TP Hồ Chí Minh: Người lan tỏa những yêu thương

31/12/2019
Vào thời điểm năm 2009, khi cuộc sống của người dân đã có nhiều khởi sắc cùng sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước thì ở địa bàn xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP Hố Chí Minh vẫn còn nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều đứa trẻ cơ nhỡ nay đây mai đó, phải tạm trú dài hạn, nhiều trẻ em chưa được cắp sách đến trường và cái chữ như điều gì đó xa lạ với chúng…
Cô Lưu thị Thạnh tặng quà cho các em học sinh nhân dịp chuẩn bị năm học mới

Cần phải làm gì đó để mang cái chữ đến cho các em. Đó là quyết tâm của cô Lưu Thị Thạnh, hội viên chi hội phụ nữ Khu phố 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Cô Thạnh vốn là kế toán của công ty Xi măng Hà Tiên. Có tâm huyết với nghề sư phạm cộng với tình yêu thương những hoàn cảnh khốn khó, từ sau khi về hưu cô quyết tâm mở lớp học tình thương đón nhận những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ trên địa bàn xã để dạy từng con chữ, con số.

Cô Thạnh nhớ lại, thời gian đầu mở lớp, cô gặp không ít khó khăn về địa điểm dạy, thiếu kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, dụng cụ dạy học,.... Đồng lương hưu khiêm tốn được cô tích cóp từng chút một và không ngại khó khăn vất vả, cô đi góp nhặt những miếng sắt vụn, đi xin những mảnh ván ép, gỗ, vật dụng người ta không dùng để về dựng tạm thành lớp học nhỏ bên hiên nhà cô.

Lớp học mở ra, cô còn đến từng gia đình để vận động phụ huynh cho các bé đến lớp. Cô cũng tích cực vận động các nhà hảo tâm ủng hộ được số tiền 7 triệu đồng để mua thêm các vật dụng phục vụ cho việc giảng dạy và trang bị các dụng cụ học tập như: tập, sách, bút, thước… cho các em. Từ những thứ sơ khai ban đầu ấy, cô đã dạy các em đọc, cầm tay viết từng con chữ cho đến khi biết đọc, biết viết và dần dần ý thức với việc học tập của mình.

Ngày tháng trôi qua, với biết bao tâm huyết, để có chỗ học tốt hơn, cô đã chủ động vận động nhiều công nhân viên trước đây từng làm chung công ty xi măng Hà Tiên tham gia quyên góp kinh phí. Sau 4 năm vất vả, từ  một lớp học được che tạm bợ, nay cô đã sửa sang thành một phòng học khang trang và có hơn 20 em đến với lớp.

Ngoài mang chữ, mang kiến thức đến cho các em, cô còn tặng quần áo, cặp sách, thậm chí đôi khi còn giữ các bé ở lại lo cho cơm nước tới chiều tối đến khi ba mẹ bé đi làm về rước. Cô không hề thấy vất vả, cực nhọc mà luôn lấy đó làm niềm vui.

Để tạo cho các em được vui chơi, cô Thạnh đã tổ chức sân chơi sinh hoạt ngoài trời với không khí thoải mái cho các em. Mỗi dịp hè, cô vận động khoảng 30 phần quà trị giá 6 triệu đồng từ các mạnh thường quân để tặng cho các em gồm những quyển sách, vở viết, dụng cụ học tập, bánh kẹo... Cứ thế, ngày tháng trôi qua, những đứa trẻ từ những ngày đầu tiên tham gia lớp học đến nay đã khôn lớn, trưởng thành, có người thì làm công nhân khu công nghiệp trên địa bàn huyện, có người nay đã là sinh viên đại học.

Không chỉ truyền tình thương yêu cho trẻ nhỏ qua việc dạy học, cô Thạnh còn rất say sưa làm thiện nguyện, mang tình người đến với những mảnh đời nghèo khó. Từ năm 2000 đến năm nay, cô vận động các nhà hảo tâm sửa chữa 10 mái ấm tình thương cho hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Nhơn Đức và xã Phước Lộc. Vào dịp tết, cô vận động các nhà hảo tâm tặng quà cho các hộ nghèo để họ được đón một mùa xuân ấm áp, vui vẻ bên gia đình và người thân.

Trong cuộc sống thường ngày, cô tích cực tuyên truyền, nhắc nhở mọi người tuân thủ pháp luật, luôn nêu cao ý thức phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Thường xuyên vận động mọi người xung quanh thực hiện 15 phút vì thành phố văn minh sạch đẹp. Vào cuối mỗi tuần, cô cùng với 20 chị em trong tổ tham gia dọn dẹp vệ sinh tuyến hẻm, nhắc nhở từng hộ gia đình bỏ rác đúng nơi quy định, giữ gìn nếp sống văn minh đô thị, phân loại rác tại nguồn, dùng bình thủy tinh, hạn chế chai nhựa và túi ny lông…

Thầm lặng nhưng cao quý, cô Thạnh là tấm gương sáng với những việc làm nhân ái, mang lại ý nghĩa tốt đẹp trong cuộc sống cho mọi người.

Ngọc Ý

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video