Tỏa sáng tài năng phụ nữ trong thời kỳ đổi mới

29/10/2007
Mọi thành tựu, mọi tiến bộ của Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới đều có đóng góp của phụ nữ. Với bản lĩnh, trí tuệ, sự năng động, thông minh và sáng tạo, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ tài năng, sức mạnh của mình trên tất cả các lĩnh vực. Ở đâu, trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng có đóng góp của phụ nữ, cũng xuất hiện những gương mặt phụ nữ tiêu biểu...

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, phụ nữ Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ vươn lên làm chủ và có những đóng góp xứng đáng trong công cuộc giải phóng đất nước. Các phong trào Ba đảm đang, Phụ nữ “5 tốt”, đội quân tóc dài... đã để lại những dấu ấn khó có thể phai mờ trong lịch sử, làm rạng danh thêm lịch sử anh hùng của đất nước, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ”.         

Phát huy truyền thống cách mạng tốt đẹp, bước vào thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam đã phát huy tài năng, trí tuệ, đạt nhiều thành tích trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thực tiễn từ phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều những nhân tố mới, những tấm gương điển hình tiên tiến trong các tầng lớp phụ nữ. Nhiều chị đã được Đảng, Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như: Nhà giáo Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú,  Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Chiến sĩ Thi đua toàn quốc... Gần 300 điển hình phụ nữ tài năng được Tổng LĐLĐ Việt Nam và T.Ư Hội LHPN Việt Nam tôn vinh tại Hội nghị Phụ nữ Tài năng toàn quốc thời kỳ đổi mới vừa qua đã và đang làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang, hào hùng của phụ nữ Việt Nam từ thời Bà Trưng, Bà Triệu.

Trong những năm qua, nông thôn Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, một phần có sự góp sức của những người phụ nữ- nông dân (chiếm hơn 70% lực lượng lao động). Có những phụ nữ cả cuộc đời chỉ gắn bó với đồng ruộng nhưng lại được biết đến như những người chiến sĩ trên mặt trận chống đói nghèo. Đó là chị Hoàng Thị Mái, dân tộc Mông ở tỉnh Điện Biên, đại biểu đại diện cho VN tham dự Hội nghị “Thế giới không có người nghèo” do Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức tại Mỹ. Ở mảnh đất Tiền Giang, chị Phan Thị Xuân Mai được Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) chọn là “Người phụ nữ nông dân xuất sắc nhất khu vực châu A”...

