Tin hoạt động các cấp Hội LHPN Phú Thọ

27/09/2012
 

* Thị xã Phú Thọ tập huấn hát Xoan cho hội viên phụ nữ

Hội LHPN thị xã Phú Thọ vừa tổ chức lớp tập huấn hát Xoan cho 153 cán bộ, hội viên phụ nữ và các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn.

Các học viên được tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, lịch sử truyền thống của hát Xoan; tập một số làn điệu Xoan cổ và Xoan lời mới; kỹ thuật thanh nhạc, cách đánh phách, gõ nhịp, quả cách; tập luyện một số làn điệu cơ bản trong nghệ thuật hát Xoan như: Hát đón đào, Trống quân, trèo lên cây bưởi hái hoa, đường đi trên suối dưới khe, hát bỏ bộ, hát xin huê dưới sự hướng dẫn của các giảng viên và từ những đĩa nhạc hát Xoan mẫu.  

Thông qua lớp học, nhằm truyền dạy cho các học viên những kiến thức cơ bản  về hát Xoan, từ đó lưu truyền, quảng bá trong cộng đồng những làn điệu hát Xoan của Phú Thọ; phát huy, gìn giữ những giá trị văn hóa hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

* Tập huấn triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI

Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI cho các ủy viên Ban chấp hành, cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, thành, thị và các Hội phụ nữ trực thuộc.

Các đại biểu được truyền đạt những nội dung: Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khóa XI; Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XI và một số vấn đề nâng cao chất lượng hoạt động của Hội LHPN Việt Nam; các nhiệm vụ: Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách; rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, nhận thức; vận động, hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững; vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường; tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; xây dựng và phát triển tổ chức Hội LHPN Việt Nam vững mạnh; tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng.

Thông qua lớp tập huấn giúp cho đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp Hội phụ nữ nắm vững nội dung cơ bản của Nghị quyết để từng bước triển khai thực hiện có hiệu quả.

* Phụ nữ xã Giáp Lai giúp nhau xóa đói giảm nghèo

Hội LHPN xã Giáp Lai (Thanh Sơn) có tổng số 648 hội viên đang sinh hoạt tại 8 chi hội. Thời gian qua, Phong trào phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo bề vững được Hội chú trọng triển khai tới các chi hội, đặc biệt là hình thức giúp nhau có địa chỉ. Hàng năm Hội khảo sát số hội viên nghèo để các chi hội, tổ hội lập kế hoạch giúp đỡ, với tiêu chí mỗi tổ đăng ký giúp từ 1 đến 2 hội viên nghèo có chuyển biến, vì vậy trong năm vừa qua đã giúp được 8 hội viên nghèo với tổng số tiền là 8 triệu đồng, giúp 1.250 ngày công, giúp 450 con gà giống, 855kg gạo. Đến cuối năm kinh tế của 8 hội viên được giúp đỡ đã có chuyển biến và thoát nghèo.

Hội còn tích cực khai thác, quản lý các nguồn vốn ngay từ Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ hiện tại hơn 3 tỷ đồng cho trên 400 lượt hội viên vay để phát triển kinh tế gia đình. Các chị em được vay vốn đã đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, đồng vốn được đảm bảo an toàn, có sự chỉ đạo, quản lý chặt chẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt là ý thức tự giác của hội viên nên không xảy ra nợ đọng, nợ quá hạn.

Bên cạnh những mô hình giúp nhau làm kinh tế, hàng năm các chi hội còn xây dựng được các tổ tiết kiệm như chơi họ, chơi phường đã tạo được nguồn vốn 20 triệu đồng, 1,5 tấn thóc. Hội còn huy động nguồn quỹ tổ, quỹ ban chấp hành với tổng số tiền quỹ là 23 triệu đồng cho 23 lượt chị vay để phát triển chăn nuôi và bảo tồn quỹ luôn phát triển; tổ chức thăm hỏi, tặng quà những hội viên gặp khó khăn trong dịp tết.

