Tổ phụ nữ nuôi tằm đảm đang

05/06/2017
Câu tục ngữ “Nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” cho thấy sự vất vả, nhọc nhằn của nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, đây lại là một nghề truyền thống của huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương và lao động chủ yếu bên những ruộng dâu, nong tằm là những người phụ nữ. Chính bởi công việc bận rộn nên chị em ít có thời gian tham gia sinh hoạt Hội. Nhận thấy rõ khó khăn này, nhằm xây dựng những mô hình đặc thù thu hút phụ nữ ở địa phương, Hội LHPN xã Nam Hưng đã chọn chi hội phụ nữ thôn Trần Xá thành lập mô hình “Tổ phụ nữ nuôi tằm đảm đang”.

Mô hình với mục đích tập hợp liên kết những phụ nữ trồng dâu, nuôi tằm để hỗ trợ chị em duy trì, phát triển nghề truyền thống, cải thiện nâng cao thu nhập đồng thời qua đó vận động chị em tham gia tổ chức Hội. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động đã có 30 thành viên tham gia mô hình.

Gắn với cuộc vận động phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, “Tổ phụ nữ nuôi tằm đảm đang” đã bàn bạc, lựa chọn tập trung tuyên truyền, vận động thành viên rèn luyện phẩm chất Tự tin và Đảm đang bởi “Đảm đang” là phẩm chất nổi bật của những người phụ nữ sớm hôm tảo tần chăm sóc cây dâu, lứa tằm, chăm sóc gia đình; cùng với mong muốn các thành viên đều “Tự tin” mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Ban điều hành mô hình đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổ chức cho 20 thành viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm về trồng dâu, nuôi tằm tại Trung tâm Dâu tằm tơ Trung ương, cử 4 chị tham quan học tập mô hình trồng dâu mới và nuôi tằm trên nền nhà ở tỉnh Yên Bái (thay cho cách nuôi tằm bằng nong truyền thống trước đây). Mô hình nuôi tằm mới này vừa tiết kiệm thời gian, lại giảm được chi phí mua nong, giảm bớt công lao động mà vẫn không ảnh hưởng gì đến con tằm. Không dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động các thành viên mô hình thay đổi cách nuôi tằm truyền thống, Ban điều hành đã liên kết với Trung tâm ứng dụng khoa học thuộc Sở khoa học và Công nghệ Hải Dương làm trung gian thực hiện Đề án trồng giống dâu mới VH15, VH17 thay thế giống dâu cũ của địa phương. Đặc điểm của giống dâu mới lá to, dày, hàm lượng chất dinh dưỡng cao, năng suất đạt 150% so với giống dâu cũ, giảm chi phí công thu hoạch lá tới 50%.

Chị Nguyễn Thị Sắc ở đội 1 là một trong những hội viên đầu tiên tham gia sinh hoạt khi “Tổ phụ nữ nuôi tằm đảm đang” mới được thành lập phấn khởi cho biết: trên cùng một diện tích sản xuất của gia đình, sau gần 2 năm trồng giống dâu mới gia đình chị Sắc thu lãi hơn trước gần chục triệu đồng/năm. Cũng như chị Sắc, chị Thịnh, một thành viên khác chia sẻ thêm: nhờ ưu điểm của giống dâu mới, chị đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và công sức, do đó chị đã nuôi thêm được 1 lứa tằm, gia đình chị Thịnh thu về khoảng 35 triệu đồng tiền lãi, tăng khoảng 8 triệu đồng.

Việc tiêu thụ sản phẩm là một nỗi trăn trở của Ban điều hành mô hình. Không trông chờ vào sự may rủi của thị trường, Ban điều hành đã dành nhiều thời gian, công sức đi đến các vùng phát triển nghề ươm tơ như: Cổ Chất – Vũ Thư – Thái Bình, Nguyệt Vọng – Bắc Ninh, làng lụa Vạn Phúc – Hà Tây để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm kén và nhộng tằm để đảm bảo đầu ra cho các thành viên trong mô hình và nhân dân trong xã. Hiện sản phẩm kén tằm của các thành viên trong tổ đã và đang xuất bán cho các xưởng ươm tơ các tỉnh như: Thái Bình, Bắc Ninh và Nam Hà... Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm trung bình đạt 7 triệu đồng/sào/năm (gấp 5,6 lần trồng lúa)

Để các thành viên có thể tham gia mô hình một cách hiệu quả nhất, Ban điều hành rất linh loạt trong việc bố trí thời gian, địa điểm cũng như nội dung sinh hoạt. Có khi là buổi tối, ở nhà văn hóa thôn, nhiều lúc lại được diễn ra ở ngay những bãi dâu hay bên những con tằm. Các chị em có kinh nghiệm chia sẻ cho những người mới áp dụng. Ngoài  việc trồng dâu, nuôi tằm, các chị cũng thường xuyên trao đổi, hướng dẫn nhau cách thu xếp để cân bằng giữa công việc trồng dâu, nuôi tằm bận rộn với việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con; cách khéo léo phân công, huy động mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia hoạt động phát triển kinh tế và làm việc nhà..., tạo nên sự gắn kết, sẻ chia trong mỗi gia đình. Các thành viên còn góp quỹ tạo điều kiện cho một chị có hoàn cảnh khó khăn vay 4 triệu đồng để sản xuất, thường xuyên thăm hỏi thành viên khi ốm đau…

Sau 3 năm hoạt động, thành viên của mô hình đã tăng lên con số 50. Các hoạt động của mô hình không chỉ hỗ trợ các thành viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mà còn tích cực hỗ trợ chị em phát huy bản tính cần cù, chịu thương chịu khó, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, tích cực học hỏi, tự tin áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn trồng giống dâu mới và áp dụng thành công phương pháp nuôi tằm mới, giữ vững và phát triển nghề truyền thống của địa phương. Mô hình“Tổ phụ nữ nuôi tằm đảm đang” đã thực sự khẳng định được hiệu quả rõ nét, đáp ứng yêu cầu thu hút tập hợp hội viên vào tổ chức Hội trong giai đoạn hiện nay theo hướng tích hợp nhiều nội dung phù hợp vào một mô hình để tăng hiệu quả hoạt động.

Hội LHPN huyện Nam Sách, Hải Dương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video