Tờ trình Quốc hội về dự án Luật Bình đẳng giới

31/05/2006
Sáng 31/5/2006, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, đồng chí Hà Thị Khiết, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Trưởng ban soạn thảo Luật Bình đẳng giới đã trình bày tờ trình Dự án Luật Bình đẳng giới. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu với độc giả nội dung tờ trình

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các vị khách quý !

Thay mặt Ban Soạn thảo, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam, tôi xin đọc Tờ trình Quốc Hội “Về dự án Luật Bình đẳng giới”.

 

Thực hiện các Nghị quyết số 21/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá XI, Nghị quyết số 49/2005/QH11 ngày 19 tháng 11 năm 2005 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006 của Quốc hội, Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (BCH TW Hội) đã thành lập Ban Soạn thảo gồm đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Toà án Nhân dân Tối cao, Ban Công tác lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam.

 

Để phục vụ việc soạn thảo Dự án Luật, Ban Soạn thảo, BCH TW Hội đã tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bình đẳng giới; đánh giá thực trạng bình đẳng giới tại 11 tỉnh, thành phố; xin ý kiến các Bộ, ngành, cơ quan TW; Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 64 Hội LHPN các tỉnh, thành phố trực thuộc TW và 3 đơn vị trực thuộc (Ban Nữ công, Ban Công tác phụ nữ Quân đội và Ban Công tác phụ nữ Công an). Dự thảo cũng đã được nhiều Đoàn Đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội; các nhà quản lý, lãnh đạo, các nhà khoa học, các chuyên gia; những người sử dụng lao động, người lao động đóng góp ý kiến. Tổng số đã có hơn 1.300.000 lượt ý kiến đóng góp. Dự án Luật đã tham khảo pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ của hơn 10 nước, ý kiến các chuyên gia quốc tế về bình đẳng giới. Tiếp thu ý kiến của Chính phủ tại văn bản số 17/CP- XDPL ngày 22/2/2006 về việc tham gia ý kiến về Dự án Luật Bình đẳng giới; ý kiến thẩm định sơ bộ của Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội và ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 38 ngày 30/3/2006; Ban Soạn thảo và BCH TW Hội đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện Dự án Luật Bình đẳng giới kính trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

 

I. Sự cần thiết ban hành Luật Bình đẳng giới: ( Các nội dung chi tiết xin đại biểu tự nghiên cứu)

 

1. Ban hành Luật Bình đẳng giới để tiếp tục thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

 

2. Ban hành Luật Bình đẳng giới nhằm khắc phục tình trạng phân biệt đối xử về giới và những khoảng cách giới trong thực tế.

 

3. Ban hành Luật Bình đẳng giới góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, khắc phục tình trạng chưa thực hiện nghiêm các quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 

4. Việc ban hành Luật Bình đẳng giới là sự tiếp tục khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, hội nhập khu vực và quốc tế.

 

Tóm lại, việc ban hành Luật Bình đẳng giới là cần thiết, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về thực hiện mục tiêu vì sự bình đẳng và phát triển của phụ nữ Việt Nam, góp phần tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò, khả năng của cả nam và nữ trong việc thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

 

II. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Bình đẳng giới:

 

1. Thể chế hoá quan điểm của Đảng nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X và tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ và phát huy nguồn lực con người, tạo cơ hội và điều kiện cho cả nam và nữ cùng tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước và hưởng lợi từ các thành quả của sự phát triển;

 

2. Cụ thể hoá nguyên tắc Hiến định về bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực;

 

3. Rà soát và pháp điển hoá các quy định của pháp luật hiện hành về bình đẳng giới; xác định rõ vị trí của Luật bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật;

 

4. Xác định rõ nguyên tắc bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân làm căn cứ và cơ sở cho việc xây dựng pháp luật và thực hiện bình đẳng giới.

 

5. Nội luật hoá những quy định phù hợp trong các Công ­ước Quốc tế về quyền con người, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của nước ngoài.

