Tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Báo cáo chính trị của BCHTƯ Đảng khoá IX trình Đại hội X của Đảng

10/02/2006
Thực hiện Chỉ thị 46 của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội X của Đảng, đại hội Đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội, các đồng chí lão thành cách mạng, nhiều cán bộ, đảng viên và cá nhân trong, ngoài nước đã nghiên cứu, góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các bản dự thảo văn kiện trình Đại hội X của Đảng.

Hội nghị lần thứ 13 BCHTƯ vừa qua sau khi xem xét, chọn lọc tiếp thu các ý kiến đóng góp, đã quyết định công bố toàn văn bản dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội X để lấy ý kiến nhân dân. Ban Bí thư đã ban hành hướng dẫn số 02-HD/TW về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Báo cáo chính trị.

Theo đó, nội dung chính của việc lấy ý kiến như sau:


Có thể góp ý kiến vào toàn bộ nội dung hoặc một số phần của Báo cáo chính trị hay một vấn đề nào am hiểu sâu sắc nhất, liên quan nhiều nhất tới địa phương, đơn vị của mình; đề nghị tập trung vào các vấn đề lớn sau đây:


- Về chủ đề của đại hội: Trung ương xác định chủ đề của đại hội và cũng là tiêu đề của Báo cáo chính trị là "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển".


- Kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng.


Tập trung làm sáng tỏ cả thành tựu và yếu kém, khuyết điểm, nguyên nhân của tình hình, nhất là nguyên nhân của những mặt yếu kém, khuyết điểm.


- Đánh giá khái quát 20 năm đổi mới:


Đề nghị góp ý kiến về những nhận định "với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử"; nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; về 5 bài học lớn rút ra sau 20 năm đổi mới.


- Về mục tiêu và phương hướng phát triển đất nước 5 năm tới:


Tập trung vào các vấn đề: Về dự báo tình hình những năm sắp tới; phân tích thời cơ, thuận lợi, nguy cơ và thách thức đối với sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.


Về mục tiêu tăng trưởng GDP trong 5 năm 2006 - 2010, dự thảo báo cáo nêu: Mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5% - 8%/năm và phấn đấu đạt trên 8%/năm; về các mục tiêu cơ bản khác.


- Về phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa:


Tập trung vào các vấn đề: Quan điểm, nội dung cơ bản, giải pháp để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta; nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý của Nhà nước; phát triển đồng bộ và quản lý có hiệu quả các loại thị trường cơ bản, theo cơ chế cạnh tranh lành mạnh; phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp Việt Nam.

- Về đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với từng bước phát triển kinh tế tri thức:

Tập trung vào các vấn đề: Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn; phát triển công nghiệp và xây dựng, kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế các vùng, kinh tế biển; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất lao động xã hội; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ tài nguyên và cải thiện môi trường sinh thái.


- Về chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế:


Tập trung làm rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc trong đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.


- Về nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực:


Tập trung vào các vấn đề: Quan điểm và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ để thực sự là quốc sách hàng đầu; phương hướng, biện pháp xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá.


- Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển:


Tập trung vào các vấn đề: Quan điểm, giải pháp khuyến khích, tạo điều kiện để mọi người dân làm giàu theo luật pháp; xây dựng chính sách, bảo đảm dịch vụ công cộng thiết yếu, bình đẳng cho mọi người dân; xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khoẻ, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi; đổi mới cơ chế quản lý và phương thức cung ứng các dịch vụ công cộng; khắc phục tai nạn, tệ nạn xã hội.


- Phát triển văn hoá để thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội:

Tập trung vào các vấn đề: Về xây dựng và hoàn thiện giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm tự do, dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật; đổi mới nội dung và phương thức quản lý của Nhà nước về văn hoá; gắn kết đồng bộ và chặt chẽ giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với văn hoá; huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển văn hoá.


- Tăng cường quốc phòng và an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


- Mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững môi trường hoà bình vì sự phát triển của đất nước.


- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, phát triển hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.


Tập trung kiến nghị nội dung các chính sách cụ thể đối với các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các tầng lớp xã hội; giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các đoàn thể;...


- Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa:


Tập trung vào các chủ trương, giải pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.


- Đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng:

Tập trung đề xuất các giải pháp xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, công tác tổ chức, cán bộ và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng; mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, các biện pháp cụ thể để nhân dân tham gia có hiệu quả vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Theo ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video