Trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS: Những khó khăn, vướng mắc

19/12/2010
Khoản 1, Điều 4, Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật phòng, chống HIV/AIDS) quy định rất rõ quyền của người nhiễm HIV/AIDS (người có H) là: Sống hòa nhập với cộng đồng xã hội; được điều trị và chăm sóc sức khỏe; được học văn hóa, học nghề, làm việc; được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS; được từ chối khám bệnh, chữa bệnh khi đang điều trị bệnh AIDS trong giai đoạn cuối và được đảm bảo các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Quy định thì như vậy, nhưng thực tế thời gian qua, không ít người có H vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử; gặp khó khăn khi tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tìm việc làm, học tập… Đặc biệt, trẻ em nhiễm HIV lại càng khó khăn hơn khi xin đi học.

 

Trước thực trạng như vậy, nhằm giúp người có H tự tin vươn lên trong cuộc sống, chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời chống sự kỳ thị, phân biệt đối xử của cộng đồng với họ, nhà nước ta đã có chính sách trợ giúp pháp lý cho người có H. Theo chính sách này, người có H cũng được trợ giúp pháp lý như các đối tượng thuộc diện khác, tức là được tư vấn pháp luật, cử luật sư đại diện bào chữa tại tòa, đại diện ngoài tố tụng và các hình thức khác. Những quy định về trợ giúp pháp lý cho người có H rất rõ ràng, song trong quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Dương Công Luyện, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho biết: Thời gian qua, tuy công tác truyền thông về HIV/AIDS và tuyên truyền pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai tích cực nhưng chưa thực sự sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Một số địa phương chưa quan tâm nhiều đến việc truyền thông về HIV/AIDS đối với cán bộ lãnh đạo các cấp và những người có liên quan đến việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV và người ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Do đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người có H vẫn còn rất nặng nề. Chính sự kỳ thị, phân biệt đối xử từ cộng đồng mà người có H chưa tự khai báo danh tính, gây khó khăn trong công tác tuyền thông hỗ trợ, chăm sóc, điều trị, cạn thiệp giảm tác hại. Cùng đó, sự phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống HIV/AIDS tuy có được triển khai nhưng chưa thường xuyên. Khó khăn nữa là, Chính phủ ban hành Nghị định 45/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, trong đó có quy định xử phạt vi phạm hành chính trong phòng, chống HIV/AIDS nhưng lại chưa được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với quy định của Luật phòng, chống HIV/AIDS nên còn thiếu rất nhiều hành vi vi phạm chưa được quy định mức phạt, đồng thời, mức phạt cũ quá thấp nên chưa đủ tính răn đe phòng ngừa. Thêm nữa, Luật phòng, chống HIV/AIDS đã quy định rất rõ, HIV/AIDS là một căn bệnh, người có H là người bệnh, nhưng tại Thông tư liên bộ số 12/TTLB ngày 26/7/1995 của Bộ Y tế - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về tiêu chuẩn thương tật và tiêu chuẩn bệnh tật mới lại không liệt kê bệnh HIV/AIDS trong danh mục, do đó không có cơ sở để giám định tỷ lệ thương tật cho người bệnh HIV/AIDS khi có nhu cầu. Đặc biệt, người có H chủ động tìm đến Trung tâm xin được trợ giúp pháp lý rất ít, tính từ năm 2008 đến 2010 mới có 3 trường hợp. Từ những khó khăn đó mà công tác trợ giúp pháp lý cho người có H thời gian qua chưa phát huy hiệu quả.

   

Ở Lạng Sơn, số người nhiễm HIV/AIDS tính đến hết tháng 10/2010 là 3.106 trường hợp; 133/226 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV/AIDS. Những người này sống tại cộng đồng vẫn gặp không ít khó khăn, nên họ rất cần được trợ giúp pháp lý. Vậy, để công tác trợ giúp pháp lý cho người có H phát huy hiệu quả hơn trong thời gian tới, việc đầu tiên là đẩy mạnh truyền thông về HIV/AIDS và pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư, chú trọng truyền thông đối với lãnh đạo các cấp, những người có liên quan đến việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người nhiễm HIV và người bị ảnh hưởng bởi HIV; đẩy mạnh công tác phòng chống HIV trong các trường học, cơ sở giáo dục. Việc hỗ trợ và đảm bảo quyền cho người có H thì không chỉ riêng ngành nào, cấp nào làm được mà phải có sự tham gia tích cực của các cơ quan nhà nước, các ngành, các cấp, các tổ chức và cộng đồng cùng vào cuộc đấu tranh chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người có H. Đặc biệt là cần sớm bổ sung bệnh HIV/AIDS vào danh mục bệnh tật trong Thông tư liên bộ về tiêu chuẩn thương tật và bệnh tật mới; có quy chế phối hợp liên ngành trong phòng chống HIV/AIDS.

Theo baolangson (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video