TP Hồ Chí Minh: Tổng kết 20 năm phòng, chống HIV/AIDS

09/12/2010
Sáng 27/11, tại Hội trường Thành phố, Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm TP Hồ Chí Minh đương đầu với đại dịch HIV/AIDS và Lễ mít tinh phát động tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã tới dự.

Tháng 12/1990, trường hợp HIV đầu tiên của Việt Nam đã được phát hiện tại TP Hồ Chí Minh. 20 năm qua, Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp nhằm khống chế sự phát triển của đại dịch này.


Nếu như năm 2005, toàn Thành phố có 5.637 trường hợp nhiễm HIV, 3.684 bệnh nhân AIDS và có 2.068 trường hợp tử vong thì tới năm 2010 (tính tới tháng 9/2010) đã giảm còn 3.099 trường hợp nhiễm HIV, 2.098 bệnh nhân AIDS và có 410 trường hợp tử vong. Kết quả xét nghiệm phát hiện người nhiễm HIV ghi nhận qua các năm cho thấy, Thành phố đã giảm nhanh số lượng người nhiễm HIV mới, ước tính ngăn ngừa được 16.187 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành, 1.792 trường hợp nhiễm HIV mới ở trẻ em và giảm tử vong cho gần 10.000 trường hợp. Qua đây cho thấy rõ hiệu quả của các hoạt động can thiệp dự phòng và chăm sóc điều trị của Thành phố trong thời gian qua.


TS. BS Lê Trường Giang, Phó Giám ddốc Sở Y tế Thành phố, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Phòng chống AIDS TP Hồ Chí Minh cho biết, đối với mỗi giai đoạn, Thành phố có những chiến lược riêng nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của căn bệnh này ra ngoài cộng đồng. Việc triển khai hiệu quả chương trình phòng chống AIDS trong 5 năm qua đã đạt được mục tiêu đề ra của kế hoạch 5 năm 2006-2010 và mang lại những thành quả to lớn giúp khống chế dịch HIV trong cộng đồng, góp phần làm giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.


Bên cạnh nguồn ngân sách Nhà nước, trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế tham gia vào chương trình phòng chống AIDS nhằm huy động tối đa các nguồn lực cho chương trình. Ngoài việc hỗ trợ về mặt tài chính, các tổ chức quốc tế còn hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật. Mặc dù số người nhiễm HIV phát hiện hàng năm trên địa bàn Thành phố có giảm song hiện nay, vẫn ở mức 4000-5000 trường hợp nhiễm mỗi năm. Đặc biệt, dịch HIV vẫn đang ở mức cao trong các nhóm đối tượng như: tiêm chích ma túy, mại dâm, nhóm quan hệ tình dục đồng giới…


Trước thực trạng này, Thành phố cũng có những kiến nghị với Chính phủ và Bộ Y tế:


Có chương trình toàn diện cho phát triển nguồn nhân lực phòng, chống AIDS, từ chính sách đào tạo, chính sách tuyển dụng, chính sách đãi ngộ, định biên cho mạng lưới phòng, chống AIDS, nhất là ở tuyến quận huyện và phường xã đủ để thực hiện các nhiệm vụ được giao từ truyền thông giáo dục đến can thiệp giảm tác hại, chăm sóc chữa trị…


Nâng cấp chương trình phòng chống AIDS thành Chương trình Quốc gia và tăng kinh phí quốc gia cho phòng, chống AIDS để đảm bảo tính bền vững của hoạt động phòng, chống AIDS trên cả nước và tại TP Hồ Chí Minh.


Quy định cụ thể lộ trình thực hiện Bảo hiểm y tế đối với việc chăm sóc, chữa trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Có chính sách khuyến khích, thúc đẩy sự đóng góp của doanh nghiệp, của xã hội cho hoạt động phòng, chống AIDS.


Ông Lê Trường Giang cho biết, ước tính năm 2010, tỷ lệ nhiễm HIV trên dân số người trưởng thành tại TP Hồ Chí Minh là khoảng 1,27%. Nếu các yếu tố nguy cơ vẫn giữ nguyên như hiện tại thì tỷ lệ này sẽ tăng lên 1,53 % vào năm 2015. Như vậy, nếu giữ nguyên các hoạt động can thiệp như hiện nay thì ước tính trong 5 năm tới TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm 33.132 trường hợp nhiễm HIV mới ở người trưởng thành. Do đó, Thành phố sẽ cần phải tăng cường các biện pháp phòng, chống và huy động toàn xã hội tham gia đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS.


Mục tiêu trong 5 năm tới, Thành phố sẽ khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 1% vào năm 2015 và không tăng sau năm 2015; Khống chế tỷ suất nhiễm HIV mới trong cộng đồng dân cư dưới 0,08% vào năm 2015; góp phần giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế xã hội.


Phát biểu định hướng công tác phòng, chống HIV/AIDS trong những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng: TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS theo hướng chất lượng và bền vững. Thành phố cần tập trung các biện pháp nhằm hạn chế số người nhiễm HIV mới. Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, hiện TP Hồ Chí Minh là nơi có số bệnh nhân HIV/AIDS cao, chiếm 25 % tổng số bệnh nhân HIV/AIDS trên toàn quốc. Trong 20 năm phòng, chống HIV/AIDS, Thành phố đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, can thiệp, điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS đem lại hiệu quả cao được cả nước học tập và nhân rộng

Cũng tại Hội nghị, 3 tập thể và 1 cá nhân được nhận Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước; nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã được tặng bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế và của UBND Thành phố.

Theo website Đảng cộng sản VN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video