Trong khó khăn, phụ nữ càng khẳng định vai trò đối với sự phát triển đất nước

31/01/2022
Năm 2021 với vô vàn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phụ nữ tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga đã trả lời phỏng vấn của báo PNVN.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga

PV: Kính thưa Chủ tịch, 2021 là một năm đầy thử thách với phụ nữ Việt Nam nhưng cũng trong gian khó, bản lĩnh của người phụ nữ lại tỏa sáng trên các lĩnh vực. Xin Chủ tịch cho biết những dấu ấn của phụ nữ Việt Nam trong năm qua?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Năm 2021 tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức không chỉ riêng với Việt Nam mà còn là năm có nhiều biến động đối với mọi quốc gia trên thế giới. Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 làm đảo lộn và gây ra hậu quả khôn lường tới nền kinh tế, tới cuộc sống của người dân, trong đó phụ nữ và trẻ em là những đối tượng chịu tác động nghiêm trọng và lâu dài. Tuy vậy, cùng với hệ thống chính trị, cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ khắp cả nước đã luôn nỗ lực không ngừng, tích cực học tập, lao động, khẳng định vai trò quan trọng của giới mình đối với sự phát triển của đất nước.

- Trong lĩnh vực chính trị: Năm 2021 là năm ghi dấu ấn mạnh mẽ với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV đạt 30,26%. Lần đầu tiên sau 45 năm chúng ta đạt tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội trên 30%. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND ở các địa phương đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Đây là những con số rất ấn tượng, là kết quả của sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của phụ nữ và công tác phụ nữ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của các cấp Hội LHPN và sự tin tưởng của đông đảo cử tri cả nước. Đặc biệt, đây là sự nỗ lực phấn đấu không ngừng và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ nữ ở tất cả các cấp.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tham gia bỏ phiếu tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ngày 23/5/2021. Ảnh Thu Sương

- Trong lĩnh vực y tế - xã hội, đặc biệt là trong cuộc chiến chống Covid-19, phụ nữ đã có mặt ở hầu hết các đội hình: từ y, bác sĩ, nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện đến các nhà khoa học nữ tham gia vào các công trình nghiên cứu vắc-xin, thuốc điều trị và các sản phẩm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19; các nữ cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, khu cách ly y tế, cho đến các chị em tham gia Tổ phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng, đảm nhận bếp ăn yêu thương, tiếp nhận, phân chia, vận chuyển hàng hóa hỗ trợ người dân… Đã có người ra đi vĩnh viễn, có những chị em không may nhiễm bệnh nhưng sau quá trình điều trị trở về lại tiếp tục xung phong tham gia phòng, chống dịch. Việc làm của các chị không chỉ góp phần đẩy lùi dịch bệnh mà còn lan toả mạnh mẽ một thông điệp rằng, nơi nào cần đều có chúng tôi - những người phụ nữ Việt Nam không quản khó khăn, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng vì cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống và những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ phụ nữ, cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước đã tham gia phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình "đi chợ giúp dân"; "Gian hàng 0 đồng"; "Bếp cơm mùa dịch", "Chuyến xe yêu thương vì miền Nam ruột thịt"…

- Trong lĩnh vực kinh tế: Trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp giải thể hoặc "ngủ đông" nhưng nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, đặc biệt là các mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã linh hoạt tìm được cách thích ứng. Bằng chứng là số lượng dự án gửi về dự thi cấp trung ương Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp lần thứ 4 với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP" năm 2021 tăng 1,6 lần so với năm 2020. Điều này cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm khôi phục và phát triển kinh tế hậu Covid-19 của phụ nữ. Dám nghĩ, dám làm, mạnh mẽ và tự tin, phụ nữ khởi nghiệp luôn nỗ lực, sáng tạo không ngừng để duy trì sản xuất, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chuyển đổi mặt hàng theo nhu cầu của thị trường…. Các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam giúp phụ nữ làm chủ công cụ số để truyền thông, xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP... chính là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm sức mạnh cho phụ nữ khởi nghiệp.