Từ những nguồn vốn vay ngân hàng và vốn huy động đã giúp được nhiều chị em phát triển kinh tế, như mô hình phát triển trồng rừng của chị Hà Thị Hằng cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm, chăn nuôi lợn của chị Trần Thị Tuyết, Nguyễn Thị Hoà cho thu nhập từ 60-70 triệu đồng/năm, mô hình kinh doanh dịch vụ của chị: Vũ Hồng Thanh, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đỗ Thị Hương đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương và làm giàu cho bản thân… Các hội viên làm kinh tế giỏi đã phổ biến, chuyển giao kinh nghiệm làm ăn cho nhiều chị em học tập và làm theo từ đó đã thoát nghèo, đời sống dần được nâng cao và ổn định.

Không chỉ giúp nhau làm kinh tế, phụ nữ xã Giáp Lai còn đăng ký không sinh con thứ 3, xây dựng gia đình văn hoá, gia đình hạnh phúc. Kết quả năm 2011 qua bình xét có 580 hộ gia đình hội viên đạt gia đình 4 chuẩn mực, 24 chi, tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3, trong đó có 8/8 chi hội 10 năm liền không có hội viên sinh con thứ 3.

* Phụ nữ Phù Ninh góp phần quản lý giáo dục con em không phạm tội và mắc tệ nạn xã hội

Thực hiện Nghị Quyết liên tịch số 01 giữa Bộ Công an và TW Hội LHPN Việt Nam về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Phù Ninh phối hợp với Công an huyện đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là công tác quản lý, giáo dục con em ngay từ trong gia đình. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 5 năm (2008-2012) trên địa bàn huyện có 21 đối tượng tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, trong đó chủ yếu phạm tội như gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, cưỡng đoạt tài sản…, tập trung chủ yếu vào độ tuổi từ 16 đến 18.

Nghị quyết liên tịch số 01 đã được Hội LHPN huyện Phù Ninh tổ chức thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Hàng năm, các cấp hội từ huyện đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như Công an, tư pháp thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, hội viên và các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nêu cao tinh thần cảnh giác phòng chống tội phạm, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán phụ nữ trẻ em thông qua các buổi sinh hoạt hội, giao lưu văn nghệ, thể thao, đồng thời tích cực tham gia tố giác tội phạm, quản lý giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi vi phạm tái hòa nhập cộng đồng. Hội phụ nữ các cấp đã tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, phát huy vai trò của phụ nữ để thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm, TNXH. Thời gian qua, Hội LHPN huyện đã tham gia quản lý giáo dục 94 đối tượng, cùng lực lượng Công an tổ chức đưa đi cai nghiện tại Trung tâm lao động xã hội tỉnh 96 người nghiện ma túy. Qua học tập, giáo dục, nhiều đối tượng có biểu hiện tiến bộ, tìm được việc làm lương thiện để tạo dựng cuộc sống.

Trong 5 năm, Hội LHPN huyện Phù Ninh đã thành lập được 91 CLB, gia đình hạnh phúc với 2.952 thành viên, 17 tổ phụ nữ phòng chống ma túy từ gia đình, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng chống tội phạm như các mô hình “Tổ phụ nữ không có chồng con, người thân nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, mô hình “ Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân cai nghiện và quản lý sau cai”, mô hình “Quản lý giáo dục trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư”… Hiệu quả từ các mô hình, đã có 17.151 gia đình Hội viên ký cam kết không có người nghiện, vi phạm pháp luật, thành lập được 17 tổ phụ nữ phòng chống ma túy từ gia đình, đã giúp đỡ 10 đối tượng sau cai, 3 gái mại dâm trở thành người lương thiện. Điển hình là mô hình: “Quản lý, giáo dục trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ vi phạm pháp luật” tại khu 1, xã Phú Lộc; qua mô hình đã vận động giáo dục 5 trẻ em có nguy cơ vi phạm pháp luật chuyển biến tốt, các cháu đều nhận thức ra sai lầm và tự nguyện sửa đổi, hiện 2 cháu đã đi học nghề, 3 cháu có việc làm ổn định. Các mô hình hoạt động hiệu quả đã được duy trì và nhân rộng trên địa bàn, góp phần kiềm chế và đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn huyện.

