Truyền thông về dân số, sức khỏe sinh sản bằng 5 thứ tiếng

17/09/2018
Gần 20 năm qua, chị Hứa Thị Bình đã tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc, Tày, Nùng, Dao, Thái và Mông thực hiện công tác dân số và phát triển bằng chính tiếng của đồng bào.

Chị Hứa Thị Bình ở xã Vân Trình, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Gần 20 năm qua, trong vai trò một người làm công tác dân số và phát triển, chị đã sử dụng thành thạo ngôn ngữ của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Thái và Mông mỗi khi tới từng hộ dân để nói chuyện và tuyên truyền, vận động.

Vân Trình là một xã vùng cao nằm ở phía Tây Bắc của huyện với địa bàn nhiều núi đá, có độ dốc cao. Toàn xã có 443 hộ dân với hơn 1.780 nhân khẩu thuộc nhiều dân tộc thiểu số khác nhau (người Nùng chiếm 40%, Tày 42,24% sau đó là người Mông, Dao, Thái, Kinh…).

Năm 2000, khi mới bắt đầu đảm nhiệm công việc liên quan đến dân số và phát triển, chị Hứa Thị Bình đã gặp không ít khó khăn. Chị cho biết: “Trong xã, nhiều dân tộc khác nhau nên ngôn ngữ, lối sống, phong tục rất khác nhau. Về địa hình, trước đó có những xóm ở gần đường chính nhưng cũng có những thôn bản phải đi cả ngày trời mới tới nơi. Việc truyền thông về dân số cho bà con rất khó, ban ngày người dân đi làm, mọi công việc chỉ có thể làm vào buổi tối; Có những hôm phải đi xe ngựa, đốt đuốc mới vào được nhà dân…”.

Để có thể hoàn thành công việc của mình, chị Bình luôn khoác túi trên vai với các dụng liên quan đến chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và thực hiện phương châm bám sát địa bàn, đi đến từng gia đình và giao tiếp được với người dân

Chị đã tích cực “gần dân”, đi đến từng hộ gia đình để trò chuyện và học tiếng sau đó vừa nắm bắt được tâm lý của người dân, lại vừa có thể tuyên truyền vận động những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…

Chị hiểu rằng với phụ nữ Mông hay đi làm nương rẫy sớm, thường quên uống thuốc, nên sẽ vận động chị em đặt vòng tránh thai. Với người Dao thích uống thuốc, thì chị vận động chị em nhiều hơn về những biện pháp tránh thai bằng thuốc. Đàn ông Dao cởi mở hơn nên khi đến hộ gia đình, chị sẽ nói về các biện pháp tránh thai, sử dụng bao cao su, chăm sóc sức khỏe sinh sản với cả vợ và chồng…

Với những dân tộc còn nặng tư tưởng trọng nam, hiện đang có 2 con gái, đang thích sinh thêm con thứ 3 trở lên, chị sẽ năng tìm tới trò chuyện, phân tích, nói về lợi ích của việc sinh ít con, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, của bình đẳng giới; Với những gia đình đã sinh nhiều con, chị đã không quản ngại đến nhà nhiều lần để tuyên truyền, thuyết phục họ sử dụng các biện pháp, dịch vụ tránh thai để ngừng sinh con…

Chị Hứa Thị Bình (thứ 2 từ phải qua) trong một buổi truyền thông, vận động về dân số và phát triển tại hộ gia đình ở thôn Lũng Hảy

Ngoài ra, chị Bình còn thường xuyên tham mưu, đề xuất, duy trì các hoạt động tuyên truyền, vận đông thực hiện chính sách Dân số và phát triển thông qua đội ngũ cộng tác viên xóm; phối hợp tổ chức họp xóm, họp nhóm và truyền thông lồng ghép trong các đợt dịch vụ lưu động… Trong năm qua, chị Bình cùng các cộng tác viên Dân số của xã đã tổ chức “gần dân” đi đến được 346 lượt hộ gia đình và tiếp cận được với 964 người nghe tư vấn về thực hiện biện pháp tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nuôi dạy con tốt… Tổ chức được 24 làn họp xóm, họp nhóm, thảo luận nhóm nhỏ phụ nữ với 893 người tham gia…

Chị Lý Thị Mai, người Dao đỏ, ở thôn Lũng Hảy, cho biết: “Gia đình em sinh 2 con gái nhưng cả vợ chồng, thậm chí là ông bà, cũng đều thống nhất không có ý định sinh thêm con nữa. Qua được nghe cán bộ nhiệt tình tuyên truyền, vận động về công tác dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, về bình đẳng giới nên mọi người trong nhà cũng hiểu ra nhiều, không phân  biệt con trai con gái, chọn đẻ ít con để thực hiện đúng chính sách, lại có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình”.

Cũng nhờ sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của chị Hứa Thị Bình cùng cán bộ làm công tác dân số nơi đây, từ năm 2017 đến nay, xã Vân Trình chỉ có duy nhất 1 trường hợp sinh con thứ 3, không có trường hợp nào tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tất cả các chỉ tiêu liên quan đến công tác dân số và phát triển của địa phương đều đạt và vượt kế hoạch.

Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở địa phương ngày càng được phát triển, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Trong năm qua, xã đã vận động được 2 ca triệt sản, 23 phụ nữ đi đặt dụng cụ tử cung, 15 người uống thuốc tránh thai, 13 người sử dụng bao cao su; tổng số trẻ trong xã sinh năm 2017 là 32 trẻ, tăng 6 trẻ so với cùng kỳ năm 2016…

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video