PV: Góp phần đạt được kết quả đó có vai trò nòng cốt của cán bộ Hội LHPN các cấp. Hình ảnh nào trong hoạt động Hội để lại nhiều ấn tượng với Chủ tịch trong năm?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Năm 2021 dẫu là năm đầy thử thách, khó khăn nhưng hoạt động của các cấp Hội LHPN Việt Nam đã có những kết quả thực sự đáng tự hào, trong đó, phải nhắc tới tinh thần tương trợ, giúp đỡ, chia sẻ khó khăn của các cấp Hội đối với phụ nữ, trẻ em ở các vùng tâm dịch.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn dân đoàn kết phòng, chống đại dịch Covid-19 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động và nhằm cụ thể hóa Chương trình "Triệu phần quà đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19" do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức thành viên thực hiện, Hội đã phát động phong trào "Phụ nữ cả nước vì miền Nam ruột thịt", Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương", Chương trình "Mẹ đỡ đầu" và chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, mang đậm dấu ấn của tổ chức Hội và phụ nữ, qua đó thể hiện rõ vai trò chủ động, đi đầu của tổ chức Hội trong việc chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, phụ nữ. 

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ trái sang) và đại diện Công ty Cổ phần du lịch Hòa Bình trao bảng tượng trưng tặng các phần quà cho Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp

Tôi thực sự xúc động trước hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), dù đã 95 tuổi vẫn ngày đêm cặm cụi may những chiếc khẩu trang nghĩa tình gửi tặng các gia đình khó khăn; hình ảnh chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, nguyên Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) không quản ngày đêm tham gia hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng và đã không bao giờ trở về do nhiễm Covid-19. Tôi cũng vô cùng ấn tượng trước tấm lòng của các cô, các dì cán bộ Hội tham gia "Tổ phòng, chống Covid cộng đồng", tay đeo băng đỏ cần mẫn đi từng nhà, gặp từng người để hướng dẫn, nhắc nhở thực hiện 5K; những chị em trên khắp mọi nẻo đường sẵn sàng bỏ dở những bữa cơm, giấc ngủ, lăn lộn với cơ sở, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà người dân nghèo; những hội viên mang từng cân gạo mới xát còn ấm nóng ủng hộ Chương trình "Triệu phần quà san sẻ yêu thương"; những chuyến xe đầy ắp nhu yếu phẩm của phụ nữ các tỉnh vừa trải qua tâm dịch đã đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của tỉnh bạn...

Chúng ta chắc hẳn đều rất trân trọng trước sự quan tâm của các tỉnh, thành với những chuyến bay, chuyến xe ấm áp tình đồng bào đón lao động nữ, phụ nữ mang thai và trẻ em từ vùng tâm dịch trở về quê. Cũng thật cảm động và ấm lòng biết bao trước hình ảnh các nữ y, bác sĩ đang ngày đêm gắng sức chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân nặng vẫn tranh thủ dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để chăm sóc, vỗ về những em bé sơ sinh ở các bệnh viện dã chiến phải xa mẹ ngay từ khi mới chào đời.

PV: Còn điều gì khiến Chủ tịch băn khoăn, trăn trở?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Điều làm tôi thực sự trăn trở, day dứt là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, cũng như các lực lượng khác, tổ chức Hội và nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề, đã có những mất mát và hy sinh. Tính đến hết tháng 11/2021, Trung ương Hội đã hỗ trợ cho 404 cán bộ Hội các cấp của 19 tỉnh/thành nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 30 chị đã tử vong. Đối với trẻ em, có hơn 2.700 trẻ đã mất đi cha mẹ, mất đi sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, thường xuyên thì sức khoẻ tâm lý và tinh thần cũng như cơ hội thành công của trẻ sẽ bị ảnh hưởng và sẽ tác động tới cuộc sống sau này.

Bên cạnh đó, cuộc sống của hàng ngàn phụ nữ, trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng thất nghiệp kéo dài, trong đó nhiều phụ nữ nghèo phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn, mất kế sinh nhai và bị bạo hành nhiều hơn. Số lượng các vụ bạo lực gia đình trong thời gian giãn cách xã hội có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo, đường dây nóng Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội, Ngôi nhà Ánh dương tại Quảng Ninh nhận được gấp đôi số cuộc gọi kêu cứu trong những tháng giãn cách so với cùng kỳ những năm trước đó. Bên cạnh đó, trách nhiệm chăm sóc người già, người ốm tại nhà trong bối cảnh dịch bệnh, việc đồng hành cùng con học online trong khi vẫn phải làm việc tại nhà đã tạo thêm nhiều áp lực tinh thần cho phụ nữ, khiến cho "gánh nặng kép" trên vai phụ nữ trở nên nặng nề hơn, làm giảm khả năng và tốc độ phục hồi của họ sau đại dịch.