* Hội LHPN huyện Thanh Sơn thực hiện cuộc vận động “Mắt sáng cho người cao tuổi nghèo”

Hưởng ứng cuộc vận động “Mắt sáng cho Người cao tuổi”, vừa qua, Hội LHPN huyện Thanh Sơn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong huyện tuyên truyền tới 100% cơ sở Hội và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia cuộc vận động. Các cấp hội phụ nữ trong huyện còn phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn miễn phí các bệnh về mắt cho hội viên phụ nữ, nhân dân địa phương tại các xã Địch Quả, Võ Miếu, Hương Cần…

Cuộc vận động “Mắt sáng cho Người cao tuổi nghèo” tại huyện Thanh Sơn diễn ra từ năm 2012 đến năm 2015. Thông qua cuộc vận động góp phần nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng, của toàn xã hội về “chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi”. Đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chung của Tổ chức Y tế thế giới, Tổ chức Quốc tế về phòng, chống mù lòa và cam kết của Bộ Y tế Việt Nam về thực hiện mục tiêu “Thị giác năm 2020: Quyền được nhìn”.

* Phụ nữ Yên Kỳ giữ ấm nhà, yên làng xã

Được Hội LHPN huyện Hạ Hòa giới thiệu, chúng tôi về Yên Kỳ- một xã thuần nông với 2 sản phẩm chính là lúa và chè. Trao đổi với lãnh đạo tổ chức Hội phụ nữ xã Yên Kỳ, được biết: Hiện có 15 chi hội với trên 700 hội viên tham gia sinh hoạt. Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập mà nhiều năm qua, Hội phụ nữ xã đã làm tốt vai trò giữ ấm nhà, yên làng xã.

Bám sát 4 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện và địa phương, Hội phụ nữ đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cách phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để phát triển sản xuất.

Trên thực tế, điều kiện thổ nhưỡng của Yên Kỳ rất thích hợp cho phát triển cây chè. Bởi vậy, từ bao đời nay, người dân nơi đây coi cây chè là cây xóa đói giảm nghèo, là cây chủ đạo trong phát triển kinh tế gia đình. Hội phụ nữ đã liên kết với các công ty chè đóng trên địa bàn để mở rộng diện tích chè sạch và tạo đầu ra nguyên liệu. Câu lạc bộ chè sạch được thành lập với 130 hội viên tham gia đã giúp nhau bổ sung kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất chế biến chè, nâng năng suất bình quân chè toàn xã đạt 25 tấn/ha. Các hội viên đóng góp gần 40 triệu đồng để xây dựng quỹ hội. Số tiền này được sử dụng hợp lý, hiệu quả, dành hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên vay để tăng gia sản xuất. Hội đã vận động các gia đình xây dựng các mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao. Các mô hình trồng và chế biến chè trong xã đã phối hợp, “bắt tay” với nhau tạo thành làng nghề chè Phú Thịnh.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội phụ nữ xã đã tuyên truyền, hỗ trợ hội viên thực hiện 12 mô hình mới về trồng cấy giống lúa chất lượng cao; nuôi trồng thủy sản; nuôi nhím và chăn nuôi thỏ, dê, lợn rừng… Nhiều chị em đã mạnh dạn, vay vốn xây dựng và lồng ghép chăn nuôi với một số ngành nghề dịch vụ như chăn nuôi lợn kết hợp làm đậu; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng để phục vụ bà con tại địa phương.

Hoạt động giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định đời sống trở thành phong trào thường xuyên tại các chi, tổ phụ nữ thông qua nhiều hình thức sinh hoạt như giúp nhau thường xuyên, giúp có địa chỉ và trong những trường hợp đột xuất. 5 năm qua, đã có trên 500 lượt chị em được giúp đỡ với tổng tiền 340 triệu đồng, gần 300 ngày công và 10 tấn lương thực. Đối với những gia đình hội viên khó khăn hoặc gặp rủi ro hoạn nạn, đều được Hội hỗ trợ, động viên kịp thời. Để có vốn cho các hội viên phụ nữ nghèo vay phát triển sản xuất, Hội phụ nữ xã đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng cho trên 200 lượt hội viên phụ nữ vay sử dụng có hiệu quả. Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm với 550 thành viên với số vốn tín dụng tiết kiệm của hội gần 70 triệu đồng, cho 450 chị em vay mua vật tư phân bón. Năm qua, Hội đã giúp được 26 gia đình có phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 23% năm 2006 xuống còn trên 10% theo tiêu chí mới.

Thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các chi, tổ hội phụ nữ đã vận động chị em tham gia phong trào thi đua thực hành tiết kiệm với phong trào “nuôi trâu nhựa tiết kiệm”. Từ phong trào này đã tiết kiệm được gần 4 triệu đồng, dành giúp đỡ 3 hội viên phụ nữ nghèo mua thêm cây, con giống để phát triển sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Thanh- hội viên phụ nữ thuộc chi hội 11 chia sẻ: Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, lại có 3 cháu đang học đại học nên chi phí hàng tháng tốn kém. Hội phụ nữ xã đã ủng hộ, tạo điều kiện để tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT. Vay được 80 triệu đồng tiền vốn, gia đình tôi đã đầu tư vào 5 sào ao thả cá và 2 ha chè, kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chúng tôi thu lãi được trên 50 triệu đồng. Khó khăn qua đi, con cái giờ đã học hành thành đạt, kinh tế gia đình phát triển, tôi cùng một số hội viên tiếp tục giúp đỡ gia đình các chị em khác bằng tiền vốn, con giống, hướng dẫn kỹ thuật…

Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè thẫm xanh, san sát như bát úp; những vạt rừng đượm hương quế cay nồng, giọng chị Thanh nhẹ nhàng: Chị em ai cũng dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, chỉ mong các cấp, các ngành mở thêm các lớp dạy nghề, đầu tư các chương trình, dự án cho địa phương và tạo điều kiện để phụ nữ vay vốn Ngân hàng. Kinh tế ổn định, gia đình ấm no thì làng xã cũng bình yên.

* Đòn bẩy giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

Trong nhiều năm qua, Hội LHPN huyện Thanh Ba đã có nhiều biện pháp tích cực để hội viên được tham gia , nhằm xoá đói giảm nghèo, góp phần vào việc chung sức xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường.

Chị Nguyễn Thị Thảo Nam-Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Qua khảo sát, số hộ nghèo trên địa bàn huyện còn trên 5.000 hộ, trong đó hộ nghèo do phụ nữ làm chủ là trên 2.200 hộ, do vậy việc giúp phụ nữ nói chung và phụ nữ nghèo nói riêng được các cấp hội hết sức quan tâm. Với nhiều biện pháp, chúng tôi cho chị em được tập huấn kiến thức, kỹ năng trong phát triển kinh tế, phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ về vốn, giống, hình thành nên các mô hình, câu lạc bộ... Những hoạt động bổ ích, đã thu hút được đông đảo chị em tham gia, góp phần tích cực, hiệu quả trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương”. Qua tìm hiểu được biết từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Trạm khuyến nông, Trạm thú y mở nhiều hội nghị tuyên truyền về khoa học kỹ thuật, cách phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chăm sóc chè, lúa chiêm xuân cho gần 1.000 phụ nữ tham dự.

