Trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới

16/07/2009
Ngày 19/5/2009 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2009/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới. Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2009. Trang Web Hội LHPNVN xin giới thiệu một số nội dung trong các điều khoản quy định trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới.

Nghị định 48/2009/NĐ-CP có 23 điều quy định chi tiết thi hành khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 4 và khoản 5 Điều 14, khoản 3 Điều 17, Điều 19, Điều 21, Điều 23, Điều 24, điểm e và điểm g khoản 2 Điều 32 Luật Bình đẳng giới về:

1. Thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới

2. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

3. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; chính sách hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức; hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

4. Nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới.

Theo quy định của Nghị định này, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có 09 trách nhiệm sau:

1. Thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới (Khoản 1 Điều 6)

2. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng bộ tài liệu nguồn về giới và bình đẳng giới; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên về giới và bình đẳng giới (Điểm a Khoản 2 Điều 6)

3. Thực hiện chương trình giáo dục lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới; nghiên cứu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chương trình giáo dục về giới hoặc lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, trình độ đào tạo và nhu cầu của người học (Khoản 7 Điều 6)

4. Dự kiến những chính sách và biện pháp để thực hiện bình đẳng giới hoặc để giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới nếu đề nghị, kiến nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cung cấp các tài liệu có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới cho cơ quan chủ trì soạn thảo khi được yêu cầu (Điều 9)

5. Cử đại diện tham gia soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (Khoản 2 Điều 10)

6. Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành quy định về các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới theo thẩm quyền (Khoản 3 Điều 15)

7. Tham gia ý kiến bằng văn bản về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới (Điểm a Khoản 1 Điều 16)

8. Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định chấm dứt thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Khoản 2 Điều 17)

9. Thực hiện phản biện xã hội đối với việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật để chấm dứt thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới (Điểm c Khoản 4 Điều 17).

Ban Chính sách - Luật pháp
TW Hội LHPNVN.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video