải tiến, hợp lý hóa quy trình sản xuất, áp dụng công nghệ và trang thiết bị sử dụng điện có suất tiêu hao điện năng thấp để tiết kiệm điện; Hạn chế tối đa việc sử dụng thiết bị điện công suất lớn vào giờ cao điểm của biểu đồ phụ tải hệ thống điện.

Tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu trang thiết bị chiếu sáng, thông gió, điều hòa, bơm nước, cung cấp nước nóng, thang máy và các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt khác phải bảo đảm các chỉ tiêu tiêu hao điện năng tiên tiến nhằm giảm chi phí điện năng, góp phần thực hiện tiết kiệm điện.

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm ban hành quy chế sử dụng tiết kiệm điện trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình."

Chính phủ đã ban hành Nghị định về sử dụng năng lượng hợp lý và tiết kiệm số 102/2003/NĐ-CP ngày 03/09/2003. Gần đây, cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ nước ta đã ban hành 2 chỉ thị về tiết kiệm điện, điều này nói lên tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện trong toàn xã hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Theo www.crpc.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video