Trông người lại nghĩ…

09/02/2009
Từ đầu năm nay, Liên minh châu Âu đã tuyên bố, hoạt động sản xuất các bóng đèn sợi đốt (dây tóc) sẽ bắt đầu được tiết giảm. Và, từ tháng 9-2009, toàn bộ các bóng đèn dây tóc tiêu thụ từ 100 watt điện trở lên sẽ bị cấm sử dụng.

Tới năm 2012, toàn bộ các bóng đèn kiểu cũ sẽ biến mất ở châu Âu. Không chỉ thế, các nhà khoa học châu Âu còn đang nghiên cứu để chuẩn bị sản xuất hàng loạt LED, loại bóng đèn có khả năng tiết kiệm điện hơn nhiều so với bóng đèn huỳnh quang - vốn nổi tiếng là tiết kiệm năng lượng và hiện đang được sử dụng rộng rãi.

Ở nước ta, hiện vẫn chưa có “thiết chế” nào nghĩ tới chuyện cấm sử dụng đèn sợi đốt, thứ thiết bị chiếu sáng “nổi tiếng” tiêu hao nhiều điện năng. Loại bóng đèn compact hiện vẫn chỉ là thứ được khuyến khích sử dụng.

Châu Âu vốn là khu vực giàu có về điện năng, với những nhà máy điện nguyên tử hiện đại sản xuất điện hàng hóa với giá rất rẻ. Vậy mà, họ vẫn quyết tâm bằng mọi hình thức để tiết kiệm năng lượng.

Ở Việt Nam, mặc dù năm 2009 sẽ có nhiều nguồn điện được đưa vào vận hành (thủy điện, nhiệt điện khí đốt...), nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nguy cơ về thiếu điện, đặc biệt là vào mùa khô này chưa phải đã hết khi chưa có công suất dự phòng...

Trước tình trạng thiếu điện gay gắt ở các khu vực, nhất là miền Bắc, EVN đã phải áp dụng khống chế công suất với các đơn vị phân phối điện, áp dụng giá điện cao gấp 3 lần đối với những đơn vị vượt quá công suất được phân bổ vào giờ cao điểm và gần gấp 2 lần với giờ bình thường. Việc này đồng nghĩa với việc, buộc các sở điện lực phải cắt điện luân phiên.

Liên tục trong những mùa cao điểm gần đây, việc tiết kiệm điện đã được Chính phủ và các cơ quan chức năng kêu gọi. Đã có nhiều cơ quan, công sở nhà dân tiết giảm tối đa những thiết bị sử dụng điện không cần thiết. Thế nhưng, thiếu vẫn hoàn thiếu.

Để đảm bảo nguồn điện - thứ “cơ sở vật chất” không thể thiếu trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, là việc đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất điện. Tuy nhiên, song song với việc mở mang nguồn điện, rất cần ý thức tiết kiệm điện của những hộ sử dụng, tiêu thụ điện. Còn khi người sử dụng điện thiếu ý thức tiết kiệm, thì lại cần những quy định mang tính pháp lý (như việc tiến tới loại bỏ hoàn toàn bóng đèn sợi đốt) để điều chỉnh.

Phải chăng, đã đến lúc, điện - nguồn năng lượng sống còn của một quốc gia - cần được bảo vệ bằng pháp lý? Đây cũng là một giải pháp cần được ưu tiên trước một nền kinh tế năm 2009, đã được dự báo có nhiều khó khăn, thách thức.

Theo sggp.org.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video