Từ bia, nón lá... đến cuộc chinh phục hình ảnh Việt

16/04/2009
Từ bia, nón lá... đến cuộc chinh phục hình ảnh Việt và nhu cầu quảng bá nhất quán một thương hiệu, bản sắc văn hóa Việt Nam ra bên ngoài.

Thế giới biết Việt Nam bằng cách nào?

Đã 8 lần đại diện cho bia Việt Nam tham gia liên hoan bia quốc tế tổ chức tháng 8 hàng năm tại Berlin, ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch HĐQT VietHauss AG, Nhà Việt Nam tại Đức vẫn nhắc lại "kỳ tích" bán hơn 6.000 chiếc nón lá của Việt Nam trong 3 ngày một kỳ liên hoan bia.

"Hình ảnh ấn tượng nhất là các bạn nước ngoài đầu đội nón lá, tay cầm chai bia Sài Gòn với nụ cười rạng rỡ trên khắp đường phố thủ đô Berlin", ông Hùng nhớ lại. Nhờ những hình ảnh gây ấn tượng, sự tham gia lễ hội tích cực trong nhiều năm liên tiếp, Ban tổ chức lễ hội bia Berlin đã quyết định chọn bia Việt Nam là khách mời chính thức của lễ hội vào năm 2010.

Với vinh dự trên, khi đó Việt Nam sẽ có nhiều quyền lợi, đặc biệt tất cả các phương tiện tuyên truyền quảng cáo sẽ tập trung giới thiệu về Việt Nam. Ông Hùng coi đây là cơ hội rất lớn để quảng bá về đất nước, con người, văn hóa và hàng hóa Việt Nam.

 Ảnh minh họa
Vấn đề ở đây không còn là chúng ta hay dở thế nào, mà là thế giới biết đến chúng ta như thế nào". Ảnh: VNN 
Câu chuyện của ông Hùng cho thấy một vinh dự ắt phải đánh đổi bằng thời gian, sự bền bỉ nghiêm túc và chỉ cảm nhận giá trị thu được khi "nhảy" vào công việc chinh phục hình ảnh Việt gian nan ở chặng đường gây dựng.

"Tham gia tổ chức một hoạt động văn hóa mang tầm cỡ thế giới - Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008, chúng tôi mới thấm thía ý nghĩa và các vấn đề nảy sinh của nó", ông Hồ Trọng Lai, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Hoàn Vũ, đơn vị tham gia tổ chức sự kiện này tại Nha Trang cùng chia sẻ.

Liên quan đến "sự hiểu biết" của thế giới về Việt Nam, ông Lai kể câu chuyện đầy "thấm thía" giữa ông và Mike, Giám đốc phụ trách công tác an ninh của Tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ thế giới (MUO).

Mike đã thú thật với ông Lai trong một lần trò chuyện rằng mặc dù đã được MUO cung cấp đầy đủ thông tin về kế hoạch làm việc với phía Việt Nam nhưng trước buổi làm việc, anh đã hết sức lo lắng. Bố của Mike, một người từng tham gia Thế chiến thứ 2, từng đến Việt Nam, đã hỏi anh: "Con đến Việt Nam để làm gì?". Những gì ông tả về Việt Nam giống như những thứ anh từng được xem trên màn ảnh trước đây: chiến tranh và lạc hậu.

Tuy nhiên, khi đến Việt Nam và nhất là sau buổi làm việc với cơ quan công an tại TP.HCM về kế hoạch đảm bảo an ninh cho cuộc thi hoa hậu, suy nghĩ của anh đã thay đổi. Mike nói với ông Lai, anh gọi điện về cho bố để nói: "Bố đã sai lầm và phải đến Việt Nam để tận mắt chứng kiến những thay đổi. Việt Nam giờ đây là một đất nước hòa bình, văn minh và đang hội nhập cùng thế giới".

"Qua câu chuyện này, tôi bỗng thấy giật mình... Vấn đề ở đây không còn là chúng ta hay dở thế nào mà là thế giới biết đến chúng ta như thế nào. Đôi khi vì thiếu thông tin mà hình ảnh của Việt Nam bị méo mó hoặc lệch lạc trong cách nhìn của thế giới", ông Lai trăn trở.

Đồng tâm hiệp lực

Không có sự nghi ngờ nào về tiềm năng và sứ mệnh cấp bách quảng bá một hình ảnh Việt Nam mới đang thay đổi và phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ, thoát khỏi bóng dáng chiến tranh và lạc hậu.

Ngoại giao văn hóa không phải nhiệm vụ mới, nhưng như nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng đề cập, ngày nay các chủ thể chuyển tải các giá trị văn hóa được mở rộng hơn nhiều so với thời kế hoạch hóa tập trung.

Không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, các cá nhân người Việt Nam ở trong và ngoài nước đều có thể làm việc này. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là làm thế nào để huy động họ "vào trận".

Kể lại việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tài trợ cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2008, ông Hồ Trọng Lai cho biết, dù đã có sự hậu thuẫn từ phía các bộ, ban, ngành và ban tổ chức, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp đắn đo.

"Họ đắn đo không phải ở chỗ được gì, mất gì, mà ở chỗ Nhà nước làm gì để có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia", ông Lai cho hay. Ông đề nghị, để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội hóa ngoại giao văn hóa, nên có một cơ chế, một hành lang pháp lý riêng biệt.

Cầm trịch các hoạt động của Nhà Việt Nam tại Đức với hoạt động phủ kín 365 ngày trong năm nhưng ông Nguyễn Xuân Hùng thẳng thắn: Vẫn còn thiếu liên kết giữa trong và ngoài nước. Ông cho rằng cần tập trung sự hỗ trợ, hướng các hoạt động ngoại giao văn hóa thông qua các cơ quan ngoại giao tại các nước vào các trung tâm văn hóa, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các cá nhân có kinh nghiệm và năng lực tổ chức, có uy tín trong cộng đồng phát huy khả năng của họ.

Tuy có nhiều chủ thể cùng tham gia vào lĩnh vực ngoại giao văn hóa, song quan trọng hơn cả là sự thống nhất nội bộ và đồng tâm hiệp lực. Vụ trưởng Vụ Chính sách đối ngoại, Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng, trước mắt, cần đưa ra một thông điệp chung về văn hóa Việt Nam để tất cả các ngành, các cấp, các cán bộ làm ngoại giao văn hóa cùng phối hợp quảng bá nhất quán một thương hiệu, bản sắc văn hóa Việt Nam ra bên ngoài.

 

Theo Vietnamnet

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video