Doanh nghiệp nữ Việt Nam cũng đã phát triển nhanh chóng. Sự đóng góp của đội ngũ nữ doanh nhân trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh không chỉ mang lại giá trị sản phẩm hàng hóa, hiệu quả kinh tế cho quê hương, đất nước mà còn có ý nghĩa quan trọng, khẳng định vị thế của phụ nữ, góp phần thực hiện thắng lợi đường lối phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong thời kỳ đổi mới. Nhiều chị em đã vinh dự được nhận giải thưởng “Sao vàng đất Việt”, “Bông hồng Vàng” như: chị Nguyễn Thị Cải, Tổng giám đốc Cty CP Thương mại Thái Hưng (Thái Bình); chị Giáp Thị Thiện, Giám đốc Cty TNHH Thiết Thiện (Bắc Giang); chị Phạm Thị Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn đầu tư và thương mại Việt Á. Đặc biệt, nhiều doanh nhân nữ tài năng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới như chị Nguyễn Thị Hoa Lệ, Giám đốc Công ty Du lịch Hoà Bình; chị Trần Ngọc Sương, Giám đốc Nông trường Sông Hậu... Với phương châm 4T “ Tài-Tâm-Tín-Tình cảm” và với phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, những nữ doanh nhân Việt Nam sẽ luôn vượt qua những khó khăn thách thức trên thương trường để tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc gia trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hoà chung với phụ nữ cả nước, với truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, của bà Triệu anh hùng, phụ nữ Thanh Hóa đã và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới. Hàng năm, cả tỉnh có từ 200-400 cán bộ, công chức nữ tham gia học trung cấp, cao cấp lý luận, quản lý Nhà nước; gần 150 chị đang theo học thạc sĩ, tiến sĩ; nhiều chị phấn đấu có 2 bằng đại học chuyên môn và cử nhân, cao cấp lý luận chính trị; thường xuyên có khoảng trên 30% cán bộ, công chức nữ tham gia các lớp đào tạo tin học, ngoại ngữ, quản lý. Đến nay, cả tỉnh có 9 nữ tiến sĩ, trên 150 nữ thạc sĩ, gần 20.000 nữ có trình độ cao đẳng, đại học. Trong phong trào thi đua “giỏi việc nước, đảm việc nhà” chị em luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thi đua bảo đảm ngày công, sản xuất giỏi, tích cực nghiên cứu, cải tiến quy trình công nghệ, tăng năng suất và chất lượng, góp phần tạo ra các sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Ở lực lượng quản lý, kinh doanh, chị em đã năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, điều hành sản xuất, hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đội ngũ nữ doanh nhân trong tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hoá đã có hơn 300 doanh nghiệp, công ty do nữ giới làm chủ. Nhiều chị đã trở thành những điển hình tiên tiến, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen như chị Lương Thị Lài, Giám đốc Công ty TNHH Minh Quang có trên 50 lao động với mức lương bình quân 1,2 triệuđồng/người/tháng. Chị Trịnh Thị Phương Loan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ,  Thanh Hóa Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Ăn uống Dạ Lan, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Công ty Dạ Lan có doanh thu mỗi năm từ 14 đến 15 tỷ đồng. Năm 2005, chị được bình chọn là một trong 21 nữ doanh nhân tiêu biểu trong toàn quốc được nhận danh hiệu “Bông hồng Vàng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Chị Trần Thị Mơ, Phó giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Hoàng Long (xã Đông Tân, huyện Đông Sơn), được Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam trao tặng giải Bông hồng Vàng, năm 2006. Chị Trịnh Thị Ngọc, Phó giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen...

Xã hội Việt Nam đang biến đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp và xã hội tri thức. Nhờ thông tin điện tử, thương mại điện tử, nền kinh tế của từng nước đang vượt giới hạn quốc gia và hình thành hệ thống kinh tế toàn cầu. Những ngành đông lao động nữ như nông nghiệp, thủy hải sản, công nghiệp may mặc, dịch vụ... đang từng bước  đi vào hệ thống kinh tế quốc tế. Đối với người phụ nữ, nhiều cơ hội mới đang mở ra cho sự phát triển của chị em, vì khoa học phục vụ họ, tạo cho họ nhiều việc làm phù hợp, có năng suất cao, từ đó nâng cao vị thế của họ. Thế giới đã đưa ra nhận xét rằng: “Nam giới đại diện cho thời đại công nghiệp, nữ giới đại diện cho thời đại thông tin”.

Dự kiến nói trên chỉ trở thành sự thật khi người phụ nữ Việt Nam đạt chuẩn mực người phụ nữ thời đại mới, có chất lượng trí tuệ cao, có kỹ năng lao động giỏi, có nhân cách và đạo đức tốt. Với những mục tiêu đạt chuẩn mực: “Người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”.

Sự hình thành chuẩn mực nói trên là sự kết hợp giữa những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai, cùng với việc phát huy những giá trị tư tưởng, tinh hoa tốt đẹp của thời đại mới.

Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ X diễn ra đầu tháng 10 vừa qua tại Thủ đô Hà Nội đã đề ra khẩu hiệu hành động: “Phụ nữ Việt Nam đoàn kết, sáng tạo, bình đẳng, phát triển, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước”. Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, với tinh thần yêu nước và quyết tâm phấn đấu vươn lên của các thế hệ phụ nữ, trong giai đoạn cách mạng mới, phụ nữ cả nước nói chung, phụ nữ Thanh Hoá nói riêng sẽ có những đóng góp to lớn hơn nữa, toả sáng hơn nữa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hiền Hoà
báo Thanh Hoá

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video