TP.HCM: Những bà chủ nhà trọ kết nối Hội với nữ công nhân lao động

14/01/2019
Cho nợ tiền trọ, tận tình chăm sóc người thuê trọ khi ốm đau, làm tiệc tất niên cho công nhân thuê trọ... là những việc làm đầy tình nghĩa mà các nữ chủ nhà trọ ở Q.Bình Tân, TP.HCM đã làm trong nhiều năm qua. Họ chính là nhịp cầu nối Hội với nữ công nhân.

Cho nợ tiền trọ đến nửa năm, tận tình chăm sóc người thuê trọ khi ốm đau, làm tiệc tất niên ấm cúng đãi công nhân là những việc mà hai nữ chủ nhà trọ ở Q.Bình Tân, TP.HCM - đã làm trong nhiều năm qua.

Đó là bà Nguyễn Minh Hoàng (khu phố 10), bà Nguyễn Thị Huệ (khu phố 6) P.Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM - hai trong số 37 nữ chủ nhà trọ tiêu biểu vừa được Hội LHPN Q.Bình Tân tuyên dương. 

1. Cả tuần nay, mẹ con bà Nguyễn Thị Huệ tất bật chuẩn bị quà tết, lên thực đơn tất niên với các món bò né, lẩu, cà-ri gà, gỏi… đãi CN khu trọ. Đã thành nếp, cứ vào những ngày cận tết, bà lại lo quà bánh, nhu yếu phẩm, không chỉ cho CN mà còn gói ghém thêm 10 phần dành tặng hội viên phụ nữ nghèo trong khu phố. Bà cũng tranh thủ ghé từng phòng hỏi người thuê trọ mong muốn điều gì trong năm mới. “Chốt lại là mấy cái camera an ninh, tôi sẽ lắp trước tết này luôn. Hồi trước, khu trọ nằm cuối hẻm, nay làm đường mới thông ra Tỉnh lộ 10, có camera phòng chống trộm, CN sẽ yên tâm hơn” - bà Huệ nói. 

Vốn nông dân gốc, hết làm lúa rồi đạp xe đi bán rau, năm 1998, bà Huệ bắt đầu gom tiền xây phòng trọ. Từ 30 phòng, nay cả khu trọ của bà đã có 125 phòng cho CN, người buôn bán nhỏ, phụ hồ thuê ở. Hơn 5 năm nay, dù đã sửa chữa khang trang, nâng nền tránh ngập, bà Huệ vẫn giữ giá thuê 800.000 đồng/phòng/tháng. Khu trọ rộng rãi, sạch sẽ với hơn 120 nữ CN thuê ở của bà Huệ còn là địa điểm mà Hội LHPN Q.Bình Tân, Hội LHPN P.Tân Tạo chọn làm nơi tổ chức các buổi truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em...

Cũng chính tại đây, tổ phụ nữ CN, lao động nhà trọ ra đời, do bà Huệ làm tổ trưởng. Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung, quê tỉnh Vĩnh Long - bộc bạch: “Ở với cô Huệ gần 8 năm, tôi luôn cảm thấy thoải mái, yên tâm. Hồi trước, sáng nào cũng tầm 5g là cô cầm chổi, cầm ky rảo quanh khu trọ dọn dẹp. Thấy vậy, mọi người cũng ý thức hơn, không vứt rác bừa bãi nữa mà còn chạy ra phụ cô. Mỗi lần cô kêu đi thi nấu ăn, cắm hoa hay dự nghe thuyết trình về kỹ năng hội nhập đô thị cho CN, tôi thích lắm”. 

