Trung Quốc: Những người phụ nữ đi đầu trong ‘cách mạng rượu vang’ Trung Quốc

14/01/2019
Mặt trời dần lên cao, tiếng xào xạc vang khắp vùng đồng bằng ngoại ô thành phố Ngân Xuyên, thủ phủ khu tự trị Ninh Hạ. Khi sương mù dần tan, để lộ núi Helan, hàng chục phụ nữ xuất hiện và bắt đầu thu hoạch nho.

Cách đây 20 năm, trước khi những vườn nho xuất hiện, khu vực gần sa mạc Gobi này gần như không có gì ngoài những dải cát, nông dân sinh sống thưa thớt và tự cung tự cấp.

“Khi còn nhỏ, tôi thường đào hố trên sa mạc. Tôi trốn trong đó, chơi đùa với các bạn”, Ren Yanling, 41 tuổi, nhớ lại trong phút nghỉ ngơi hiếm hoi tại phòng thí nghiệm của bà.

Ren sinh ra tại làng Yuquanying, gần với xưởng rượu Núi Helan, thuộc sở hữu của Pernod Ricard, người Pháp đa quốc tịch. Bà hiện là trưởng bộ phận làm rượu tại xưởng. Cha mẹ Ren trồng nho từ những năm 1990.

“Khi 15 tuổi, tôi thường lén lút uống rượu vang của gia đình”, Ren nói với SCMP. “Cha mẹ không cho phép nhưng tôi thực sự tận hưởng nó”.

Ren chỉ là một trong số nhiều phụ nữ là chủ xưởng rượu, nhà quản lý và làm rượu đang dẫn đầu cuộc cách mạng rượu vang tại Trung Quốc. Một số còn trẻ, số khác đã kinh doanh hàng chục năm, đang hoàn thiện những kỹ năng sản xuất rượu và liên kết với các thương hiệu quốc tế hàng đầu. Tại Ninh Hạ, việc chú trọng vào chi tiết và chất lượng đã giúp ngành công nghiệp này bùng nổ.

“Phụ nữ có bản năng làm mẹ bẩm sinh. Làm rượu cũng giống như chăm sóc một đứa bé”, Zhou Shuzhen, 56 tuổi, nói. Bà Zhou là một trong số những người đầu tiên làm rượu tại khu vực và đang làm việc cho nhiều xưởng rượu. “Bạn cần phải kiên nhẫn và có mặt tại mọi công đoạn. Đó đều là những đặc điểm phụ nữ sở hữu”.

 08-43-20_2

 Công nhân tại Pigeon Hill, một trong những xưởng làm rượu vang lớn nhất Ninh Hạ


Nhờ tầm nhìn và sự cống hiến của họ, Ninh Hạ đã từ vùng nông thôn nghèo khó trở thành khu vực đi đầu trong sản xuất rượu. Ninh Hạ hiện có khoảng 40.000 hecta trồng nho và 200 xưởng rượu, hầu hết đều chú trọng vào chất lượng, chỉ sản xuất chưa đầy 100.000 chai/năm. Rượu Ninh Hạ đã chiến thắng trong nhiều cuộc thi quốc tế và hiện có thể tìm thấy tại các nhà hàng, khách sạn và cửa hàng trên thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn đầu của cuộc cách mạng này từng không mang nhiều hứa hẹn.

Dù đã có mặt tại Trung Quốc từ rất lâu, mối quan hệ giữa người tiêu dùng và rượu vang chỉ thực sự phát triển trong giai đoạn thập niên 1980 và 1990, khi Bắc Kinh không khuyến khích người dân sử dụng rượu baijiu – loại rượu ngũ cốc đã tiêu tốn hàng nghìn tấn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Trung Quốc ca ngợi lợi ích sức khỏe do rượu vang mang lại. Những người đi châu Âu cũng đã quen với sản phẩm này.

