Tôi chưa gặp ở đâu không khí đầm ấm, thân thiện như thế ...

08/12/2011
Đó là lời nhận xét của ông Jadashi Yashuda chuyên gia người Nhật, đại diện UNICEF khi tham dự buổi truyền thông “Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS” do Mái ấm tình thân (dự án được triển khai bởi Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc SKSS (WARC), Hội LHPN Việt Nam) tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Unilever Việt Nam.

Diễn ra vào đúng ngày Mái ấm đón nhận gần chục bà mẹ cùng các con, những người có H và ảnh hưởng bởi H lên Hà Nội để tiếp cận các dịch vụ y tế và nhận những món quà hỗ trợ từ Uinlever thông qua Mái ấm, buổi truyền thông trở nên có ý nghĩa lạ thường.

Không cầu kỳ, phô trương, buổi truyền thông diễn ra ngay trong một căn phòng nhỏ bé, đơn sơ của Mái ấm. Đảm nhiệm dẫn chương trình chính là hai nhân viên tình nguyện ở đây. Người tham gia ngoài “chủ nhà” là Giám đốc dự án- BS Nguyễn Thị Hòa Bình; bác sỹ Trịnh Thị Huệ, về phía khách mời có ông Jadashi Yashuda chuyên gia người Nhật, đại diện UNICEF và các bạn sinh viên đến từ Trung tâm dạy nghề của Hội LHPN TP Hà Nội và một số trường đại học trên địa bàn.

Gọi là “Buổi truyền thông” nhưng nó diễn ra giống như một cuộc trò chuyện tâm tình và cởi mở. Không có tham luận, không có bài phát biểu, sự phân tích sâu xa của các chuyên gia, chỉ có những câu chuyện, sự sẻ chia xoay quanh về cuộc sống của những số phận nhỏ bé, tội nghiệp, các em bé sinh ra trong gia đình có H hoặc bởi bố mẹ có H. Hỏi và đáp, chia sẻ và tâm sự, các đại biểu tham gia truyền thông cùng nói với nhau những hiểu biết của mình về căn bệnh thế kỷ này.

Các bạn sinh viên đã thẳng thắn bày tỏ sự quan tâm, thậm chí là cả những nghi ngại của mình khi ở vị trímột thành viên trong cộng đồng, thậm chí đặt mình vào trường hợp là giáo viên được phân công nhận học sinh có H. Tất cả đều hướng tới mong muốn làm sao đểxóa bỏ được sự phân biệt đối xử giữa trẻ em bình thường và trẻ em có H.

Bạn Lê Thúy Lan đến từ Đại học Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc đấu tranh chống lại phân biệt đối xử không phải từ đâu cao xa mà bắt đầu từ chính gia đình và những người thân xung quanh các em. Chính họ phải là những người đầu tiên có thái độ tích cực, yêu thương, chăm sóc các em, từ đó dần dần tác động vào xã hội, thay đổi cách nhìn nhận của cộng đồng đối với trẻ em có H.

Bạn Vũ Minh Trang, học viên của TT Dạy nghề Hội LHPN TP Hà Nội phân tích, căn nguyên của sự kỳ thị chính là sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin. Truyền thông hiện nay tập trung nhiều về căn bệnh, cách phòng tránh, con đường lây nhiễm cho những người không nhiễm H nhưng lại thiếu thông tin về chính bản thân những người có H. Vì vậy, cộng đồng không hiểu nhiều về họ, không biết những người có H sống ra sao, điều trị bệnh như thế nào, hiện nay thành quả y học đã tiến bộ đến đâu trong quá trình tìm ra thuốc để đối phó với HIV/AIDS...? Từ đó họ nghi ngại, xa lánh, kỳ thị người có H là điều dễ hiểu.

Ai cũng biết, việc chống lại sự kỳ thị đối với người có H, đặc biệt là trẻ em có H đang ngày càng được các cấp, các ngành quan tâm, có nhiều biện pháp tích cực để giải quyết vấn đề. Đã có rất nhiều tài liệu, nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, hình thức truyền thông tuyên truyền về những điều cần biết về căn bệnh HIV/AIDS, về cơ chế lây nhiễm, cách phòng tránh lây nhiễm... nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi phân biệt đối xử với trẻ em có H. Nhưng có lẽ, ai cũng hiểu, cuộc chiến này chẳng hề giản đơn và còn cần rất nhiều thời gian, công sức!

Chị TTH, một người mẹ trẻ nhiễm H từ chồng có bé gái lên 6 tuổi cũng mang trong mình vius H nói trong nước mắt: Con tôi đến tuổi đi học, tôi đưa con tới trường. Phải đấu tranh tư tưởng ghê gớm lắm tôi mới dám nói với các cô giáo là con tôi có H và đề nghị các cô giúp đỡ cháu. Các cô giáo khen tôi tự giác, trung thực... Nhưng sự phản ứng của các vị phụ huynh mới thật kinh khủng. Ngay sau khi biết con tôi có H, họ đồng loạt cho con nghỉ học để phản đối. Họ làm đơn đề nghị nhà trường đuổi con tôi. Có nhiều hôm, con tôi đến lớp, chỉ có một mình cháu đi học. Các cô giáo không nói gì nhưng bản thân tôi, tuy là mẹ thương con đứt ruột nhưng cũng áy náy, khổ tâm với các thày cô giáo vô cùng...

Chị N.T.U, một bà mẹ nhiễm H đến từ PT cùng với con trai của chị chia sẻ: Khi con tôi đến tuổi đến trường, các bạn truyền tai nhau cháu là con nhà có H (dù con tôi may mắn âm tính với căn bệnh này). Các bạn xa lánh con tôi, bảo nhau không cho con tôi chơi cùng, thậm chí còn xúm vào đánh cháu. Xấu hổ, tủi thân, đau đớn, con tôi về nhà khóc, nằng nặc xin mẹ cho nghỉ học.

 Ảnh minh họa

 Buổi truyền thông diễn ra sôi nổi, thân thiện

Hơn hai tiếng đồng hồ, buổi truyền thông đã diễn ra thật tự nhiên và sôi nổi. Ai cũng hào hứng đưa ra các ý kiến đóng góp với mong muốn mình có thể góp phần “giải cứu” những thiên thần bé nhỏ, vô tội trước căn bệnh độc ác và những thái độ cũng không kém phần ác độc đang kỳ thị các em.

Và đặc biệt hơn, những bà mẹ, những đứa trẻ đang sống chung với H ấy đang ngồi rất chung, rất gần với những vị khách, giữa họ không có bất cứ một khoảng cách, một sự e ngại nào. Các em nhỏ nô đùa, hồn nhiên sà vào lòng các chị sinh viên, có bé còn đòi chị bế vào lòng, cầm tay dạy múa...

ông Jadashi Yashuda, vị khách nước ngoài của buổi truyền thông đã phải thốt lên: Tôi đã đi rất nhiều nước, nhiều nơi; tham gia rất nhiều chương trình truyền thông, hội thảo về HIV/AIDS nhưng tôi chưa gặp ở đâu một không khí đầm ấm, thân thiện như thế này!

Có lẽ, đó đã là thành công rất lớn của buổi truyền thông rồi./.

Vũ Hoa- TTTT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video