Truyền nghề thổ cẩm

07/01/2006
Các lớp truyền nghề dệt thổ cẩm sẽ được tổ chức liên tục, do chính những người có kinh nghiệm trong vùng “đứng lớp”.

Những người theo học không phải trả học phí, lại được nhận thù lao ngay trong khi đang theo học bởi sản phẩm của họ được bao tiêu. Những người tổ chức hy vọng trong tương lai gần, các làng nghề dệt thổ cẩm sẽ xuất hiện và bà con không còn phải lo lắng nghề truyền thống này bị mai một nữa.

 

“VUI TRONG BỤNG LẮM!”

 

Khoảng một tuần qua, bà Tuôn H’Brách, một trong hai người dệt thổ cẩm có kinh nghiệm hàng đầu ở buôn Thu, xã Krông-pa, huyện Sơn Hòa lúc nào cũng thấy vui trong bụng. Đó là lần đầu tiên trong đời, người phụ nữ tuổi đã vượt 50 mùa rẫy này được mời làm... cô giáo. “Anh Rơ Chăm Thư, Phó Bí thư Huyện đoàn Sơn Hòa đã nói chuyện với tôi, bảo tôi làm cô giáo chỉ cách dệt vải (thổ cẩm) cho nhiều người khác trong buôn này. Chuyện này là lạ, bởi bây giờ không còn mấy người thích ngồi dệt vải như thời của chúng tôi nữa. Vậy mà có đến mấy chục đứa, con gái có, địu con có đã nói rằng chúng nó sẽ là học trò của tôi. Như thế đã là rất vui rồi” – Tuôn H’Brách hồ hởi nói như thế.

Không riêng gì “cô giáo”, các học trò cũng đang nóng lòng chờ ngày khai giảng lớp học. Hai chị em Ra Lan H’Duyên và Ra Lan H’Luyên tuổi mười tám, đôi mươi, lâu nay chỉ biết đứng xem các mí, các bà trong buôn dệt vải, nay biết tin có lớp truyền nghề này ngay lập tức đăng ký tham dự.Cô chị H’Duyên thổ lộ: “Bây giờ ai cũng nhiều công việc nên chuyện dạy chuyện học nghề dệt vải này ngày càng ít người theo. Khi nghe Nhà nước mở lớp này, chị em tôi quyết tâm đi học để dệt vải giỏi như các bà, các mí”. Mí Choa, một “học sinh” khác, bộc bạch: “Tôi cũng biết dệt vải, nhưng chỉ sơ sơ thôi, không thạo nghề lắm. Lần này thì phải học thôi. Học gần nhà, không phải mất tiền, lại nghe nói học xong, dệt vải tốt còn được trả công nữa, mấy chị em trong buôn thích lắm”.

 

SẼ HÌNH THÀNH CÁC LÀNG NGHỀ

 

Khoảng hai tuần trước đây, khi lên Đà Lạt (Lâm Đồng) để ký hợp đồng với HTX Mỹ nghệ Hữu Hạnh, đơn vị bao tiêu sản phẩm thiêu mỹ nghệ của học viên Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Tiến Dũng thấy nơi đây bày bán rất nhiều thổ cẩm. “Tôi nghĩ Sơn Hòa là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sao không tổ chức để họ làm thổ cẩm hàng hóa? Vậy là hỏi han và tìm đến Trung tâm sản xuất thổ cẩm K’long ở Đức Trọng. Tại đây, tôi đã bắt được “mối”!” – anh Dũng cho hay. “Mối” đó là gì? Trung tâm này không chỉ sản xuất mà còn là đầu mối tiêu thụ thổ cẩm của nhiều nơi. “Họ có đủ loại thổ cẩm, nhưng lại đang thiếu loại thổ cẩm với hai màu chủ đạo đỏ – đen của các dân tộc thiểu số vùng Nam Trung Bộ. Với chức năng của mình, Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa sẽ tổ chức các lớp học nghề thổ cẩm để cung cấp sản phẩm thô cho K’Long gia công thành thành phẩm. Chúng tôi đã bàn hướng hợp tác như vậy”.

 

“Việc sản xuất ra sản phẩm theo kế hoạch hiện nay là chỉ làm phần thô cho K’long thôi. Khi tay nghề của bà con đạt mức khá, tìm được thị trường riêng, chúng tôi dự kiến sẽ làm đến giai đoạn “đóng gói” sản phẩm luôn. Hàng thổ cẩm Sơn Hòa phải có những đặc trưng riêng, nhìn vào là biết ngay, không lẫn lộn với những nơi khác”

 

Ngay sau khi trở về, Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa đã phối hợp với Đoàn Thanh niên huyện triển khai công tác tuyển sinh ngay cho lớp học này. Đối tượng học là phụ nữ dân tộc thiểu số, người dạy là những nghệ nhân tại địa phương và lớp học được tổ chức tại chỗ. Giáo trình được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của các giáo viên và tiêu chuẩn sản phẩm của K’long. Krông-pa, Cà Lúi và Phước Tân là ba xã được Trung tâm Dạy nghề Sơn Hòa chọn làm thí điểm. Vừa trở về sau chuyến khảo sát, vận động bà con tham gia các lớp học, Phó Bí thư Huyện đoàn Rơ Chăm Thư cho biết: “Mưa gió liên miên, đường sá đi lại khó khăn lắm nên Phước Tân và Cà Lúi mới phổ biến tinh thần, chưa tổ chức lớp được. Riêng ở Krông-pa thì từ lãnh đạo xã đến bà con ai cũng ủng hộ và đề nghị mở lớp ngay. Ai cũng thấy lớp học này không chỉ giúp nghề dệt thổ cẩm khỏi thất truyền, mà còn mở ra một hướng làm ăn mới cho bà con”.

 

Trong một, hai tuần tới, lớp dạy nghề thổ cẩm tại Krông-pa sẽ được tổ chức và trong vòng 3 tháng, hai nghệ nhân Tuôn H’Brách và Mí Dương sẽ truyền nghề lại cho 22 học viên đã đăng ký theo học lớp này. “Lớp học được miễn phí từ A đến Z vì chúng tôi sử dụng nguồn vốn từ chương trình đào tạo nghề cho nông dân do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp. Ngay trong thời gian học, những sản phẩm của các học viên đạt yêu cầu sẽ được tiêu thụ và tất nhiên họ được nhận thù lao”. Phó Giám đốc Nguyễn Tiến Dũng nói thế và cho biết thêm rằng sau Krông-pa sẽ đến lượt Cà Lúi, Phước Tân, Suối Trai, Ea Chà Rang; riêng tại thị trấn Củng Sơn cũng sẽ mở lớp và đối tượng không chỉ là người dân tộc thiểu số, mà còn mở rộng cho cả người Kinh.

Nguyễn QuốcKhương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video