“Trung Quốc lúc đó sản xuất một thứ hỗn hợp nước ép nho, chất làm ngọt và rượu. Đó không phải rượu vang”, Zhou nói. Năm 1983, bà là một trong 9 người được chọn tham gia khóa học làm rượu vang tại huyện Xương Lê, tỉnh Hà Bắc.

“Đó là một thứ rượu vang đỏ. Chúng tôi sử dụng nhiều loại nho địa phương nhưng không quen lên men. Kết quả là một thứ rượu nặng và rất khó uống, màu đậm nhưng không có nhiều hương vị”. Một quan chức địa phương uống thử và mô tả là “kinh tởm”, so sánh sản phẩm với nước tương.

Sau nhiều thất bại, một ngành công nghiệp non trẻ ra đời. Tại Ninh Hạ, sa mạc được cải tạo thành đất trồng, nho giống nhập từ châu Âu và sông Hoàng Hà gần đó được dùng làm nguồn cung cấp nước tưới. Các xưởng rượu vang được thuê đất giá rẻ. Chính quyền địa phương bắt đầu cung cấp học bổng ngành làm rượu vang và tổ chức nhiều cuộc thi đa quốc gia.

Những nỗ lực trên dần mang lại kết quả. Năm 2007, rượu vang là ngành công nghiệp lớn thứ hai của Ninh Hạ, sau ngành than.

Trung Quốc có nhiều vùng sản xuất rượu vang nhưng rượu vang Ninh Hạ dường như tốt nhất. Với vị trí cao, địa hình cát, khô, thời gian nắng dài và lượng mưa thấp, nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu cũng giảm. Khoảng 90% hoạt động sản xuất tại đây là rượu vang đỏ. Những trái nho tươi, thơm và giàu hương vị từ các cây chưa quá 20 năm tuổi giúp bù đắp một số khiếm khuyết trong rượu Ninh Hạ.

Zhang Jing, 41 tuổi, chủ xưởng rượu vang Helan Qingxue, thành lập năm 2005, cho biết họ chỉ là một xưởng nhỏ nhưng mọi người ở đây giống như một gia đình, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau bởi họ “có chung giấc mơ”. Zhang tiếp xúc rượu vang lần đầu năm 1998, lúc làm việc tại hiệp hội rượu vang Ninh Hạ, và lập tức đam mê ngành công nghiệp này.

Khi màn đêm chuẩn bị buông xuống Ninh Hạ, các công nhân trở về xưởng làm rượu, mang theo những thùng nho tươi. Nho lập tức được phân loại, ép. Nước ép chảy vào đầy các thùng chứa bằng thép để chuẩn bị lên men.

“Mỗi lần thử rượu trong thùng, tôi lại thấy bất ngờ bởi cách nó liên tục thay đổi và tiến triển. Làm rượu bao gồm hoạt động nghiên cứu bất tận. Bạn không thể bảo thủ mà cần phải sáng tạo, đổi mới”.

Dù rượu vang Ninh Hạ chưa thể sánh kịp về chất lượng so với rượu vang Pháp, Italy, Zhou vẫn tin khu vực đã có những yếu tố cần thiết để cạnh tranh trên thế giới.

“Tôi thấy tự hào khi được chứng kiến cấp độ mà ngành công nghiệp này đã đạt được”, Zhou mỉm cười nói. “Ngày càng có nhiều nhà sản xuất rượu vang chu du thế giới và học hỏi kỹ thuật mới, giúp chúng tôi cải thiện”.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất rượu vang lớn thứ 6 thế giới, tiêu thụ rượu vang nhiều thứ 5 thế giới, nhưng mức tiêu thụ bình quân đầu người chỉ là 1,7 chai/năm. Baijiu và bia vẫn là thức uống được ưa thích hơn. Rượu vang Ninh Hạ đang từ từ tiếp cận thị trường Thượng Hải, Quảng Châu và Hong Kong.

“Chặng đường phải đi còn dài nhưng tôi rất tin vào tương lai của chúng tôi”, theo Zhou.

nongnghiep.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video