Tín dụng chính sách xã hội – 20 năm đồng hành cùng phụ nữ Quảng Nam

17/08/2022
Với vai trò là cầu nối đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với phụ nữ nghèo, trong 20 năm qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác ủy thác cho vay tín dụng chính sách xã hội, góp phần cùng NHCSXH thực hiện hoàn thành kế hoạch tín dụng hằng năm và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Mô hình trồng cây quật cảnh của chị Nguyễn Thị Sau (xã Cẩm Hà, TP. Hội An)

Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tích cực lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội.

Hằng năm Hội LHPN tỉnh đều có hướng dẫn, chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong triển khai tín dụng chính sách, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn kịp thời, góp phần thực hiện thành công chương trình giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 5,23% (tính đến 31/12/2021).

Tính đến 30/6/2022, dư nợ uỷ thác qua kênh Hội quản lý đạt 2.530 tỷ đồng, giải quyết cho 55.083 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; làm tốt công tác xử lý nợ rủi ro và công tác đối chiếu, phân loại nợ; chất lượng tín dụng tiếp tục giữ vững, nợ quá hạn 694 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0.03% (nợ quá hạn nhiều năm liền vẫn ở mức thấp so với các mức bình quân chung của tỉnh và các Hội đoàn thể khác); tỷ lệ thu lãi đạt 107.1% lãi phải thu, có 1.372 TK&VV, 100% tổ TK&VV thực hiện huy động tiết kiệm với 99,2% hộ vay tham gia tiết kiệm, đạt số tiền gần 142.536 tỷ đồng.

Chất lượng hoạt động tín dụng, ủy thác, tổ TK&VV, giao dịch ngày càng được nâng cao và có hiệu quả, chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của hội viên phụ nữ, đặc biệt là các tầng lớp phụ nữ có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn ở các ngân hàng thương mại. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho các mô hình làm ăn có hiệu quả như: Cơ sở sản xuất Bánh đậu xanh Xuân Cơ của chị Phạm Thị Ly Cơ (p. Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ), năm 2014 chị vay 30 triệu để sản xuất với quy mô nhỏ, đến năm 2021 chị tiếp tục vay 50 triệu đầu tư thêm trang thiết bị. Hiện tại cơ sở chị đã duy trì và giải quyết gần 20 lao động có thu nhập ổn định. Mô hình Nuôi bò 3B của chị Dương Thị Bảy (xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức), từ nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng CSXH kết hợp với nguồn vốn của gia đình, chị đã đầu tư phát triển mô hình nuôi bò 3B với số lượng ban đầu là 15 con, mỗi con  trị giá trên 20 triệu đồng. Đến nay, đàn bò phát triển lên 53 con với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ đồng. Mô hình Chăn nuôi và trồng rừng của chị Đồng Thị Hằng (Phước Sơn), năm 2013 gia đình chị vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ thoát nghèo để trồng 3 ha keo, sau 5 năm gia đình chị đã thu hoạch keo đầu tiên với số tiền 120 triệu đồng. Gia đình chị đầu tư mua thêm 1 ha đất rẫy để trồng keo và kết hợp xây dựng chuồng trại để nuôi heo nái sinh sản 19 con heo ban đầu. Qua một năm nuôi đàn heo đã phát triển 40 con heo thịt. Năm 2017 chị đã trả hết tiền gốc 50 triệu cho Ngân hàng và mua thêm 4 con bò. Đến năm 2021 khi có nguồn vốn vay giải quyết việc làm chị đã vay thêm 100 triệu đồng để trồng keo và mở rộng dự án trồng cỏ nuôi bò, hiện chị có 10 con bò, 53 con heo thịt, 3 con heo nái, mỗi năm dự kiến thu nhập của gia đình chị 100 triệu đồng/năm. Mô hình Trồng cây quật cảnh của chị Nguyễn Thị Sau (xã Cẩm Hà, TP. Hội An), năm 2012 gia đình được tín chấp vay vốn qua kênh Hội với số tiền 30 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo để trồng cây quật cảnh. Đến năm 2017, chị mạnh dạn vay vốn giải quyết việc làm với số tiền 100 triệu đồng để đầu tư với quy mô lớn. Mỗi dịp tết cổ truyền, bình quân bán khoảng 400 chậu cây quật cảnh, sau khi trừ chi phí tiền lãi khoảng 300 triệu đồng/năm…

Thông qua tín dụng chính sách xã hội đã kịp thời hỗ trợ rất nhiều cho phong trào Hội, đặc biệt là cấp cơ sở, thu hút và tập hợp được nhiều hội viên, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, giúp hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống, đặc biệt góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường, người lao động được vay để đi lao động ở nước ngoài, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt gần đây là triển khai có hiệu quả các chính sách tín dụng mới của Chính phủ như hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và cho vay khôi phục, phát triển kinh tế xã hội sau dịch bệnh theo Nghị quyết 11/CP/2022.

Phát huy thành tích đạt được trong 20 năm tín dụng chính sách xã hội đồng hành cùng phụ nữ, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện sâu rộng Chỉ thị số 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Chính phủ phát động.

Hoàng Hoài Trinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video