Trừng trị bọn tội phạm buôn người

18/04/2006
Từ năm 1998 đến nay, cả nước đã phát hiện 4.527 phụ nữ, trẻ em (PN, TE) bị buôn bán. Thủ đoạn của bọn chúng là lợi dụng số PN, TE ở một số tỉnh, vùng nông thôn nghèo có trình độ văn hóa thấp kém, kinh tế khó khăn, thiếu việc làm... đưa qua biên giới bán cho các chủ chứa mại dâm hoặc các tổ chức tội phạm ở nước ngoài

Nghìn lẻ những thủ đoạn buôn bán phụ nữ, trẻ em

 

Bọn tội phạm rất khôn khéo, biết lựa chọn số PN,TE ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa ít được học hành, thiếu hiểu biết để dễ lừa gạt. Chúng vẽ ra những viễn cảnh sẽ có việc làm nhẹ nhàng, ổn định, lương cao ở thành phố để dụ dỗ mọi người. Số đối tượng khác lợi dụng sơ hở trong tư vấn môi giới hôn nhân với người nước ngoài, cho nhận con nuôi, đi du lịch, thăm thân, đi hợp tác lao động để lừa gạt không ít PN, TE ra nước ngoài bán. Chưa hết, bọn tội phạm còn  lợi dụng chính sách mở cửa, thông qua tiếp xúc, làm quen với một số phụ nữ tạo mối quan hệ thân thiện, thậm chí "yêu nhau", hứa hẹn làm tin sau khi đi nước ngoài về sẽ cưới. Thế nhưng bọn chúng đã đưa thẳng họ sang một số nước và bọn cò mồi đã chờ sẵn để tiếp nhận, đưa đến nhà chứa, hoặc bán trao tay ngay cho một số đối tượng khác.

 

Ðối với tuyến biên giới Việt - Trung, bọn tội phạm thường lừa gạt các cô gái dưới danh nghĩa rủ họ đi làm ăn, buôn bán,  mang vác hàng hóa, đi du lịch thăm thân, qua lại biên giới một vài  lần tạo lòng tin, rồi chuyển giao cho số đối tượng đã chờ sẵn ở Quảng Tây, Vân Nam để bán họ vào các động mại dâm hoặc hôn nhân bất hợp pháp.

 

Ở tuyến biên giới Tây Nam, lợi dụng địa bàn qua lại biên giới thuận tiện, chúng lừa gạt PN, TE đưa qua đường sông, kênh rạch, các đường hẻm, nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan pháp luật. Tại Campuchia, chúng bán ngay một số PN, TE cho các nhà chứa, một số bán sang nước thứ ba là Thái-lan, Malaysia. Nghiêm trọng hơn cả là để che mắt các cơ quan thực thi pháp luật, bọn tội phạm đã lợi dụng và sử dụng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại thiết lập các đường dây buôn bán, đường dây gái gọi qua mạng, qua điện thoại di động, tổ chức các chuyến du lịch tình dục xuyên quốc gia.

 

Qua thống kê cho thấy số PN, TE bị buôn bán ra nước ngoài ngày một gia tăng, chủ yếu phục vụ hoạt động mại dâm, hôn nhân ép buộc hoặc giúp việc  gia đình với thời gian lao động quá sức. Nhiều PN, TE đã trở thành hàng hóa được rao bán trên các kênh truyền hình hoặc chợ lao động. Hầu hết số nạn nhân khi bị buôn bán ra nước ngoài mới biết mình bị lừa.

 

Nạn nhân là ai?

 

Tính riêng năm 2005, lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã điều tra khám phá 201 vụ, bắt 220 đối tượng buôn bán PN, TE. Thực ra việc nhận dạng những kẻ buôn người không khó, nạn nhân chủ yếu do thiếu hiểu biết, hoặc tham tiền nên mới dễ bị lừa. Trong chuyên án 305 PN của công an Cao Bằng, các đối tượng thú nhận đã 22 lần đưa 65 PN, TE bán sang Trung Quốc, cũng với thủ đoạn rủ đi làm ăn buôn bán, mang vác hàng hóa có thu nhập cao...

