Trẻ em gái thua thiệt

04/07/2009
"Hiện trẻ em gái đang bị thua thiệt rất nhiều so với trẻ em trai, từ cơ hội được tiếp cận các dịch vụ xã hội cho đến học tập, vui chơi, giải trí", bà Phạm Thị Xuân, cán bộ Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo "Cơ hội cho trẻ em gái - xóa bỏ lao động trẻ em" do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức mới đây ở Hà Nội.
 

Trẻ em gái thường bị thua thiệt rất nhiều so với trẻ em trai. Nhiều cháu gái nhà nghèo phải đi làm thuê các công việc như nấu ăn, dọn dẹp, lấy nước, kiếm củi… không được trả công mà chỉ được nuôi ăn hằng ngày. Hoặc giả, nếu cần có một người ở nhà để đỡ tốn tiền học, trông nom người ốm, đỡ đần việc nhà thì em gái là người được lựa chọn chứ không phải là em trai. Khi ra ngoài xã hội kiếm sống, trẻ em gái còn là "miếng mồi ngon" của các hoạt động bất chính như mại dâm, buôn bán trẻ em hoặc bị ép buộc lao động sớm... Thống kê của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho thấy, hiện tỷ lệ trẻ em gái trong lao động nông nghiệp cao hơn trai (75% so với 69%).

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do quan niệm trọng nam khinh nữ, con gái không cần học nhiều, lấy chồng là quan trọng, công việc gia đình là trách nhiệm của riêng phụ nữ. Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng trẻ em gái chỉ cần được dạy bảo những công việc nội trợ gia đình. Vì vậy, trẻ em gái không cần phải học lên những cấp học cao, thậm chí không cần phải đến trường...

Để xóa bỏ lao động trẻ em, hạn chế tình trạng thua thiệt ở trẻ em gái, vai trò của gia đình là rất quan trọng, bố mẹ phải là nền tảng cả về kinh tế và văn hóa cho các con. Gia đình có vững vàng về kinh tế thì cơ hội được học tập của trẻ em gái sẽ tăng lên và dần dần sẽ hình thành văn hóa giáo dục trong gia đình.

Bà Rie Vejs Kjel Dgaard, Giám đốc Văn phòng tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, nhiều quốc gia quy định độ tuổi lao động tối thiểu là 15. Như vậy, từ khi sinh ra đến khi được công nhận là công dân, các em hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình. Trong những gia đình khó khăn về kinh tế, các em gái không được học tập mà phải lao động sớm với cường độ như một người trưởng thành. Chính vì lẽ đó, gia đình phải là tổ ấm và là nơi định hướng nghề nghiệp cho con trẻ.

Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh: "Phải loại bỏ hoàn toàn tình trạng trẻ em phải làm việc trong những loại lao động ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần và thể xác của các em. Những việc vừa sức mà trẻ em có thể giúp đỡ gia đình thì cần khuyến khích và mỗi gia đình phải thấy được trẻ em cũng là công dân cần được đối xử công bằng như các thành viên khác trong gia đình". Bà Phạm Thị Xuân bổ sung thêm: "Xã hội quan niệm ấu trĩ về giới tính, gia đình nghèo khó đã "trói buộc" các bé gái, khiến các em chấp nhận quan niệm lạc hậu và bổn phận mà một người phụ nữ phải làm. Vì thế, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi quan điểm về giới".

Thiếu giáo dục, kém dinh dưỡng, phải chịu những tác động của định kiến lạc hậu cùng với gánh nặng vai trò về giới đã đẩy nhiều trẻ em gái vào tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Sự phân biệt đối xử về giới đã cản trở quyền bình đẳng trẻ em. Vì vậy, thay đổi quan niệm về giới trong mỗi gia đình, tạo cơ hội hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ em gái là việc làm bức thiết nhất hiện nay trong phòng, chống lao động trẻ em.

Theo Đức Chính/HNM

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video