 

III. Bố cục và nội dung của dự thảo Luật:

 

Dự thảo Luật Bình đẳng giới gồm 5 chương, 36 điều với nội dung cơ bản như sau:

 

1. Chương I: Những quy định chung gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9)


2. Chương II: Bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình
gồm 7 điều (từ Điều 10 đến Điều 16)


3. Chương III: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia
đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới gồm 14 điều (từĐiều 17 đến Điều 30)


4. Chương IV: Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới
gồm 4 điều (từ Điều 31 đến Điều 34)


5. Chương V: Điều khoản thi hành
gồm 2 điều (Điều 35 và Điều 36)

(Các nội dung chi tiết xin đại biểu tự nghiên cứu)


IV. Một số vấn đề xin ý kiến

 

1. Về tên gọi của Luật:


- Đa số ý kiến nhất trí với tên gọi của luật là Luật Bình đẳng giới


- Một số ý kiến đề nghị nên lấy tên gọi của luật là Luật Bình đẳng nam, nữ


Sau khi cân nhắc, tham khảo kinh nghiệm của một số nước, đặc biệt là căn cứ vào các văn kiện của Đảng, các văn bản Nhà nước, Nghị quyết của Quốc hội khoá XI về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các văn kiện quốc tế, Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ... Ban Soạn thảo, BCH TW Hội thấy rằng tên gọi là Luật Bình đẳng giới như trong dự thảo Luật là hợp lý.


2. Về tuổi nghỉ hưu của người lao động (khoản 3 Điều 11)

 

Có 2 loại ý kiến khác nhau:


- Loại ý kiến thứ nhất:
đề nghị Luật Bình đẳng giới nên quy định tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam, nữ như nhau. Đối với nữ cán bộ, công chức và người lao động, nếu có nguyện vọng, được nghỉ sớm từ 1 đến 5 năm không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Tuổi nghỉ hưu trong một số ngành nghề đặc thù do Chính phủ quy định.


- Loại ý kiến thứ hai:
đề nghị tuổi nghỉ hưu của một số nữ cán bộ, công chức như nam giới. Đối tượng cụ thể do Chính phủ quy định.

 

Về vấn đề tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến Ban Soạn thảo, BCH TW Hội tán thành với loại ý kiến thứ nhất vì: Dự thảo Luật quy định nguyên tắc tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức và người lao động nam, nữ như nhau là khẳng định công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt, có quyền được lao động, quyền được làm việc theo quy định tại Điều 63, Điều 55 Hiến pháp 1992 và Điều 5, Bộ luật Lao động đồng thời cũng là nhằm mục đích huy động những người lao động nữ có sức khoẻ, trí tuệ tiếp tục được cống hiến, đóng góp nhiều hơn cho Quỹ bảo hiểm xã hội. Mặt khác, theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, người lao động chỉ được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng khi hội đủ 2 điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Vì vậy, việc quy định như trong dự thảo Luật cũng chính là tạo cơ hội bình đẳng cho một bộ phận người lao động nữ đã đủ tuổi đời nghỉ hưu nhưng còn thiếu từ 1 đến 5 năm đóng bảo hiểm xã hội được tiếp tục làm việc để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Bên cạnh đó, nhiều quy định khác như tuyển dụng, quy hoạch, vay vốn, đề bạt, cử đi đào tạo...đều dựa trên cơ sở quy định tuổi nghỉ hưu hiện hành nghĩa là tuổi của nữ thấp hơn nam 5 tuổi đã hạn chế cơ hội của phụ nữ.

 

Nhằm thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện để người lao động nữ chủ động, lựa chọn thời gian nghỉ hưu phù hợp, Dự thảo Luật cũng quy định nếu nữ cán bộ, công chức và người lao động vì điều kiện, hoàn cảnh khác nhau có thể nghỉ sớm từ 1 đến 5 năm không bị trừ phần trăm lương hưu do nghỉ trước tuổi. Như vậy, ở những ngành, nghề, lĩnh vực quy định tuổi đời nghỉ hưu là 60 tuổi thì nữ cán bộ, công chức và người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi 55, 56...; còn với những lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại hoặc nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên, tuổi nghỉ hưu quy định là 55 tuổi thì người lao động nữ vẫn có quyền nghỉ hưu ở độ tuổi 50. Tuổi đời được hưởng chế độ hưu trí của một số trường hợp đặc biệt khác vẫn do Chính phủ quy định.


