Tổ chức Cordaid, Hà Lan hỗ trợ phụ nữ nuôi trồng thuỷ sản

29/09/2008
Là mô hình thành công lồng ghép chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, giới trong thuỷ sản và thành lập câu lạc bộ Vườn-Ao-Chuồng (câu lạc bộ VAC), dự án “Nâng cao năng lực của Hội LHPN Việt Nam và phát triển mô hình hỗ trợ phụ nữ nông thôn nuôi trồng thuỷ sản” do tổ chức CORDAID Hà Lan hỗ trợ từ năm 1996 cho 8 xã thuộc hai tỉnh Nam Định và Vĩnh Phúc và hiện nay được nhân rộng ra 16 xã thuộc 8 huyện của 4 tỉnh Hà Tây, Hải Dương, Thái Bình và Bắc Ninh với kinh phí 85.000 EURO thực hiện trong 2 năm (2006- 2007).

Qua hơn 10 năm thực hiện, dự án đã góp phần cải thiện điều kiện sống và nâng cao địa vị của phụ nữ nghèo nông thôn trên địa bàn dự án thông qua phát triển nuôi trồng thủy sản trong mô hình Vườn-Ao-Chuồng (VAC).

Đến nay, dự án đã hình thành được đội ngũ 40 huấn luyện viên những người được tuyển chọn từ nhóm trực tiếp nuôi trồng thuỷ sản, có kiến thức về VAC và có khả năng truyền đạt để tham gia các khoá đào tạo kiến thức nuôi trồng thủy sản trong mô hình VAC và kỹ năng giảng dạy. Số huấn luyện viên này được tổ chức theo 8 huyện, mỗi huyện một nhóm 5 người (1cán bộ huyện hội và mỗi xã tham gia dự án có 2 người). Sau đó các nhóm huấn luyện viên trở về địa phương phối hợp với Ban Chấp hành hội phụ nữ các xã tiến hành khảo sát để nắm bắt nhu cầu đào tạo; xây dựng các tiêu chí để lựa chọn học viên phù hợp tham gia các lớp tập huấn, có nhu cầu và cam kết tham gia các hoạt động của dự án.

Nhóm huấn luyện viên chủ chốt chủ động xây dựng chương trình, chuẩn bị bài giảng, tổ chức tập giảng, rút kinh nghiệm và lên kế hoạch tổ chức tập huấn tại 2 xã trong huyện. Kết quả tại mỗi xã tham gia dự án đã tổ chức được 1 lớp tập huấn cho 30 phụ nữ. Các học viên được tham gia 3 khoá huấn luyện liên tiếp trong 3 tháng mỗi tháng 5 ngày. Chị em đã được học tập, trao đổi những kiến thức về nuôi trồng thuỷ sản trong mô hình VAC, về khởi sự doanh nghiệp và giới trong nuôi trồng thuỷ sản. Hình thức tổ chức lớp tập huấn với phương pháp huấn luyện cùng tham gia dựa trên kinh nghiệm thực tế của chị em đã mang lại những kết quả tốt trong việc áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất.

Đến nay, tại các xã dự án đã thành lập được 16 Câu lạc bộ VAC với 480 thành viên là những học viên đã được tập huấn. Để đảm bảo tính bền vững của dự án, Ban quản lý dự án đã chú trọng vào xây dựng vàhoàn thiện mô hình dự án và đặc biệt xây dựng mô hình trình diễn, nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ. Tại mỗi xã, dự án lựa chọn 2 hộ gia đình học viên có khả năng vận dụng kiến thức, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thuỷ sản để làm mô hình trình diễn cho các thành viên trong CLB tới học tập. Các gia đình này được dự án hỗ trợ cá giống tốt, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tư vấn và trở thành địa chỉ tin cậy để chị em tới tham quan học hỏi. Bên cạnh đó, dự án cũng đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ và khai thác các cơ hội để cung cấp dịch vụ cho thành viên CLB và cho Ban chủ nhiệm 16 CLB VAC. Sau khoá học, Ban chủ nhiệm CLB đã biết cách khảo sát nhu cầu các thành viên trong CLB để xác định các chủ đề cần sinh hoạt; biết cách tổ chức sinh hoạt, viết tiểu phẩm, trò chơi, đóng vai, lập kế hoạch, đặc biệt là xây dựng chương trình, nội dung phù hợp cho một buổi sinh hoạt CLB VAC v.v… Các CLB đều gây được quỹ để tự duy trì sinh hoạt theo định kỳ. Mạng lưới thông tin về dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản được hình thành tại các địa phương. Do vậy các CLB VAC đã thu hút được nhiều phụ nữ địa phương nuôi trồng thuỷ sản tham gia. Nhiều nơi Hội phụ nữ đã tín chấp cho chị em được vay vốn. Có kiến thức, có vốn chị em đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống gia đình, đặc biệt qua sinh hoạt CLB chị em mở rộng được mối quan hệ giao tiếp trong kinh doanh và trong các hoạt động xã hội.

Thông qua các hoạt động của dự án, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội các cấp được nâng cao, đặc biệt dự án đã xây dựng được mô hình hoạt động hiệu quả CLB VAC lồng ghép chuyển giao khoa học kỹ thuật và tập hợp, thu hút hội viên tham gia hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế địa phương./.

Ban Quan hệ Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video