Tín dụng chính sách giúp nâng cao vị thế phụ nữ

06/12/2018
Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không những đáp ứng nhu cầu tài chính của chị em mà còn góp phần nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ, nhất là tại khu vực nông thôn.

Bình đẳng giới và bảo đảm quyền của phụ nữ là chủ trương lớn của Đảng và là một trong những chính sách xã hội quan trọng. Trên cơ sở này, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) không những đáp ứng nhu cầu tài chính của chị em mà còn góp phần nâng cao năng lực, vị thế của phụ nữ, nhất là tại khu vực nông thôn.

Hiện nay, phụ nữ Việt Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số nữ chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Đây là minh chứng sinh động, hiệu quả cho thấy chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.

Tín dụng chính sách xã hội được đánh giá là phù hợp khả năng và nhu cầu của người nghèo, người có thu nhập thấp. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho các đối tượng chính sách, NHCSXH còn phối hợp hội, đoàn thể và các cơ quan khuyến nông tư vấn, đào tạo để giúp cho người nghèo, đặc biệt là chị em phụ nữ nghèo có đủ năng lực khởi sự hoạt động kinh doanh, vươn lên làm chủ, cải thiện cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo một cách bền vững. Những năm qua, trong số các tổ chức hội, đoàn thể, Hội Phụ nữ là tổ chức hội có số vốn nhận ủy thác lớn nhất của NHCSXH; đã tạo điều kiện, hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo có cơ hội tiếp cận trực tiếp với nguồn vốn vay, giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong việc phát triển kinh tế, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiêu biểu như gia đình chị Trần Thị Hai (ấp Nhà Dài, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) vốn là hộ nghèo và được Hội Phụ nữ xã vận động tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, được bình xét, NHCSXH cho vay 15 triệu đồng. “Nhờ đồng vốn này, gia đình có việc làm ổn định. Gia đình tôi đã thoát nghèo sau hai năm vay vốn và giúp đỡ rất nhiều chị em trong ấp có thêm thu nhập”, chị Hai vui mừng chia sẻ. Hay hộ chị Tiên Reng (ấp Trần Thệ, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang) nhiều năm liền là hộ nghèo, lại không có đất sản xuất khiến cuộc sống đã khó càng khó hơn. Năm 2012, nhờ vay vốn chính sách 30 triệu đồng nuôi bò vỗ béo và tham gia HTX đan lát để mỗi ngày có thêm thu nhập 100 nghìn đồng. Hiện, nhà chị vừa trả một phần vốn vay ngân hàng, vừa tiếp tục mua bốn con bò để vỗ béo. Dự định trong thời gian tới, chị sẽ xin vay thêm vốn chính sách để phát triển đàn bò.

Chị Trần Thị Hai và chị Tiên Reng chỉ là hai trong số rất nhiều hộ sử dụng hiệu quả vốn vay, vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo thống kê, tính đến ngày 31-10, hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam đang quản lý 68.763 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng với hơn 2,6 triệu hộ vay vốn. Trong đó, tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo hơn 13,5 nghìn tỷ đồng; hộ cận nghèo hơn 11,7 nghìn tỷ đồng; hộ thoát nghèo hơn 12,2 tỷ nghìn đồng; HSSV thông qua hộ gia đình gần 5,3 nghìn tỷ đồng.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ: “Nhằm không ngừng đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi đến với phụ nữ nghèo, NHCSXH tỉnh Cà Mau đã thực hiện phương thức ủy thác cho các cấp Hội Phụ nữ một số nội dung công việc trong quy trình vay. Đồng thời, thông qua các điểm giao dịch, hằng tháng, cán bộ tín dụng của ngân hàng về tại cơ sở cùng với các cấp Hội Phụ nữ thực hiện giải ngân, kiểm tra, giám sát việc cho vay cũng như kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc”.

Qua 16 năm thực hiện, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH thực hiện cho vay đúng đối tượng và đạt hiệu quả vay vốn cao. Tại các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn, chị em vay vốn đã được tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay vào làm ăn, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần hạn chế những nguyên nhân phổ biến của các hộ nghèo như sinh nhiều con, không biết cách tính toán làm ăn... Thông qua sinh hoạt tổ, chị em hội viên đã có dịp hiểu và chia sẻ và gắn bó với nhau, từ đó góp phần tập hợp ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào tổ chức hội. Kết quả, 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Phụ nữ quản lý thực hiện đúng hợp đồng ủy nhiệm với NHCSXH như đôn đốc thành viên trả nợ gốc theo hợp đồng thỏa thuận.

Có thể nói, sau mười năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, thời gian tới, để giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay ưu đãi, các cấp Hội tiếp tục gắn kết việc hỗ trợ tăng hiệu quả sử dụng vốn của người vay với phong trào giúp phụ nữ nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của xã hội.

NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video