Trẻ suy dinh dưỡng - sai lầm của cha mẹ

17/12/2011
Tỷ lệ trẻ em Việt Nam suy dinh dưỡng hiện đang ở mức cao, chính quan điểm sai lầm của các bậc cha mẹ đã hạn chế nguy cơ dinh dưỡng của trẻ.

Không cho con bú sữa mẹ

 

Theo điều tra mới nhất của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ được bú sớm trong vòng 30 phút sau sinh là hơn 70%. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời lại chỉ đạt 19,4%.

 

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tự nhiên tốt nhất cho trẻ. Trong sữa mẹ có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng với tỷ lệ phù hợp thích hợp với hệ tiêu hóa và hấp thụ của trẻ. Sữa mẹ còn có kháng thể giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các bệnh nhiễm trùng. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính không lây khi trưởng thành, đặc biệt là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản.

 

Sữa mẹ có nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết và thực hiện. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu thường là: mẹ phải đi làm sớm (sau 4 tháng); sính sữa ngoại, muốn giữ gìn bầu ngực….

 

Phần lớn trẻ phải uống sữa ngoài, ăn dặm trước 4 tháng, vì sau 4 tháng người mẹ phải đi làm, nên trẻ không có điều kiện được bú sữa mẹ hoàn toàn. Tình trạng quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ (thậm chí cả sữa non) đã tác động khá tiêu cực khiến một số bà mẹ không tin tưởng sữa của mình, hoặc quá sính sữa ngoại. Nhiều bà mẹ muốn giữ gìn bầu ngực sau sinh nên đã cho con bú sữa ngoài thay vì bú mẹ. Ngoài ra, một số bà mẹ không biết cách cho trẻ bú đúng và bảo vệ nguồn sữa của mình.

 

Ăn dặm quá sớm hoặc quá trễ

 

Ăn dặm là hình thức bổ sung dinh dưỡng cho bé. Theo khuyến nghị của WHO, thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm) là vào tháng thứ 6. Tuy nhiên, ở nước ta, đa số trẻ được ăn bổ sung từ tháng thứ 4, thậm chí không ít trẻ còn được ăn bổ sung từ tháng tuổi thứ 2, 3. Điều đó đã ảnh hưởng đến việc tận dụng nguồn sữa mẹ, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa dẫn đến suy dinh dưỡng.

 

Theo các nhà dinh dưỡng, trẻ ăn dặm khi chưa được 4 tháng sẽ gây nặng nề cho bộ máy tiêu hóa của trẻ. Vì thức ăn dặm thường khó tiêu, nên bé sẽ biếng ăn. Không đủ chất dinh dưỡng, bé sẽ chậm tăng cân và dễ bị suy dinh dưỡng. Không có thức ăn nào thích hợp cho bé ở giai đoạn này, ngoài sữa mẹ.

 

Ngược lại, khi trẻ trên 6 tháng tuổi mà chưa được bổ sung thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ thì trẻ cũng chậm tăng cân. Sữa mẹ sau 6 tháng không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng lên của trẻ, nên cần phải cho trẻ ăn thêm thức ăn từ bên ngoài. Ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được ăn thêm từ 1-2 bữa bột trong ngày.

 

Bữa ăn đầu đời của trẻ rất quan trọng, không phải chỉ vì cung cấp những dưỡng chất cần thiết mà nó còn giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống về sau và giúp phòng ngừa các bệnh đường tiêu hóa và nhiễm trùng ở trẻ. Lưu ý, chỉ cho trẻ ăn hoa quả khi bắt đầu ăn dặm.

 

Cho trẻ ăn quá nhiều chất bổ dưỡng

 

Lượng đạm bé cần mỗi ngày là 4-4,5gr/kg thể trọng (với trẻ 1 tuổi, mỗi ngày dùng tối đa 20-30gr thịt), lượng dầu mỡ cũng tương tự như vậy, trong đó 50% là mỡ thực vật. Lượng bột phải cao gấp 4 lần.

 

Trong năm đầu, việc nuôi trẻ có một mâu thuẫn: Trẻ cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển trong khi hệ tiêu hóa lại còn rất yếu, nếu nuôi không khéo sẽ gây tiêu chảy, kéo theo suy dinh dưỡng, còi xương. Vì vậy, các bà mẹ phải hết sức chú ý vấn đề vệ sinh và đừng vì sốt ruột mà cho trẻ ăn quá bổ dưỡng. Nhiều bà mẹ cho trẻ ăn vài gram thịt/ngày và ngạc nhiên thấy bé ngày càng còi cọc, đó là do khẩu phần quá nhiều đạm, khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn, gây phân sống, tiêu chảy, càng nuôi càng chậm lớn.

 

Một sai lầm khác cũng hay gặp là một số bà mẹ vẫn cho rằng nước thịt, nước hầm xương là đủ bổ, không cho trẻ ăn xác thịt, cá... trong khi các loại nước hầm này hầu như không chứa đạm. Các thức ăn cung cấp chất đạm vẫn còn được sử dụng đơn điệu. Nhiều bà mẹ không cho con ăn cá, tép, tôm, trứng... sợ trẻ bị dị ứng, có đờm... dễ gây chán ăn, đồng thời tạo thói quen ăn uống thiên lệch, khó thay đổi về sau.

Ăn không đủ chất dinh dưỡng

 

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều vùng ở nước ta còn nghèo. Thêm vào đó, phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ. Các em chỉ được ăn đủ về mặt số lượng thức ăn, chứ chưa ăn đầy đủ về các chất dinh dưỡng cũng như vi chất khoáng, canxi... Hơn nữa, vấn đề ăn uống không đúng cách còn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh béo phì ở trẻ.

 

Nhỏ không được chăm sóc, lớn lên sẽ “bù”

 

Do tác động của lối sống hiện đại, các bậc cha mẹ thường không có điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm rằng sau này con lớn lên, họ có thể chăm sóc “bù”. Đây là một quan điểm hết sức sai lầm, vẫn còn tồn tại ở không ít phụ huynh, nhất là những gia đình trẻ.

 

Thực tế khoa học đã chứng minh, chiều cao, cân nặng và bộ não có “đạt” hay không, phần lớn được quyết định trong 3 năm đầu đời của trẻ thường được gọi là 3 năm “vàng”. Đến năm 3 tuổi não của trẻ đã bằng 85% so với não người trưởng thành. Riêng về chiều cao, lúc bé 2 tuổi, đã đạt được 50% chiều cao lúc trưởng thành. Sau khi sinh 1 năm, trẻ tăng gấp 3 lần trọng lượng lúc mới sinh. Nếu sau 3 năm đầu mà trẻ bị còi hoặc ốm yếu, thì dù chúng ta có nỗ lực đến đâu cũng không thể bù đắp được vì hầu như mọi chuyện đã được “an bài”. Vì vậy, việc hỗ trợ dinh dưỡng ở giai đoạn này đạt kết quả tối ưu so với bất kỳ giai đoạn nào khác trong cuộc đời của trẻ.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video