Phối hợp với Công ty CP Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao tổ chức hội nghị cấp huyện về “Hướng dẫn sử dụng phân NPK” cho chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN các xã, thị trấn, sau đó Hội LHPN các xã, thị trấn mở hội nghị tại cơ sở để tuyên truyền, phổ biến cho các hội viên; phối hợp với Trường Trung cấp Nông lâm nghiệp Phú Thọ mở các lớp dạy nghề ngắn hạn cho hội viên; giới thiệu việc làm cho nhiều chị em tại các công ty trên địa bàn và đi xuất khẩu lao động. Hội LHPN huyện đã triển khai kế hoạch và chỉ đạo hội phụ nữ cơ sở rà soát các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ và tiến hành đăng kí giúp đỡ. Trong năm 2012, các cơ sở hội đã đăng kí giúp 252 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ. Cuối năm 2012 sẽ thoát nghèo. Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thì không thể không nhắc đến hoạt động giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Tính đến nay, đã có trên 1500 lượt hội viên giúp cho trên 1000 lượt phụ nữ với số lương thực trên 6000 kg, trên 500 con lợn giống, trên 700 công lao động, 4 tấn phân các loại và trên 70 triệu đồng không lấy lãi. Chị Nguyễn Thị Hiên -Chủ tịch Hội LHPN xã Vũ Yển chia sẻ: “Công tác giúp nhau thường xuyên được chúng tôi rất quan tâm. Với lòng tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, giúp hội viên nghèo, hội viên gặp khó khăn bằng ngày công, lương thực, tiền mặt không lấy lãi. Từ đó giúp các chị ổn định cuộc sống, yên tâm phấn đấu, phát triển kinh tế gia đình”.

Hội LHPN huyện đã thành lập được 442 nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm tự quản với gần 7.600 thành viên tham gia, tổng vốn tiết kiệm là hơn 2,2 tỷ đồng. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, trong 6 tháng đầu năm, các cấp Hội đã đăng kí xây dựng 48 mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình như mô hình vườn ao chuồng của hội viên Hà Thị Hội-khu 5 (xã Võ Lao); mô hình nuôi lợn thịt của chị Vi Thị Thức (xã Thái Ninh). Có 22/27 hội cơ sở ở các xã, thị trấn được vay vốn uỷ thác Ngân hàng chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 51 tỷ đồng cho trên 3.500 hộ vay vốn và 88 tổ tiết kiệm vay vốn. Qua kiểm tra ở một số cơ sở hội như: Xã Đại An, Phương Lĩnh, Thanh Vân, thị trấn Thanh Ba, Mạn Lạn... không có trường hợp nợ quá hạn, các nguồn vốn vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, giúp hội viên phát triển kinh tế và vươn lên làm giàu chính đáng. Hội LHPN các xã, thị trấn đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nhóm nhỏ các cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hoá gia đình, tăng thu nhập. Chỉ tính riêng năm 2012, các cấp hội đã đăng kí phát triển thêm 25 nhóm với 187 cặp nâng tổng số nhóm trong toàn huyện lên 330 nhóm với trên 2800 cặp vợ chồng thường xuyên tham gia sinh hoạt. Chị Nguyễn Thị Ngọc- hội viên phụ nữ xã Chí Tiên cho biết: “Từ khi tham gia mô hình, vợ chồng tôi có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng nuôi dạy con cái, đồng thời được học hỏi nhiều kinh nghiệm trong phát triển kinh tế. Tôi thực sự cảm thấy tham gia sinh hoạt rất bổ ích”.

Trong thời gian tới, huyện Hội tiếp tục phối hợp đẩy mạnh hoạt động lồng ghép, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thực hiện Nghị quyết 28 về phát triển nông mới của tỉnh đến năm 2020. Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm phát triển kinh tế, dạy nghề cho lao động nữ nông thôn; duy trì phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, góp phần có hiệu quả chương trình giảm nghèo của huyện và coi đây là đòn bẩy để giúp phụ nữ nói chung, nhất là phụ nữ nông thôn nghèo vươn lên thoát nghèo.

* Hội LHPN huyện Thanh Thủy sau 5 năm thực hiện Luật bình đẳng giới

“Ngay sau khi Luật Bình đẳng giới (BĐG) có hiệu lực vào đầu tháng 7 năm 2007, Hội LHPN và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) huyện Thanh Thuỷ có kế hoạch tuyên truyền về nội dung của Luật BĐG tới các tầng lớp phụ nữ và nhân dân. Công tác tuyên truyền và thực hiện Luật được chúng tôi xác định là công việc quan trọng thiết thực trong việc giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp phụ nữ, cho người dân nhằm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với nữ, tạo sự bình đẳng giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội...” - Chị Đỗ Thị Thu Hà-Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thanh Thủy trao đổi về hiệu quả triển khai thực hiện Luật BĐG trên địa bàn.

