Triển vọng cây mì

07/01/2006
Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 8.000 ha mì, sản lượng đạt 170.000 tấn/năm. Năm 2006, nông dân có thêm niềm vui mới: Nhà máy Chế biến tinh bột mì xuất khẩu (CBTBMXK) Bình Định sẽ chính thức đi vào hoạt động, là điều kiện thuận lợi cho bà con giải quyết đầu ra nông sản.

* Tăng diện tích và sản lượng mì

Mì là một trong những loại cây trồng thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng đất đai ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hơn nữa, chi phí đầu tư giống, phân bón và công chăm sóc thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, nên đã và đang thu hút được sự quan tâm của nông dân trong tỉnh.

Hiện nay, nhiều địa phương xem cây mì là cây trồng xóa đói giảm nghèo nên đã khuyến khích nông dân phát triển. Điển hình như ở huyện Phù Mỹ, để phát triển cây mì, UBND huyện đã đầu tư xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống mì cao sản, chuyển giao các quy trình kỹ thuật cho nông dân và vận động nông dân cải tạo đất vườn, đất đồi, chuyển đổi những loại cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng mì. Nhờ đó, đến nay huyện Phù Mỹ đã có trên 1.000 ha mì, trong đó có trên 60% là mì cao sản.

Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định, Lâm trường Sông Kôn, Tổng Công ty sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định, Công ty Thương mại và phát triển miền núi Bình Định đã góp vốn thành lập Công ty Cổ phần CBTBMXK, xây dựng Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu tại thôn Hữu Lộc, xã Mỹ Hiệp - Phù Mỹ với công suất 25.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư trên 50 tỉ đồng. Hiện nay nhà máy đã đi vào sản xuất thử, và sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2006.

Ông Huỳnh Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết: "Bình quân mỗi năm, bà con nông dân đã sản xuất được trên 14.000 tấn mì. Cây mì không những góp phần tăng thu nhập cho nông dân mà còn giải quyết được cho hàng ngàn lao động ở địa phương".

Các huyện Phù Cát, Hoài Ân, Tây Sơn… cũng đã khuyến khích nông dân phát triển cây mì, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân, góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo ở các địa phương này. Đặc biệt, hai năm gần đây, nhờ làm tốt công tác đưa các giống mì cao sản và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới cho nông dân, nên năng suất và chất lượng mì trong tỉnh ngày càng cao.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 8.000 ha mì, trong đó có gần 90% diện tích là mì cao sản, sản lượng đạt 170.000 tấn/ năm.

Hiện nay nhu cầu tiêu thụ tinh bột mì trong và ngoài tỉnh khá cao. Riêng ở Bình Định đã có một số khách hàng đến từ các nước Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan… đặt mua sản phẩm tinh bột mì. Tuy vậy, phần lớn sản phẩm tinh bột mì ở Bình Định chủ yếu là chế biến thủ công, chất lượng không cao, nông dân thường bán sản phẩm của mình cho các tư thương với giá thấp.

* Triển vọng mới

Để đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ cho chế biến, UBND tỉnh đã quy hoạch vùng nguyên liệu mì trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 4.400 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tây Sơn, giao cho Công ty Cổ phần CBTBMXK phối hợp với các địa phương bố trí trồng rải vụ trong năm bằng các giống mì cao sản để đảm bảo công suất hoạt động của nhà máy.

Ông Đỗ Văn Tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần CBTBMXK Bình Định cho biết: "Chúng tôi nhận thấy rằng, đầu tư xây dựng Nhà máy CBTBMXK là việc làm cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của các ngành và các đơn vị liên doanh. Hiện nay, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy, chúng tôi đã phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương xây dựng vùng nguyên liệu mì diện tích khoảng 6.667 ha, đồng thời tiến hành ký hợp đồng bao tiêu nông sản với giá có lợi cho nông dân. Việc xây dựng Nhà máy CBTBMXK sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của cây mì, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, khai thác và sử dụng quỹ đất một cách hợp lý và có hiệu quả hơn".

Phạm Tiến Sỹ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video