TP.HCM: Nữ doanh nhân tạo việc làm cho “chị em nhà Hội”

17/07/2022
Với sự hỗ trợ từ các nữ doanh nhân, nhiều phụ nữ đang có ý định khởi sự kinh doanh sẽ có thêm cơ hội để làm quen công việc và dần bước đi vững vàng trên con đường khởi nghiệp.
Hội LHPN Q.Tân Phú kết nối cơ hội việc làm, cơ hội khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ

Kết nối việc làm cho hội viên phụ nữ

Trong chương trình giới thiệu việc làm và các loại hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ do Hội LHPN Q.Tân Phú tổ chức ngày 6/7 vừa qua, chị Quý Ngọc, ở P.Sơn Kỳ, phấn khởi cho biết đã tìm được cơ hội cho việc khởi sự kinh doanh của mình.

Là người khéo ăn nói và dạn dĩ, từ nhỏ chị Quý Ngọc đã phụ giúp gia đình bán cửa hàng tạp hóa. Lớn lên, chị mở quán kinh doanh ăn uống. Nhiều năm buôn bán giúp chị tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý giá. Tuy nhiên, sau hai năm gián đoạn vì dịch bệnh, quán ăn phải đóng cửa, bỏ không. “Hôm nay tôi thấy mình thật may mắn khi được Hội kết nối, tạo cơ hội để mở đại lý từ thương hiệu gạo Hoàng Gia của Công ty Xuất nhập khẩu lương thực thực phẩm Trường Thuận Phú” - chị Ngọc Quý hồ hởi.

Chị Võ Thị Ánh Tuyết - Giám đốc thương hiệu gạo Hoàng Gia - cho biết: “Tôi muốn mang đến cơ hội việc làm cho phụ nữ. Phụ nữ khó khăn, phụ nữ làm công việc nội trợ, có con nhỏ có thể trở thành cộng tác viên bán hàng; điều kiện khá hơn có thể trở thành đại lý. Ngoài việc cung ứng nguồn hàng, khi chị em gặp khó khăn tôi sẽ hỗ trợ một phần vốn theo hình thức trả chậm hằng tháng và không tính lãi”.

Chị Ánh Tuyết cam kết, chỉ cần các chị chịu khó, bán online hay bán nhỏ lẻ trong xóm cũng được. Ở mức thấp nhất, mỗi ngày bán được 10kg gạo, các chị sẽ có lãi từ 20.000 - 70.000 đồng.

Chị Hồng Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Bao tiêu nông sản Khánh Hòa - cũng đang mang đến nhiều cơ hội việc làm cho chị em. Hơn một tháng nay, bà giám đốc này đang mở rộng thị trường tại TP.HCM với quy mô tiêu thụ 1 tấn hải sản/ngày. Ngày nào chị cũng tất bật với công việc tìm kiếm, phát triển đại lý tiêu thụ sản phẩm. Chị đang cùng với Hội LHPN Q.Tân Phú và các phường kết nối cho nhiều chị em khởi nghiệp tiếp cận nguồn hàng, mở cửa hàng, đại lý trải đều khắp 11 phường tại quận. Các đại lý sẽ được hướng dẫn quy cách bán hàng, cung cấp nguồn hàng, đảm bảo chất lượng và áp dụng nhiều chương trình ưu đãi như: giảm giá, mua 1 tặng 1. Không chỉ đồng hành cùng Hội kết nối việc làm cho phụ nữ, công ty còn trích một phần lợi nhuận từ việc kinh doanh vào quỹ hoạt động an sinh xã hội của Hội.

Gian nan khởi nghiệp

“Công việc kinh doanh của tôi đã trải qua nhiều thất bại. Mỗi lần thất bại, tôi mất bạc tỷ, có lúc phải cầm cố tài sản, đất đai cha mẹ để lại. Chồng tôi thường nói với các con, đáng lẽ ra nhà mình đã rất giàu rồi, có nhà lầu, xe hơi, nhưng một tay mẹ con làm tiêu tan tất cả” - chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Bao tiêu Nông sản Khánh Hòa - mở đầu câu chuyện.

Chị Hồng Tuyết bùi ngùi: “Thật ra anh ấy nói cũng không sai, bởi 20 năm qua, công việc kinh doanh của tôi đã trải qua nhiều lần thất bại”.

25 tuổi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Hồng Tuyết bắt đầu kinh doanh bằng việc bao tiêu nông sản sạch cho khu vực miền núi của hai huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Chị nói: “Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc, chỉ biết trồng cây chuối. Chuối thu hoạch quả rất xấu, không bóng nhẵn, vì không sử dụng phân, thuốc hóa học, nhưng ăn rất dẻo, ngon. Biết đầu ra sản phẩm không ổn định, lại bị ép giá, tôi quyết tâm tìm cách tiêu thụ giúp bà con. Giá thành của tôi bao tiêu luôn bình ổn và cao hơn so với giá thị trường”.

Chị Nguyễn Thị Hồng Tuyết (bên phải) - Giám đốc Công ty TNHH Bao tiêu nông sản Khánh Hòa - giới thiệu cơ hội việc làm đến hội viên phụ nữ

Được vài năm, công việc diễn ra thuận lợi, thì bà con hám cái lợi trước mắt, thu hoạch khi chuối còn non và buộc chị phải thu mua. Biết rõ tình hình nhưng nếu không thu mua thì bà con mất trắng, lại mang tiếng lừa đảo đồng bào, nên chị Hồng Tuyết đành ôm hàng và chịu lỗ cả tỷ đồng. Thế nhưng chị vẫn kiên trì hướng dẫn để cùng bà con phát triển. Ngoài chuối, chị còn bao tiêu các loại thịt… Khi đã có những thành công bước đầu, chị mở cửa hàng và thuê mướn thêm lao động (hầu hết cũng là người đồng bào), bao ăn ở để thuận lợi cho cả người lao động và công việc kinh doanh. Đang làm việc ngon trớn thì lao động tự ý rủ nhau bỏ việc 2 - 3 ngày để về quê ăn giỗ, thăm gia đình, làm cho hàng hóa bị ách tắc, hư hỏng, dẫn đến thua lỗ.

Trải qua không ít lần thất bại nhưng chị Hồng Tuyết vẫn kiên trì bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ngoài các loại quả như chuối, cam sành, sầu riêng, dưa hấu, chị còn bao tiêu các sản phẩm như tôm, cua, tỏi… theo mùa vụ. Các mặt hàng, ban đầu ít nhiều chị đều thua lỗ, nhưng chị đã cố gắng trụ lại, rồi vượt qua và đi đến thành công.

Hiện tại, chị Hồng Tuyết đã kết nối và nhận được nguồn kinh phí từ các dự án phi lợi nhuận của nước ngoài. Chị quay lại hỗ trợ công tác nghiên cứu và bao tiêu các mặt hàng của Trung tâm Nghiên cứu và Chế biến thực phẩm của Trường đại học Nha Trang.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video