Trói “người phụ nữ bị đày đoạ” là đáng lên án!

10/01/2010
Dù bất cứ lý do gì thì hành vi bắt trói người, quăng ra đường, ngăn cản người đến giải cứu nạn nhân là hành vi đáng lên án và vi phạm pháp luật.

Trói người là sai

Trao đổi với PV VietNamNet, bà Nguyễn Thị Kim Vui, Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Tân Phú (TP.HCM) cho biết vụ việc trên đã bắt đầu nảy sinh từ năm 2007. Thông tin Hội Phụ nữ xác minh: Ngày 2/1 vừa qua, chị Trinh đã có một số hành vi đập phá, gây mất trật tự đối với gia đình ông Tuấn. Trước đó, địa phương từng xử lý vi phạm hành chính chị Trinh về vấn đề này.

Tuy nhiên, bà khẳng định hành vi trói người của phía gia đình ông Tuấn là sai phạm. Hội Phụ nữ quận đã đề nghị cơ quan công xử lý vi phạm hành chính những người liên quan trong vụ việc. Theo bà, nguyên nhân vụ việc cũng có phần xuất phát từ chị Trinh, do đó phía Hội cũng đã đề nghị công an xử lý hành chính cả chị Trinh.


Theo Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM, pháp luật nước ta hiện nay quy định rất chặt chẽ, rõ ràng về quyền bất khả xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của con người. Dù bất cứ lý do gì thì hành vi bắt trói người, quăng ra đường, ngăn cản người đến giải cứu nạn nhân là hành vi đáng lên án và vi phạm pháp luật.

Căn cứ vào các thông tin mà VietNamNet nêu, hành động của gia đình ông Tuấn có thể xem xét đã vi phạm pháp luật hình sự về tội "làm nhục người khác" được quy định tại khoản 1, Điều 121 Bộ luật Hình sự (BLHS). Đặc biệt, bà Nga ngày 7/12/2009 đã từng trói chị Trinh, nếu ngày 2/1 vừa qua bà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi bắt trói chị Trinh thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 121 BLHS (phạm tội nhiều lần).

Tuy nhiên, cần xem xét cặn kẽ động cơ, mục đích của cả hai bên; xem xét mức độ thương tích của chị Trinh để làm cơ sở xác định mức độ nguy hiểm của hành vi mà quyết định xử phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Huỳnh Thị Phương Nga, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng những người thực hiện hành vi trói chị Trinh đã vi phạm pháp luật, có dấu hiệu vi phạm một trong các tội như “cố ý gây thương tích” hay “làm nhục người khác” được quy định trong BLHS.

Điều tra rõ hành vi

Theo Luật sư Nga, phía cơ quan chức năng cần điều tra làm rõ hành vi, mức độ vi phạm, hậu quả vụ việc để xác định sai phạm đến đâu xử lý đến đó. Nếu chị Trinh bị tỷ lệ thương tật từ 11% trở lên thì có thể khởi tố vụ án về tội “cố ý gây thương tích”. Nếu không, những người liên quan phía gia đình ông Tuấn có thể bị xử lý theo tội “làm nhục người khác” khi chị Trinh có yêu cầu.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban Tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM nhận định: Trước hết, hành vi trói người là đã vi phạm pháp luật. Cụ thể: vi phạm vào Điều 32 của Bộ luật Dân sự về quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể của cá nhân và Điều 37 của Bộ luật Dân sự về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân. Theo đó, “Cá nhân có quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể...”, “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.” Khi xảy ra vi phạm trên, chị Trinh có thể bảo vệ quyền lợi cho mình theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật Dân sự về bảo vệ quyền nhân thân, chị có quyền yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại.


Riêng về trách nhiệm hình sự, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ các tình tiết khách quan để xác định có cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 121 về tội “làm nhục người khác” hay Điều 123 về tội “bắt giữ người trái pháp luật” hay không, từ đó mới có cơ sở xử lý.

Các tin liên quan

Theo Vietnamnet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video