 

Những ngày cuối tháng 3-2006, Công an Tiền Giang và Tây Ninh đã khám phá đường dây buôn bán phụ nữ sang Malaysia, giá bán mỗi cô 150-200 triệu đồng. Ðối tượng Trần Thị Mỹ Phượng khai rằng thị bắt đầu dẫn các cô gái Việt Nam qua Malaysia để "lấy chồng" cách đây khoảng một năm. Dẫn được một cô gái Phượng được trả 1.800 USD. Phượng cho mỗi tên dắt mối từ 4-8 triệu đồng tùy theo nhan sắc của từng cô.

 

Tinh vi hơn, đối tượng Lý Thị Ðào không chỉ môi giới mà còn nuôi các cô gái từ năm 2001 đến nay. Tính đến nay Ðào đưa được khoảng 80 cô gái ra nước ngoài, với tổng số tiền được nhận là 120 triệu đồng. Các cô gái là nạn nhân của bọn buôn người này đều thừa nhận họ được dụ dỗ, hứa đưa đi lấy chồng nước ngoài. Một số cô  đã tự nguyện  đem theo hộ khẩu, chứng minh thư  và giấy khai sinh lên thành phố Hồ Chí Minh theo các đối tượng.

 

Rõ ràng có sự sơ hở trong khâu cấp giấy chứng nhận độc thân và về phía các cô gái này vì tham giàu nên đã đi theo các đối tượng buôn người, tưởng rằng sẽ lấy được chồng nước ngoài, sẽ giàu sang, sẽ "đổi đời" có cuộc sống tốt hơn, có điều kiện giúp đỡ gia đình... nhưng thực chất họ đã bị đem bán trao tay sang các nước, vào các động chứa mại dâm. Một số cô khác được những kẻ lắm tiền mua về làm vợ, trong khi tuổi tác chênh lệch đáng bậc cha, chú thậm chí là tuổi ông.

 

Theo tài liệu của Bộ Ngoại giao, trường hợp các cô gái tự nguyện ra nước ngoài theo phong trào kết hôn với người nước ngoài (qua môi giới của các công ty hoặc người quen), sau đó bị bỏ rơi, biến thành người hầu, hoặc bị chính người chồng lừa phải làm nghề mại dâm; nhiều người từ chỗ là nạn nhân lại trở thành tội phạm do hoàn cảnh: bị ép buộc làm nghề mại dâm sau đó bị chính quyền sở tại phạt tù; số khác bị lừa bán ra nước ngoài nhưng vẫn bị chính quyền sở tại coi là nhập cảnh, cư trú, kết hôn trái phép, thậm chí quyền làm vợ, làm mẹ cũng không được bảo đảm.

 

Giải pháp nào?

 

Tại Hội nghị kiểm điểm một năm thực hiện "Chương trình hành động phòng, chống buôn bán PN, TE" của Chính phủ tổ chức cuối tháng 3-2006, hầu hết các tỉnh, thành phố có PN, TE bị buôn bán đã có nhiều kiến nghị, song tựu chung lại ý kiến tập trung vào vấn đề phòng ngừa là biện pháp tốt nhất, không nên để "mất bò mới lo làm chuồng" coi việc điều tra khám phá các vụ án buôn bán PN, TE là trách nhiệm của công an và bộ đội biên phòng. Song, muốn phòng, ngừa tốt không chỉ có Hội phụ nữ làm công tác tuyên truyền mà đòi hỏi phải có sự tham gia của nhiều ban ngành, đoàn thể giúp mọi người dân, nhất là PN, TE ở các tỉnh, thành phố, miền núi, vùng sâu, vùng xa  biết được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn người mà phòng, tránh.

 

Công tác tuyên truyền cũng phải đổi mới hình thức cho sinh động, dễ hiểu, phù hợp với mọi lứa tuổi, đối tượng. Ðặc biệt chú trọng những đối tượng có nguy cơ cao. Và một biện pháp không kém phần quan trọng, đó là công tác phòng, chống buôn bán PN, TE phải được tiến hành đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật. Trong đó cần coi trọng, bố trí, sắp xếp việc làm cho người lao động, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật để mọi người hiểu nghĩa vụ và quyền lợi của công dân./.

Theo Nhân dân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video