Trang bị kiến thức vể sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái – Tự tin là chính mình

02/04/2021
Sáng 2/4, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với tổ chức Plan International Việt Nam (Plan) tổ chức khởi động dự án “Tự tin là chính mình” (GLM).
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (thứ hai phải ảnh qua) cùng đại diện các đơn vị ký cam kết tham gia Dự án

Mục tiêu của Dự án là trang bị cho trẻ em gái những kiến thức cần thiết cũng như tạo điều kiện tối đa để các em gái vị thành niên, đặc biệt là em gái ở vùng  dân tộc thiểu số, vùng nông thôn hẻo lánh có thể tự tin vượt qua “kỳ nguyệt san” của mình một cách an toàn và thoải mái; Đồng thời giúp các em tự đưa ra được những quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản (SKSS) một cách phù hợp, góp phần vào việc đảm bảo quyền trẻ em gái và bình đẳng giới trong sức khỏe.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại buổi lễ

Tại Lễ ra mắt Dự án, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Được triển khai thực hiện tại 02 tỉnh, thành phố: Quảng Bình (huyện Minh Hóa và TP. Đồng Hới) và TP. Hà Nội (huyện Ba Vì và một số trường THCS, THPT), trong thời gian 3 năm, từ 2020 2023, Dự án hướng tới việc hỗ trợ trẻ em gái, cha mẹ, giáo viên… được trang bị kiến thức, kỹ năng trong giải quyết các vấn đề liên quan đến SKSS, vệ sinh kinh nguyệt thông qua các hoạt động tập huấn, cuộc thi, sự kiện, sinh hoạt CLB… Phó Chủ tịch Hội cũng mong muốn các hoạt động của dự án sẽ được nhân rộng  tới các địa bàn khác.

Với kinh nghiệm hoạt động hơn 80 năm và hiện nay hoạt động trên 75 nước trên thế giới, Plan International là tổ chức nhân đạo phát triển tập trung vào trẻ em, đặc biệt là quyền bình đẳng cho trẻ em gái. “Thông qua các chương trình hoạt động phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN Việt Nam, Plan kỳ vọng mang lại sự thay đổi, chủ động đưa ra quyết định trong học tập, cuộc sống cho ít nhất 2 triệu trẻ em gái ở Việt Nam trong vòng 5 năm tới” – Bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan Việt Nam chia sẻ.

Đại diện TW Hội LHPN Việt Nam, Bà Trương Thị Thu Thủy (phải ảnh) và Bà Sharon Kane, Giám đốc Tổ chức Plan Việt Nam bày tỏ sự phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Plan thông qua Dự án “Tự tin là chính mình” được triển khai từ tháng 8/2020 – tháng 5/2023

 Theo bà Trương Thị Thu Thủy - Trưởng ban Gia đình - Xã hội TW Hội LHPN Việt Nam, Giám đốc Dự án chia sẻ, thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam đã đưa ra các chiến lược can thiệp như trao quyền cho thanh thiếu niên nhằm trang bị kiến thức và thông tin về SKSS, vệ sinh kinh nguyệt cho các em thông qua mô hình CLB thủ lĩnh của sự thay đổi trong trường học; huy động gia đình, trường học và cộng đồng nâng cao nhận thức, cung cấp cho các em gái những hỗ trợ cần thiết về cơ sở vật chất phù hợp, môi trường xã hội lành mạnh; tăng khả năng tiếp cận nguồn cung cấp sản phẩm thiết yếu đảm bảo sức khỏe trong “kỳ nguyệt san” khi ở trường học và trong gia đình; vận động môi trường chính sách và xã hội hỗ trợ cho chủ đề sức khỏe sinh sản tuổi dậy thì.Tại Việt Nam, trên 30% thanh thiếu niên thiếu khả năng tiếp cận với các thông tin cần thiết về vệ sinh kinh nguyệt (SKSS tuổi dậy thì), SKSS tình dục. Kết quả khảo sát đầu vào của Dự án cho thấy có tới 37,6% học sinh nữ thiếu kiến thức và trên 40% chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề vệ sinh kinh nguyệt.

Nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ trẻ em gái đã có kinh nguyệt khoảng trên 40%, tuy nhiên tỷ lệ thực hành vệ sinh kinh nguyệt ở mức trung bình và kém lên tới trên 80%. Trẻ em gái thường không biết cách xử trí hợp lý khi lần đầu có “nguyệt san”, không biết cách dùng băng vệ sinh đúng cách cũng như cách vượt qua các cơn đau hoặc sự khó chịu khi đến kỳ. Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức và kỹ năng về SKSS, nhiều trẻ em trai chưa có nhận thức đúng đắn về những khó khăn mà các em gái gặp phải khi có “kinh nguyêt”. Điều này góp phần thêm vào những quan niệm sai lầm, những điều cấm kị, kỳ thị và có thái độ, thực hành không đúng đắn, khiến trẻ em gái xấu hổ và không tự tin trong kỳ kinh nguyệt…

Thực tế cũng cho thấy, đa số trẻ em gái chia sẻ, tâm sự cùng mẹ, tuy nhiên cha mẹ cũng chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng đúng về chăm sóc SKSS, trong đó có vấn đề vệ sinh kinh nguyệt để hướng dẫn, giúp đỡ con em mình.

Mặt khác, trẻ em gái vị thành niên  vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bị lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ quan sinh sản do thiếu kiến thức. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm trùng cơ quan sinh sản được ước tính là trên 50% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản 15-49 tuổi.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại chương trình

Dự án mong đợi sẽ hỗ trợ trực tiếp cho 124.000 trẻ em gái, thanh thiếu niên nữ, phụ nữ trong cộng đồng; 27.880 thanh thiếu niên, giáo viên trong 40 trường PTTH, THCS và Tiểu học tại Hà Nội và Quảng Bình được trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản, vệ sinh kinh nguyệt. Bên cạnh đó, dự án sẽ cung cấp thông tin cho 224.000 thanh thiếu niên, phụ huynh học sinh trong cộng đồng thông qua các ấn phẩm truyền thông trực tiếp và qua các phương tiện truyền thông đại chúng, sự kiện truyền thông trong cộng đồng.

 

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video