Trong 5 năm qua, huyện Hội đã phối hợp với Trường cán bộ phụ nữ Trung ương, Ban VSTBPN huyện tổ chức 2 cuộc nói chuyện chủ đề giới cho thành viên Ban VSTBPN cấp huyện, xã, lãnh đạo các phòng ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, lãnh đạo UBND các xã, thị trấn. Tổ chức gần 40 lớp tập huấn tuyên truyền về giới và Luật BĐG cho gần  1.900 lượt người là chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên ban chấp hành, Ban thường vụ Hội phụ nữ cơ sở, cán bộ trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cơ sở, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư, chi hội trưởng đoàn thể các xã thị trấn, hội viên phụ nữ. Tổ chức 2 hội thi, 6 cuộc giao lưu, 68 buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền về Luật BĐG, Luật phòng chống bạo lực gia đình thu hút gần 9.300 người tham gia; cấp 750 quyển Luật BĐG, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cho Ban chấp hành, Ban thường vụ, chi hội trưởng, hội viên nòng cốt cấp cơ sở. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục của Hội đã có 100% cán bộ hội, trên 90% hội viên được nâng cao nhận thức về BĐG. Hội LHPN huyện chủ động tham mưu với các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc quy hoạch , bổ sung quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được học tập nâng cao trình độ về mọi mặt; thực hiện sắp xếp bố trí cán bộ nữ vào các vị trí phù hợp với trình độ năng lực. Công tác tuyển dụng cán bộ công chức nữ được quan tâm hơn, đặc biệt là cán bộ trẻ, có trình độ năng lực. Hiện nay, riêng công chức, viên chức là nữ trên địa bàn có 1234/2013 người (đạt tỷ lệ 61,3%), trong đó tập trung chủ yếu ở ngành giáo dục và y tế. Hội LHPN từ huyện đến cơ sở đều được tham gia quản lý Nhà nước theo tinh thần Nghị định 19 của Chính phủ; được đại diện tham gia là thành viên ban chỉ đạo trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hoá xã hội; được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các văn bản, Nghị quyết ở địa phương; được cử là đại diện tham gia là thành viên chính thức trong các hội đồng tư vấn cho các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp. Nhiệm kỳ 2010-2015 tỷ lệ nữ tham gia BCH đảng bộ huyện là 7/39, đạt trên 17%, tăng 6,7% so với nhiệm kỳ trước; cấp xã có 47/249 đạt 18,7%, tăng 3,1% so với nhiệm kỳ trước; nữ đại biểu HĐND cấp huyện 10/37 đạt 27,03%; cấp xã 87/387 đạt 22,42%, tăng 0,7% so với nhiệm kỳ trước. Trong 5 năm đã giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp được 397/763 đảng viên mới. Đội ngũ cán bộ nữ, lãnh đạo nữ trên các lĩnh vực công tác luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đã có những đóng góp xứng đáng vào thành tựu phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh chính trị của huyện.

Nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn hoà nhập cùng sự phát triển  của địa phương và bình đẳng trên mọi phương diện, Hội LHPN huyện đã chủ động phối hợp với các Trung tâm dạy nghề tổ chức 12 lớp sơ cấp nghề cho 650 học viên; tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 500 lao động nữ; tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện gần 49 tỷ đồng cho hơn 2800 hộ gia đình vay phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, huyện Hội đã tổ chức cho hội viên đăng kí gia đình không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội. Xây dựng và duy trì 102 tổ phụ nữ 4 không; 38 CLB gia đình hạnh phúc; 105 nhóm nhỏ cặp vợ chồng thực hiện kế hoạch hoá gia đình; 125 tổ phụ nữ không có người sinh con thứ 3 trở lên; 130 chi hội phụ nữ không có người liên quan đến ma tuý và vi phạm pháp luật, 3 CLB phòng chống buôn bán người; 8 CLB BĐG và PCBLGĐ. Các mô hình lồng ghép trên đã đáp ứng nhu cầu của các thành viên tham gia, góp phần quan trọng vào việc xây dựng khu dân cư văn hoá.

Theo báo Phú Thọ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video