Tình yêu cuộc sống

15/03/2011
Không chỉ dìu dắt bao thế hệ học trò nên người, bằng sự kết nối của mình, cô giáo Lê Thị Chương (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) đã góp công làm “sống” lại nghề mây tre đan ở huyện Thăng Bình.

Tạo đà cho học sinh

Sinh năm 1963, là giáo viên dạy môn Văn của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, cô giáo Lê Thị Chương đã có 25 năm gắn bó với nghiệp trồng người ở vùng đất quê hương. Theo suy nghĩ của cô, điều quan trọng nhất trong giảng dạy là phương pháp truyền đạt kiến thức cho học sinh. “Kiến thức sâu rộng là điều bắt buộc đối với mỗi giáo viên. Trong môn học do mình phụ trách giảng dạy, tôi đã tìm cách lồng ghép hài hòa giữa kiến thức trong sách vở với thực tiễn của cuộc sống mà các em luôn nhận thấy” - cô Chương chia sẻ. Và trong 25 năm ấy, những kiến thức của cô Chương đã thành “bệ phóng” cho bao thế hệ học trò thành đạt.

Tâm niệm “dạy chữ nghĩa là dạy làm người”, trong sự nghiệp trồng người của mình, cô Chương nhấn mạnh yếu tố nhân cách của học sinh. Cô cho biết: “Mỗi cá nhân trong xã hội đều tồn tại trong những mối quan hệ khăng khít. Chính những mối quan hệ ấy đã quyết định bản chất của con người. Bởi vậy, là người giáo viên, mình phải giúp cho học sinh dần ý thức được vai trò xã hội ngay từ khi hãy đang còn ngồi trên ghế nhà trường; làm nổi bật tầm quan trọng của những bài học đạo đức bằng những quan hệ, giao tiếp cụ thể với thầy cô, bạn bè đồng lứa, người xung quanh,... từ đó có thể giúp các em dần hiểu được “vị thế” của mình sau này”. Đồng thời với việc coi trọng hình thành nhân cách, cô Chương cũng đặc biệt nhấn mạnh việc khơi dậy những sở trường, ưu điểm của học sinh. “Tinh thần ham học hỏi, ham tìm kiếm của các em là điều rất đáng quý. Mỗi học sinh, với bản thân giống như một vùng đất màu mỡ chưa được khai phá, là người giáo viên, tôi “tạo đà” khám phá cho các em bằng cách “ươm” vào đó những hạt mầm kiến thức cơ bản. Khi được khơi dậy nghị lực, quyết tâm và tinh thần hiếu học, các em sẽ xác lập được cho mình cái nếp tự học, và tính năng động hiểu biết sau này sẽ được hình thành như vậy” - cô Chương nói.

Tạo sự tự tin cho học sinh bằng hệ thống kiến thức nền vững chắc, với lòng yêu nghề và phương pháp sư phạm khoa học, 12 năm liền cô giáo Lê Thị Chương đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện.

Kết nối phụ nữ

Không chỉ dạy dỗ dìu dắt bao thế hệ học sinh nên người, bằng “kênh” kết nối riêng của mình, cô giáo Lê Thị Chương đã là góp phần quan trọng trong việc phát triển nghề mây tre đan ở Thăng Bình. Được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện, vừa chuẩn bị nguồn nguyên liệu và liên kết với Công ty TNHH Đông Huy để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, vừa liên hệ với những bộ phận chuyên trách kỹ thuật nghề mây tre đan, cô Chương đã mở các lớp đào tạo nghề miễn phí cho nhiều phụ nữ ở các xã Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Chánh, Bình Đào, Bình Quý, Bình Giang và Bình Phục. Cô Chương kể: “Trước đây, trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhiều hộ dân cũng đã tham gia sản xuất mây tre đan nhưng do đầu ra không đảm bảo nên nghề này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Với những tố chất cần cù, khéo léo, sáng tạo cộng thêm lòng yêu thích công việc, rõ ràng nghề mây tre đan rất thích hợp với nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện. Tham gia nghề này, chị em có thể chủ động được thời gian của mình, đây là thuận lợi rất lớn của phụ nữ nông thôn”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho chị em tiếp cận nghề nghiệp và làm việc, bên cạnh sự hướng dẫn của các chuyên gia kỹ thuật, cô Chương luôn đồng hành với chị em trong các tình huống học hỏi nghề nghiệp. “Có những công đoạn khó quá, nếu không tận tình giúp đỡ chị em sẽ nản lòng. Chỗ nào chị em làm sai hoặc làm chưa đẹp, mình phải kiên nhẫn chỉ dẫn” - cô Chương cho biết. Nhận được sự khuyến khích đó, không những thời gian học nghề của chị được rút ngắn mà sản lượng sản phẩm hằng ngày đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Chia sẻ về những kế hoạch đối với nghề mây tre đan trong thời gian đến, cô Chương cho biết: “Sau khi liên kết với Công ty Đông Huy để cung ứng sản phẩm xuất khẩu, nghề mây tre đan ở địa phương đã đảm bảo hơn về thu nhập cho người lao động. Đáp ứng nhu cầu việc làm cho chị em ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện, thời gian đến tôi sẽ cố gắng mở thêm nhiều lớp đào tạo nghề ở các khu vực”.

Nói về những đóng góp thiết thực trong sự nghiệp trồng người và tấm lòng của mình với phụ nữ quê hương qua nghề mây tre đan, cô Lê Thị Chương chỉ mỉm cười: “Tất cả đều là tình yêu cuộc sống. Tình yêu cuộc sống sẽ giúp người ta lớn hơn chính mình”.

Theo baoquangnam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video