Tỏa sáng mô hình giúp học sinh dân tộc thiểu số học hiệu quả

01/11/2019
Cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên Tiếng Anh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Báng số 1 (Trường TH Mường Báng 1) nỗ lực không ngừng để tìm ra phương pháp mới, giúp học sinh có môi trường giao tiếp hiệu quả.

Sau thời gian nỗ lực thay đổi phương pháp dạy học, học sinh dân tộc thiểu số đã tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ. Ảnh: T.G

Sau thời gian nỗ lực thay đổi phương pháp dạy học, học sinh dân tộc thiểu số đã tự tin giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Ở vùng cao nghèo như huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, đọc thông viết thạo tiếng Việt đã là “ngoại ngữ” với HS dân tộc nên việc học tiếng Anh còn khó khăn hơn. Từ thực tế trên, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên Tiếng Anh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Mường Báng số 1 (Trường TH Mường Báng 1) nỗ lực không ngừng để tìm ra phương pháp mới, giúp học sinh có môi trường giao tiếp hiệu quả.

Khi tiếng Việt là ngoại ngữ

Công tác tại Trường TH Mường Báng 1, xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa nhiều năm, cô giáo Nguyễn Thị Vân Anh nhận thấy rào cản lớn nhất là sự bất đồng về ngôn ngữ giữa giáo viên (người Kinh) và học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Thái. Đối với các em, ngoài học tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt đã là “ngoại ngữ”, đằng này các em lại học thêm cả tiếng Anh. Bên cạnh đó, đa số phụ huynh là gia đình nghèo, việc quan tâm, chăm sóc và ưu tiên cho sự học của con em mình còn hạn chế.

“Đa số học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, nhiều em còn gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt phần nào ảnh hưởng tới việc tiếp thu và kết quả học tập môn Tiếng Anh. Bên cạnh đó, ý thức học tập môn Tiếng Anh của nhiều học sinh chưa cao, nhất là ở cấp tiểu học do các em chưa ý thức được vai trò của ngoại ngữ trong học tập và công việc sau này. Phần lớn HS có tâm lý học để qua được các kỳ thi, chưa chú ý học, luyện tập để phát triển khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ”, cô Vân Anh chia sẻ.

Theo cô giáo Vân Anh, trang thiết bị dạy học của nhà trường còn nhiều hạn chế. Trường TH Mường Báng 1 vẫn chưa có phòng chức năng dành riêng cho môn Tiếng Anh, cho nên việc dạy phát âm cho các em vô cùng khó khăn. Việc mua sắm trang thiết bị gia đình phục vụ công việc tự học tiếng Anh tại gia đình của các em hầu như không có.

“Tôi thường xuyên phổ biến cho các em hiểu về tầm quan trọng của ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong những tiết dạy của mình, đặc biệt là phần mềm “sachmem.vn” được sử dụng triệt để. Từ đó, xây dựng được cây từ vựng theo chủ điểm đối với tất cả các lớp mà mình trực tiếp giảng dạy; trực tiếp ghi những từ vựng mà các em được học trong “unit” đó và dán lên cây từ vựng để mỗi lần vào lớp hay nhìn lên tường các em có thể nhớ lại từ và ghi nhớ từ được lâu hơn” - Cô Vân Anh chia sẻ

Từ thực tế trên, cô Vân Anh đã cố gắng học hỏi, trau dồi phương pháp cũng như bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ từ bạn bè đồng nghiệp, những diễn đàn, bài giảng trên mạng xã hội, YouTube… để đem cái mới, cái hay về cho HS.

“Trong lớp học tôi cũng xây dựng các biển, khẩu hiệu song ngữ cùng với giáo viên chủ nhiệm ví dụ như: Thời khóa biểu (time table), Góc thư viện (library), Sách tham khảo (Reference’s book), Truyện đọc (stories)….”, cô Vân Anh cho biết thêm.

Ngoài ra, cô còn đặc biệt quan tâm đến tiếng Anh giao tiếp, dạy HS của mình những câu giao tiếp thông thường. Để có môi trường giao tiếp hiệu quả, cô Vân Anh đã thành lập câu lạc bộ tiếng Anh cho các em tham gia; Xây dựng kế hoạch, chủ đề cụ thể từng tuần, từng tháng. Các em hoạt động, sinh hoạt hai lần vào thứ 4 của tuần thứ 2 và tuần thứ 4 của tháng. Học sinh được vui chơi và học tập, được luyện tập nâng cao kỹ năng giao tiếp. Với các em chưa hoàn thành, cô lập danh sách riêng để có kế hoạch phụ đạo cụ thể.

Cô đổi... trò thay!

Sau mỗi ngày được phổ biến, tuyên truyền, đa số học sinh đều có ý thức học tập hơn. Các em chủ động chuẩn bị bài trước khi đến lớp, tìm từ vựng, ghi nhớ từ vựng đã học và vận dụng được mẫu câu đã học. “Có lần tôi vô tình đi qua phòng nội trú, thấy các em dán những mẩu giấy nhỏ được ghi từ vựng trên tường, hay ở giường ngủ của mình để học. Tôi vui lắm vì với cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy đã giúp học sinh của mình thay đổi cách nghĩ, cách làm”, cô Vân Anh vui vẻ tâm sự.

Kết quả khảo sát ngẫu nhiên tại 4 lớp với 109 học sinh lớp 5 thời điểm đầu năm học 2018 – 2019 cho thấy, có 11% học sinh có kỹ năng phát âm tốt; 71% phát âm khá và 17% chưa biết và chưa phát âm chuẩn. Tuy nhiên, đến tháng 5/2019, đã có 22% học sinh phát âm tốt; 76% phát âm khá và chỉ còn khoảng 2% chưa biết phát âm.

Có lẽ, những con số “biết nói” kia, cô Vân Anh cùng tập thể nhà trường hạnh phúc hơn ai hết sau bao nỗ lực đổi mới. Không khí lớp học cũng sôi động hơn trước khi có sự tương tác qua lại giữa cô và trò. Các em học sinh hăng hái hơn khi tham gia các cuộc thi về tiếng Anh, say mê rèn âm, luyện chữ và đặc biệt có ý thức tự chuẩn bị “hành trang” cho mình khi mỗi bản làng vùng cao đang nỗ lực chung tay cùng đất nước “cất cánh”, hội nhập trong tương lai.

“Qua hoạt động dự giờ, thăm lớp, tôi thấy trong giao tiếp, đa số các em học sinh không còn e dè, thiếu tự tin khi đến giờ học tiếng Anh nữa. Các em hứng thú hơn với môn học, nhất là được chơi các trò chơi. Khi gặp giáo viên, các em biết cách chào hỏi những câu đơn giản, biết đọc, hiểu và thuộc được những khẩu hiệu song ngữ trong và ngoài lớp học” - Cô Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH Mường Báng 1 nhận xét.

giaoducthoidai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video