Dịch bệnh kéo dài, phức tạp cũng ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống, việc làm, sinh hoạt của phụ nữ, người dân. Nhiều chị em phải rút bảo hiểm xã hội sớm do mất việc làm, khó khăn về kinh tế. Những dòng người từ thành phố, đô thị, khu đông dân cư kéo về quê, về địa phương, về nông thôn với số lượng lớn khiến khả năng phục hồi sinh kế sau đại dịch ở các địa phương hết sức khó khăn.

PV: Năm 2022 sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và mở đầu cho một nhiệm kỳ mới. Xin Chủ tịch cho biết những vấn đề các cấp Hội cần quan tâm để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII (nhiệm kỳ 2022-2027) dự kiến tổ chức vào tháng 3/2022 tại Hà Nội với tinh thần "Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", hướng đến phát huy truyền thống, đoàn kết, sáng tạo, chủ động hội nhập; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, vì hạnh phúc của phụ nữ, vì đất nước phồn vinh. Đây sẽ là ngày hội lớn và cũng là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng của các tầng lớp phụ nữ, mở ra một nhiệm kỳ mới với những nội dung thực sự thiết thực và cách làm đổi mới, hiệu quả hơn.

Trước yêu cầu phát triển nhanh và cao hơn của đất nước, trong điều kiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực, nhất là dịch bệnh Covid-19, đặt ra cho các cấp Hội nhiệm kỳ tới phải tiếp tục sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy tính tự chủ, vươn lên của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Phấn đấu thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, các phong trào thi đua, các cuộc vận động vì sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của phụ nữ; đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Để phát huy tốt tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, các cấp Hội cần tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề sau:

Một là, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ để phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các lực lượng phụ nữ Việt Nam.

Hai là, tập trung vào đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành hoạt động Hội. Tăng cường phân cấp trong tổ chức hoạt động theo phương châm "Trung ương định hướng chiến lược, Tỉnh vận dụng sáng tạo, Huyện đồng hành cơ sở, Xã nắm chắc hội viên, Chi thấu hiểu phụ nữ". Tham mưu, đề xuất và tích cực tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân hưởng thụ".

Ba là, cùng với tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội cần quan tâm hỗ trợ phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, xây dựng tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội, góp phần giải quyết tốt những vấn đề đang đặt ra đối với gia đình hiện nay, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em ngay trong gia đình, cộng đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo sức khỏe cho phụ nữ; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chính sách về dân tộc, tôn giáo, hỗ trợ phụ nữ khó khăn, yếu thế; thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Bốn là, không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong các cấp Hội. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao; gắn bó với công tác Hội và phụ nữ; có đạo đức, lối sống trong sáng; có trình độ, hiểu biết pháp luật; có bản lĩnh, mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Lấy sự hài lòng của phụ nữ làm tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động Hội và chất lượng đội ngũ cán bộ.

Các đại biểu biểu quyết thông qua danh sách Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Cà Mau khoá XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Báo Cà Mau

PV: Một mùa Xuân mới đang về mang theo bao niềm tin, ước vọng, xin Chủ tịch gửi lời chúc đầu Xuân năm mới tới phụ nữ Việt Nam?

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga: Nhân dịp bước sang năm mới 2022 và đón Xuân Nhâm Dần, thay mặt Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi xin trân trọng gửi tới các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các bà, các mẹ, các thế hệ cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ cả nước, phụ nữ Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài những tình cảm thân thương, quý trọng nhất. Năm 2021 là một năm đầy thử thách nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ Việt Nam đã kiên cường tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19; đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi tin tưởng rằng, truyền thống tốt đẹp, tinh thần tự chủ, khát vọng vươn lên sẽ tiếp tục là hành trang quý báu của phụ nữ Việt Nam trong năm Nhâm Dần 2022.

Mừng Xuân mới, với tất cả tình cảm trân trọng, quý mến, tôi xin chúc các bà, các mẹ và toàn thể chị em cùng gia đình luôn dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video