 
Thực hiện được như trên cũng là thể hiện sự tiếp thu khuyến nghị của Uỷ ban CEDAW (Liên hợp quốc) năm 2001 đối với Việt Nam: “cần xem xét các điều khoản pháp luật hiện hành liên quan tới tuổi nghỉ hưu của phụ nữ và nam giới với quan điểm bảo đảm rằng phụ nữ được tiếp tục tham gia lao động sản xuất trên cơ sở bình đẳng với nam giới”.

 

3. Về trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới (Điều 7)

 

Hầu hết ý kiến đề nghị cần phải có quản lý Nhà nước về bình đẳng giới nhưng không thành lập thêm cơ quan mới. Vấn đề này có 2 loại ý kiến như sau:

 

- Loại ý kiến thứ nhất: đề nghị giao chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam hoặc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em được thể hiện ở phương án 1, Điều 7 của Dự thảo Luật.

 

- Loại ý kiến thứ hai: đề nghị việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới do Chính phủ thống nhất quản lý; các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấpthực hiện chức năng quản lý nhà nước theo sự phân công, phân cấp của Chính phủ. Được thể hiện ở phương án 2, Điều 7 của Dự thảo Luật.


Ban Soạn thảo, BCH TW Hội nhận thấy để bảo đảm phù hợp với chủ trương cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy Nhà nước thì trong dự thảo Luật không nên quy định một cơ quan chuyên trách về bình đẳng giới. Việc quản lý nhà nước về bình đẳng giới thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo sự phân công của Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp theo sự phân cấp của Chính phủ. Trong thực tế, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo lồng ghép giới trong các Chiến lược, chương trình... của Chính phủ. Hơn nữa, do đặc thù ở Việt Nam bên cạnh các cơ quan nhà nước còn có Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội có nhiệm vụ tập hợp các tầng lớp phụ nữ, đoàn kết, vận động, giáo dục thuyết phục, tổ chức, hướng dẫn phụ nữ; đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ, được tham gia quản lý Nhà nước.

Tiếp thu các ý kiến, Ban Soạn thảo, BCH TW Hội thể hiện tại Điều 7 theo 2 phương án, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

 

4. Về quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia quản lý, lãnh đạo (điểm a, khoản 1, Điều 18)

 

Có 2 loại ý kiến:


- Loại ý kiến thứ nhất:
đề nghị Luật Bình đẳng giới chỉ nên đề ra nguyên tắc phải quy định về tỷ lệ nam hoặc nữ trong danh sách giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, trong các cơ quan quản lý, lãnh đạo.


- Loại ý kiến thứ hai:
đề nghị Luật Bình đẳng giới cần quy định cụ thể tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo.


Cả 2 phương án đã được thiết kế trong điểm a, khoản 1, Điều 18 của Dự thảo Luật.


Ban Soạn thảo, BCH TW Hộinhận thấy việc quy định cụ thể tỷ lệ nữ tham gia Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo là cần thiết, coi đó là giải pháp tích cực thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Nhưng với điều kiện hiện nay, Luật chỉ nên quy định nguyên tắc là có tỷ lệ nam, nữ, cụ thể do Uỷ ban Thường vụ Quốc Hội, Chính phủ quy định.

 

Kính thưa Quốc Hội !

 

Để tăng cường bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các hoạt động quản lý nhà nước và xã hội, thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thày đầu tiên của con người, Ban Soạn thảo và Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam trân trọng báo cáo và kính trình Quốc hội xem xét, quyết định về dự án Luật Bình đẳng giới.

 

Xin trân trọng cảm ơn !

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video