2. Tối 5/1, vừa kết thúc một ngày làm việc ở cửa hàng vật liệu xây dựng, bà Nguyễn Minh Hoàng chạy ra tiệm tạp hóa mua ít sữa mang qua phòng trọ cho bé Đặng Thị Mỹ Duyên. Duyên bị suy dinh dưỡng và đang chuẩn bị phẫu thuật tắc ruột. Đạp xe chở con gái đi lấy thuốc về, thấy bà Hoàng, chị Bùi Thị Hậu, quê Nghệ An - rụt rè: “Con xin nợ lại tiền trọ tới tết nha cô”. Bà Hoàng rầy: “Có bao giờ tao đòi tiền bạc đâu, lo cho con trước, mấy cái khác để sau này tính”. 

 Nhung ba chu tro co tam

 Bà Hoàng (bìa phải) động viên mẹ con chị Hậu vượt qua giai đoạn khó khăn


Chị Hậu nói vẫn áy náy quá, vì nợ tiền trọ 6 tháng rồi. Chị thuê phòng từ năm 2003, lúc bà Hoàng mới xây xong khu trọ. Hồi đó, chị Hậu còn độc thân, kinh tế không quá chật vật. Về sau, chị lập gia đình, chồng đi phụ hồ, vợ làm công nhân (CN), hai đứa con lần lượt chào đời, vợ chồng chị phải gửi bé lớn lại ngoài quê nhờ nhà nội nuôi. Anh Đặng Bá Dương - chồng chị Hậu - bị tai nạn giao thông, tổn thương não, phải uống thuốc liên miên. Tết Kỷ Hợi sắp tới là thêm một cái tết nữa chị không thể về quê.

“Phần thuốc men trong này, phần gửi về quê nuôi con ăn học, tằn tiện thế nào cũng thiếu trước hụt sau. Có khi 5-6 tháng hoặc chờ tới cuối năm nhận thưởng tết mới gửi tiền trọ, nhưng cô Hoàng vẫn vui vẻ, không gây áp lực hay nặng nhẹ với mình tiếng nào” - chị Hậu xúc động.

Là con thứ ba trong gia đình có bảy anh chị em, cha tham gia kháng chiến, mẹ bán gạo nuôi con, từ nhỏ, bà Hoàng đã cáng đáng nhiều việc trong nhà. Lớn lên một chút, bà theo mẹ gánh rau cải ra bến xe Miền Tây bán. Cha mất, các em lần lượt lập gia đình, bà Hoàng vẫn ở vậy chăm sóc mẹ, bà ngoại. Năm 2003, bà xây 50 phòng trọ cho CN thuê, giá 200.000 đồng/phòng/tháng. Sau 15 năm, hiện giá phòng là 800.000 đồng/tháng. Tính bà xởi lởi, thoải mái nên nhiều CN đã ở khu trọ này từ những ngày còn độc thân cho đến khi lập gia đình, sinh con.

Vào dịp tết Trung thu hằng năm, bà đặt mua cả trăm hộp bánh, lồng đèn tặng các bé trong khu trọ. Đến tết Nguyên đán, ngoài 50 phần quà (bánh kẹo, nhu yếu phẩm) biếu từng phòng, cứ tới giao thừa, bà lại làm tiệc đãi những CN không về quê. Bà Hoàng tâm sự: “Tôi coi các em, các cháu CN như người nhà, quý nhau ở cái tình chứ không tính toán thiệt hơn”. 

Những nữ chủ nhà trọ như chị Hoàng, chị Huệ chính là nhịp cầu giữa Hội với nữ CN. Từ các buổi tập huấn kỹ năng tự vệ, kiến thức sơ cấp cứu đến hoạt động văn nghệ, thể thao, hễ các chị lên tiếng là chị em CN tham gia rất đông. Bên cạnh việc giữ giá phòng ổn định nhằm san sẻ phần nào khó khăn với người thuê trọ, các chị còn đồng hành cùng Hội trong nhiều hoạt động chăm lo, trợ giúp phụ nữ, trẻ em nghèo tại địa phương. Dịp tết Nguyên đán sắp tới, chúng tôi sẽ lại mượn khu trọ của các chị để tổ chức làm mứt, gói bánh tét tặng CN.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video